Nếu có dịp đến thủ phủ hành chính của Malaysia, thành phố Putrajaya, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng một nhà thờ Hồi giáo rực hồng dưới nắng. Đó chính là thánh đường Putra, nằm ngay trung tâm thành phố. Đây không chỉ là thánh đường lớn nhất thành phố; mà vẻ đẹp lộng lẫy mà trang nghiêm này đã trở thành một điểm nhấn du lịch không thể bỏ qua khi đến đây.
Đọc thêm: Khám phá thành phố trẻ Putrajaya ở đất nước trăm đảo
1. Vài nét về thánh đường Putra
Thánh đường Hồi giáo Putra (Putra Mosque, Masjid Putra) được đặt theo tên của vị Thủ tướng đầu tiên của Malaysia, Tunku Abdul Rahman Putra Al-Haj. Thánh đường rộng 1.37 ha và có ¾ diện tích nằm trên hồ nhân tạo Putrajaya, đối diện quảng trường Putra.
Quảng trường Putra
Thánh đường được xây dựng trong 2 năm và hoàn thành vào 9/1999, tốn khoảng 250 triệu ringgit và chi phí bảo trì khoảng 100 nghìn ringgit. Kiến trúc sư Dato ‘Dr. Nik Mohamad Bin Mahmood là người phụ trách thiết kế nhà thờ này. Kiến trúc Putra là sự kết hợp giữa phong cách của những đền thờ Hồi giáo ở Isfahan (Trung Đông) và văn hóa bản địa Mã Lai, ngoài ra còn khéo léo pha trộn các chi tiết truyền thống của Bắc Phi và Ả Rập.
- Góc nhỏ: Isfahan từng là kinh đô của Ba Tư (Iran) dưới triều đại Safavid (1501-1732). Thời kỳ này nổi tiếng với nhiều kiến trúc tráng lệ.
Putra còn được gọi là “Thánh đường hồng” bởi sắc màu này phủ khắp không gian công trình, từ lớp đá granit màu hồng đặc biệt ốp bên ngoài đến các họa tiết trang trí bên trong. Dù đây không phải là màu sắc chủ đạo trong đạo Hồi nhưng lại được sử dụng ở khá nhiều thánh đường Hồi giáo trên thế giới như Nasir al-Mulk (Shiraz, Iran), Dimaukom (Maguindanao, Philippines).
2. Ngọn tháp cao 116m
Ngay trong sân, phía bên trái là một ngọn tháp cao vút màu hồng nhạt, cao đến 116m. Ngọn tháp này lấy cảm hứng từ tháp nhà thờ Hồi giáo Sheikh Omar Al-Sahrawardi ở thủ đô Baghdad, Iraq. Tháp được chia thành 5 tầng, tượng trưng cho 5 bổn phận, hay còn gọi là 5 trụ cột của mỗi tín đồ.
Góc nhỏ: 5 trụ cột của đạo Hồi
- 1 là đức tin, còn gọi là Shahada. Câu nói: “Không có Chúa trời nào khác ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Người” là cốt lõi của Hồi giáo và được tín đồ thuộc nằm lòng.
- 2 là cầu nguyện, được thực hiện 5 lần/ngày vào bình minh, giữa trưa, giữa buổi chiều, hoàng hôn và buổi tối. Khi cầu nguyện, phải quay mặt về hướng thánh địa Mecca.
- 3 là sự bố thí, chia sẻ một phần tài sản của mình cho những người cần được giúp đỡ.
- 4 là nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan.
- 5 là hành hương đến thánh địa Mecca.
Nhìn từ trên xuống theo mặt cắt ngang, mỗi tầng lại có hình dáng của một ngôi sao 8 cánh, chính xác hơn là dấu ấn của Rub el Hizb – biểu tượng trực tiếp trong đức tin Hồi giáo. Đúng ra đây là 2 hình vuông chồng lên nhau nhưng so le 450, từ đó tạo thành hình ngôi sao 8 cánh. Ngoài ra trong biểu tượng còn có một vòng tròn nhỏ ngay trung tâm ngôi sao.
- Góc nhỏ: Trong đạo Hồi, kinh Koran được chia thành 60 phần dài bằng nhau, còn gọi là Hizb, mỗi Hizb lại được chia thành 4 Rub. Như vậy, phần “Rub” của biểu tượng có nghĩa là ¼, còn phần “Hizb” mang ý nghĩa là một nhóm. Do đó, Rub el Hizb đánh dấu sự kết thúc của các đoạn trong Kinh Koran.
3. Sảnh cầu nguyện lộng lẫy
Nổi bật nhất của nhà thờ Hồi giáo Putra là mái vòm cong tròn màu hồng có thể được thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Có tất cả 9 mái vòm trên nóc nhà cầu nguyện, vòm lớn nhất có đường kính 36m nằm ngay chính giữa, 8 mái vòm nhỏ còn lại nằm ở 4 góc nhà, giật cấp thành 2 tầng, mỗi tầng 4 cái.
Mái vòm chính
Mái vòm ở các góc nhà.
Nếu như bên ngoài nhà cầu nguyện gây ấn tượng bởi mái vòm cong đặc sắc thì bên trong là một không gian rộng lớn với nhiều chi tiết trang trí tỉ mỉ. Trụ chính trong tòa nhà là 12 cây cột cao 63m đỡ lấy mái vòm chính, ngoài ra còn nhiều cột phụ khác.
Quanh các trụ chính được tận dụng làm kệ sách.
Họa tiết cầu kỳ trong lòng mái vòm chính và những ô cửa sổ kính màu.
Bức tường phía cung thánh được vẽ họa tiết trang trí cầu kỳ.
Ba mặt tường còn lại là khung cửa kính với gỗ cengal nhuộm màu nâu để lấy được ánh sáng tự nhiên.
Các khung gỗ khắc hoa văn để tô điểm toàn bộ khung bên ngoài nhà cầu nguyện.
Khu vực này có sức chứa đến 8000 tín đồ nam ở tầng trệt và 2000 tín đồ nữ ở tầng 2. Bên trong sảnh được trải một lớp thảm dày. Khách đến tham quan chỉ được giới hạn trong một khu vực và ngăn cách và hàng rào dây còn tín đồ sẽ có lối đi riêng.
Bản đồ công trình Hồi giáo trên thế giới.
Những thùng quyên góp đặt trên sảnh khu vực cầu nguyện. Ở đây còn có nước suối, 1 ringit/chai.
4. Khoảng sân xanh mát
Sân trong thánh đường, còn gọi là Sahn, đủ chỗ cho 5000 người.
Khoảng sân rộng rãi, được lát đá granit sáng bóng.
Những chậu nhài hoàng đế vàng óng ả, mai chỉ thiên trắng muốt đặt nhiều nơi trong sân. Tui chỉ thắc mắc là trúc đào dù độc nhưng hay được lựa chọn trồng làm cảnh.
Kệ để giày dép cho tín đồ.
Từ đây, nếu đi xuống tầng hầm, bạn sẽ có được góc chụp toàn bộ nhà thờ. Các bức tường tầng hầm phảng phất hình ảnh của Nhà thờ Hồi giáo Hassan II ở Casablanca, Ma Rốc.
Ảnh: Mạnh Hùng
5. Một số khu vực khác
Thánh đường còn có một số phòng chức năng khác như khán phòng với sức chứa 380 người, phòng ăn với sức chứa 230 người, các phòng giảng, thư viện với 11000 cuốn sách…
Phòng chức năng là dãy nhà nằm ở phía xa, cũng thiết kế cửa vòm nhưng đơn giản hơn nhiều.
6. Địa chỉ và thời gian mở cửa
Địa chỉ: Thánh đường Putra, Persiaran Persekutuan, Presint 1, 62000 Putrajaya, Wilayah Persekutuan Putrajaya. Bạn có thể đến thánh đường Putra bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu phương tiện công cộng thì đi xe buýt Nadi Putra, xe số 501 và 502. Ga gần nhất là Quảng trường Putra cách thánh đường khoảng 110m; xa hơn một chút là ga Dataran Putra cách 270m.
Bạn có thể tham khảo tuyến đường từ Kuala Lumpur đến thành phố Putrajaya trong bài Khám phá thành phố trẻ Putrajaya ở đất nước trăm đảo
Vé: Thánh đường miễn phí vào cửa.
Thời gian mở cửa: trừ giờ cầu nguyện chỉ dành cho tín đồ, còn lại du khách được vào tham quan theo các khung giờ sau:
- Từ thứ 7 đến thứ 5: có 3 khung giờ: 09:00 – 12:30, 14:00 – 16:00, 17:30 – 18:00.
- Thứ 6: có 2 khung giờ: 15:00 – 16:00, 17:30 – 18:00.
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về thánh đường tại: http://www.masjidputra.gov.my/en/
7. Quy định khi vào thánh đường
Đây là chốn tôn nghiêm nên không được hút thuốc và phải mặc trang phục lịch sự. Nam giới phải mặc quần dài. Còn nữ giới phải mặc áo choàng dài đến chân và có mũ trùm đầu. Các du khách nữ sẽ có khu vực phát áo choàng miễn phí và mặc trước khi vào sân. Vừa qua cổng, rẽ phải là đến nơi phát áo choàng này.
Xếp hàng chờ phát áo choàng.
Thêm một lưu ý là các nhà thờ Hồi giáo đề cao sự sạch sẽ và tinh khiết, do vậy nếu các bạn nữ đang bị “cá mập cắn” thì không được vào nhà cầu nguyện chính.
Trước khi lên sảnh cầu nguyện phải để giày dép bên ngoài.
Các tờ rơi miễn phí giải thích một số nét cơ bản của đạo Hồi cũng được để trong sảnh cho bạn tham khảo.
Là tui trước và sau khi khoác áo choàng. Balo làm lưng áo bị độn lên mà lúc chụp tui không để ý.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Lộng lẫy miền thánh đường hồng Putra ở Malaysia […]