Cầu tre lắt lẻo – cầu An Chánh (Tây Sơn, Bình Định)

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời

Tui chắc rằng đứa con nít nào cũng từng được mẹ hát ru câu này từ thuở nằm nôi. Thế nhưng mãi đến hồi bước qua đầu 4x, tui mới biết cái độ lắt lẻo của cây cầu tre là cỡ gì. Đó là nhờ lần đi qua cầu An Chánh ở Tây Sơn trong một dịp rất tình cờ. Thiệt sự tui yêu cái sự tình cờ đầy may mắn trong những lần lượn lờ quá chừng luôn, nhờ nó mà tui khám phá ra nhiều điểm đến cực hay ho như thánh đường Hồi giáo ở làng Chăm Châu Phong, món tung lò mò (An Giang), cháo đậu cà (Hà Nội), nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải, cây nghể hoa đầu (Sapa), cây bún, cây trôm trên tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận), cây mướp sát… À mà thôi, quay lại với cầu An Chánh nào.

Nhện đã kịp giăng màn trên thân cầu.

Đường đến cầu An Chánh

Cầu An Chánh bắc qua dòng sông Kôn (sông Côn), nối liền xã Bình Nghi với thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tui biết đến nó khi đi từ tháp Thủ Thiện sang tháp Dương Long. Đây cũng là cung đường ngắn nhất nếu bạn muốn khám phá 2 cụm tháp đặc biệt này trên đất Tây Sơn, khoảng 5km. Vì đi qua cầu gỗ nên đương nhiên nó chỉ dành cho xe máy thôi nhan. Trạm thu phí nằm ở đầu cầu phía xã Tây Bình nha, năm 2022 tui đi giá 1k 2k gì à.

Cầu An Chánh thô sơ mỏng dính nằm vắt vẻo trên sông Kôn.

Cầu An Chánh được dựng lên năm 2000, tính đến nay đã 24 năm tuổi. Tuy chỉ là cầu tạm nhưng rất thuận lợi cho người dân các vùng ở bờ bên này sông Kôn, trong đó có xã Tây Bình, nếu muốn qua bờ bên kia để về quốc lộ 19. So với việc đi đường vòng qua cầu Kiên Mỹ mới (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hoặc cầu An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) thì cây cầu này đã rút ngắn được cả nửa quãng đường di chuyển.

Cầu An Chánh trên bản đồ.

Đến cầu An Chánh khi nào

Loại cầu thô sơ như này chỉ dành cho người đi bộ, xe máy và xe đạp. Nếu bạn rất vững tay lái thì hãy chạy xe qua, nếu không thì nên để xe lại và đi bộ ngắm cảnh thôi. Thêm một hướng dẫn sử dụng chung cho mọi cây cầu gỗ là chỉ đi vào mùa khô; còn mùa mưa lũ thường vào tháng 10, 11, nước dâng lên và chảy xiết có thể cuốn trôi cầu nên hoàn toàn không được phép đi qua đây để đảm bảo an toàn.

Giữa trưa 12h đứng bóng, có mình tui giang nắng ngồi trên cầu chụp hình.

Cầu tre lắt lẻo

So về độ dài, cầu An Chánh chỉ thua cầu gỗ Ông Cọp (Phú Yên). Người ta nói rằng An Chánh là cây cầu tre dài nhất Bình Định, đến 600m. Nhưng đó là tính từ đường cái ở đầu này qua đường cái ở đầu kia, còn đoạn cầu thì ngắn hơn, khoảng 550m. Đây đúng là công trình cầu tạm vì toàn bộ chỉ làm từ gỗ, tre và những sợi thép. Dài như vậy nhưng không có mố cầu, kết cấu phần dưới chỉ là trụ cầu bằng gỗ to cỡ cổ chân hoặc nhỏ hơn cắm xuống lòng sông. Dọc theo cầu, hai bên rìa là các cọc thẳng; Mỗi cọc thẳng thường đi kèm với một cọc nghiêng để giằng chống cho vững vàng. Ở giữa cũng chạy một hàng cọc để đảm bảo tải trọng cho cầu.

Chân cầu đã kinh rồi, nhưng mặt cầu mới càng chứng tỏ độ chất chơi của An Chánh nếu đặt chung mâm với mấy ẻm cùng ngành hàng. So với cầu gỗ – một loại cầu thô sơ ở nhiều nơi khác như Hoài Xuân, Phù Mỹ hay Phú Yên thì mặt cầu được kết lại từ những thanh gỗ hay khúc cây to. Còn với An Chánh, mặt cầu làm bằng tấm phên đan bằng tre vát mỏng, chỉ khoảng hơn 1 mét. Ai mà đã từng học cách đan lóng mốt lóng hai hồi nhỏ thì đây là ứng dụng thực tế nè.

Hai bên mép phên là các đoạn tre được cố định lại bằng sợi thép. Giang mình trong nắng mưa, các thanh tre đoạn thì cong vênh, đoạn thì bị mục tạo thành những ổ gà ngay trên mặt cầu. Bởi vậy, nó khá mong manh dễ vỡ nên lâu lâu người ta lại đem tre ra thay thế, lấp các ổ gà đó.

Tui thật nể những người đã dựng nên cầu An Chánh vì dám sống chung với những thử thách của thiên nhiên. Dòng Kôn đoạn này lòng sông rất rộng nên chiều dài cầu An Chánh cũng gần ngang ngửa cầu Kiên Mỹ (cầu dẫn đến Bảo tàng Quang Trung). Mùa nước cạn còn đỡ, những bãi cát hiện ra, giữ chặt lấy chân cầu. Mùa lũ thì khỏi phải nói, lũ sông Côn vốn nổi tiếng xưa giờ với dòng nước cuồn cuộn cuốn phăng mọi vật cản. Mà ngay cả khi sông cạn, nước vẫn chảy, cát vẫn cuốn đi, những đám rác vẫn mắc lại ở chân cầu khiến chúng càng trở nên lỏng chỏng, nguy hiểm.

Đám cây khô cứng quèo kẹt ở chân cầu.

Thử thách đi trên cầu An Chánh

Mỗi lần đứng trên cầu tre, cầu gỗ, tui cảm giác như đang trên cây đàn piano. Các thanh gỗ gập ghềnh nên xe chạy qua cứ nhảy tưng tưng như đang dạo phím đàn. Thế nhưng nó chả thi vị như nghe một bản nhạc chút nào, thay vào đó là cảm giác sắp tọt xuống sông. Mấy đợt trước chỉ đứng trên cầu mà những mỗi lần có xe máy đi qua, thấy cây cầu rung lên bần bật là tui đã thấy hơi hãi; còn lần đi cầu An Chánh là lái hẳn xe máy. À mà thiệt ra tui không có gan chạy xe qua cầu đâu, tui chỉ là đứa ngồi sau nhưng cũng đủ rụng tim vì sợ luôn. Qua được bờ bên kia là tui hú hồn hú vía.

Nghe nói trong quy hoạch của huyện đến năm 2035 có đề nghị xây cầu An Chánh thành công trình kiên cố. Từ đây đến đó, nếu muốn thử mức “gập ghềnh khó đi” thì bạn hãy tranh thủ nhé và nhớ đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *