Những cột mốc dấu ấn chủ quyền nơi cửa khẩu biên giới Lào Cai

Dọc chiều dài biên giới Lào Cai có 128 cột mốc gồm 124 mốc chính và 4 mốc phụ. Cột mốc đầu tiên được cắm vào tháng 9/2001 và kết thúc vào ngày 26/12/2007 với cột mốc số 144, đặt tại cửa khẩu Sín Tẻn, xã Mường Khương, huyện Mường Khương.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai nằm ngay tại thành phố Lào Cai.

Đọc thêm: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc

1. Cột mốc 102

Ngay tại cửa khẩu Lào Cai, bên trong khuôn viên đền Mẫu là cột mốc 102(2). Cột mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, nặng gần 1 tấn, cao khoảng 2.2m, thân trên rộng 0.5m và chân rộng 0.9m; tọa độ 22.507336, 103.965018. Mốc được khởi công năm 2001 và khánh thành 13/7/2002. Cột mốc đặt tại cửa khẩu nên có gắn quốc huy nước Việt Nam và thuộc nhóm mốc lớn, mặt trước và mặt sau đều trang trí như nhau. Đây còn là loại mốc đôi, trong đó mốc 102 (1) nằm tại Trung Quốc và mốc 102 (2) nằm phía Việt Nam.

Phía trước cột mốc 102(2) là con sông Nậm Thi (Nanxi he) tạo thành biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên này là thành phố Lào Cai; bên kia là thị trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam.

Bên trái là cầu Hồ Kiều 2 bắc qua sông Nậm Thi.

2. Cột mốc 101

Mốc 101 là mốc 3 cùng số, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, mỗi cái nặng 300kg. Cột mốc 101(1) được đặt trên bờ sông phía Trung Quốc – nơi giao nhau của sông Hồng và sông Nậm Thi đoạn cầu Hồ Kiều, Tp Lào Cai. Cột mốc cắm ngày 18/12/2004 tại độ cao 88m, với tọa độ 22.506966, 103.963446.

Cột mốc 101(2) được đặt trên bờ sông phía Việt Nam, cách cửa khẩu Lào Cai chỉ khoảng 250m. Mốc cắm ngày 18/12/2004 tại độ cao 88m, tọa độ 22.506124, 103.965035. Ngay phía trước cột mốc là ngã ba sông – nơi hợp lưu của dòng sông Hồng và sông Nậm Thi tạo thành ngã 3 sông.

Cột mốc 101(3) được đặt trên bờ sông phía Việt Nam, đối diện với mốc 101(2), cách nhau bởi con sông Hồng. Mốc cắm ngày 20/12/2004, tại độ cao 85m, tọa độ 22.505031, 103.963818.

Từ cột mốc 102(2) nhìn sang phía bên trái là cột mốc 101(2) và 101(3).

3. Cột mốc 103

Mốc 103(2) là mốc đôi cùng số loại lớn có gắn quốc huy, đặt trên bờ sông Nậm Thi phía Việt Nam, nằm cạnh cầu đường sắt từ Việt Nam đi Trung Quốc. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 10/5/2003 tại tọa độ 22.5084, 103.965458.

Từ cột mốc 102(2) nhìn sang tay phải là cột mốc 103(2), cách khoảng 100m. Từ cột mốc 102(2) cũng có thể nhìn thấy cầu đường sắt nằm song song với cầu Hồ Kiều 2.

Cầu đường sắt nằm bên tay phải, khuất sau đám cây lòa xòa.

4. Đền Mẫu và đền Thượng

Đền Mẫu ở Tp. Lào Cai là nơi thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử của dân gian Việt Nam. Cổ tích xưa kể rằng bà là công chúa con Ngọc Hoàng, giáng trần để giúp ích cho đời. Trong quan niệm của người dân, Bà là Tiên nên có phép Tiên; là Phật nên mang tư tưởng Phật; là Mẫu nên có phẩm chất của người Mẹ; là Thánh nên linh thiêng; là con nhà gia thế cho nên được học hành, thông kinh sử, giỏi đàn ca và thơ phú. Trong bà có đức hiếu nghĩa của Nho giáo, có pháp thuật của Đạo giáo. Năm 2016, UNESCO đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản văn hóa phi vật thể.

Đền Mẫu được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, lưng dựa vào bức tường cổ do nghĩa quân Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nhằm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương. Đền Mẫu đã được nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong vào thời Tự Đức năm thứ sáu (24/9/1853); Tự Đức năm thứ 33 (24/11/1880); Khải Định năm thứ 9 (25/7/1924). Cách đền Mẫu khoảng 500m là di tích đền Thượng – nơi thờ tự Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Cả 2 hợp thành một quần thể di tích tâm linh đặc biệt tại thành phố biên cương này.

Thưởng thức món thạch găng – một loại giải khát tương tự như rau câu ở mình.

Góc nhỏ:

Quy định ghi trên cột mốc: Các cột mốc giới do phía Việt Nam cắm làm bằng đá hoa cương hoặc bê tông; các cột mốc giới do phía Trung Quốc cắm làm bằng đá hoa cương. Trên mặt mốc đều khắc tên nước, số hiệu mốc giới và năm bắt đầu phân giới cắm mốc tại thực địa (2001).

  • Cột mốc Lớn, mốc Đại: được cắm ở cửa khẩu biên giới lớn và có quốc huy trên cột mốc.
  • Cột mốc Trung, mốc Chính: được cắm ở những vị trí đường biên giới đổi hướng, thay đổi địa hình, dễ xảy ra tranh chấp.
  • Cột mốc Nhỏ, cột mốc Phụ: được cắm trong khoảng cách giữa 2 mốc chính để làm rõ đường biên giới. Số hiệu mốc giới phụ thể hiện bằng phân số, trong đó tử số là mốc giới chính phía trước, mẫu số là số hiệu 1, 2, 3… của mốc giới phụ.

Các loại cột mốc đơn, đôi, ba: Trong cột mốc lớn, trung, đại lại gồm nhiều loại khác nhau.

  • Cột mốc đơn: Được cắm trực tiếp trên đường biên giới.
  • Cột mốc đôi: Mốc đôi cùng số được cắm ở 2 bên bờ sông biên giới và vị trí thường đối xứng nhau. Mốc kèm theo số hiệu phụ 1, 2 và để trong ngoặc đơn. Mốc (1) nằm phía Trung Quốc và mốc (2) nằm phía Việt Nam.
  • Cột mốc ba: Mốc ba cùng số được đặt trên bờ sông của hai bên, nơi hợp lưu (nơi phân lưu) của sông, suối nội địa và sông, suối biên giới. Số hiệu phụ phải để trong ngoặc đơn. Bên nào chỉ có một bờ sông, suối thì đặt mốc có số (1); các mốc số (2) và (3) nằm trên bờ sông nước kia.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

3 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *