Qua miền biên viễn – Cột mốc 103 (Lào Cai)

Lúc nhận lịch trình tour thấy có ghé cột mốc 102, tui đã lo đi rà bản đồ các mốc giới ở khu vực này để xem có tranh thủ nghía thêm cái nào được không. Vì vậy, sau khi chụp lia lịa ở mốc 102, tui bay cái véo qua mốc 103(2) liền.

Mặt trước cột mốc 103(2).

Cột mốc 103(2) nằm cạnh cầu Hồ Kiều 1, cách không xa cột mốc 102(2). Vì nằm ở khu vực cửa khẩu biên giới nên cột mốc 103(2) cũng là loại mốc lớn, có quốc huy như mốc 102(2). Tuy nhiên không gian ở khu vực này khá chật, cộng với nằm cạnh đường sắt đang lưu thông nên ít được du khách để ý đến. Đa phần mọi người hay đến cột mốc 102(2), vừa có không gian rộng rãi, nằm sát cửa khẩu quốc tế Lào Cai, vừa nằm cạnh Đền Mẫu nên tham quan thuận tiện hơn.

Mặt sau cột mốc 103(2).

Đọc thêm: Những cột mốc dấu ấn chủ quyền nơi cửa khẩu biên giới Lào Cai

Thông tin về cột mốc 103

Cột mốc 103 là mốc đôi cùng số nên gồm 2 mốc:

  • Cột mốc 103(1) là mốc đôi cùng số, loại lớn có gắn quốc huy, làm bằng đá hoa cương; đặt trên bờ sông Nậm Thi phía Trung Quốc, phía Tây Nam cầu đường sắt Hồ Kiều. Tại điểm có độ cao 87.78m, tọa độ 50885, 103.964175 (22º 30′ 31.861″N, 103º 57′ 51.031″E). Được cắm ngày 24/12/2002. Cách mốc 103(2) là 141.03m.
  • Cột mốc 103(2) là mốc đôi cùng số, loại lớn có gắn quốc huy, làm bằng đá hoa cương; đặt trên bờ sông Nậm Thi phía Việt Nam, phía Đông Bắc cầu đường sắt Hồ Kiều thuộc địa bàn thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Tại điểm có độ cao 88.81m, tọa độ 22.5084, 103.965458. (22º 30′ 30.240″N, 103º 57′ 55.647″E). Được cắm ngày 10/5/2003. Cách mốc 103(1) phía Trung Quốc là 141.03m qua con sông Nậm Thi; với các mốc ở phía Việt Nam thì cách mốc 102(2) là 126.2m và cách mốc 104(1) là 843.4m.

Đường đi từ mốc 102(2) sang mốc 103(2).

Di chuyển tới cột mốc 103(2)

Từ cột mốc 102(2) nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần cửa khẩu quốc tế Lào Cai (thành phố Lào Cai) => đi gần tới ngã tư Nguyễn Huệ – Nguyễn Công Hoan là có tuyến đường sắt cắt ngang => rẽ trái vào chừng 4m là thấy cột mốc 103(2) bên tay phải. Quãng đường đi bộ chỉ khoảng hơn 100m.

Đến nút giao này thì rẽ trái vào cột mốc 103(2). 

Cầu Hồ Kiều 1 – chứng nhân lịch sử từ thế kỷ 19

Nhưng điểm nhấn ở khu vực này không chỉ là cột mốc 103(2) mà còn là cây cầu Hồ Kiều 1 lịch sử. Trước đây, dân cư ở hai bờ Việt – Trung chỉ có thể giao thương bằng thuyền chèo qua dòng Nậm Thi (Nanxi he). Để thúc đẩy kinh tế, tăng cường khai thác nguồn tài nguyên, lâm sản dồi dào của vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, người Pháp quyết định xây cầu bắc qua sông Nậm Thi. Ngày 28/3/1898, cầu Hồ Kiều ra đời. Đến năm 1901, khởi công tuyến đường sắt Điền – Việt kết nối Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh dài 854km với đoạn đường nằm trong lãnh thổ Việt Nam dài 389 km. Sau khi đường sắt này khánh thành vào ngày 1/4/1910, cầu Hồ Kiều còn thực hiện thêm nhiệm vụ là cầu đường sắt. Kể từ đó, hoạt động trao đổi thương mại, giao lưu giữa 2 tỉnh vùng biên trở nên sôi động hơn.

Năm 1979 trong chiến tranh biên giới phía Bắc, cầu Hồ Kiều bị phá sập một phần nhưng sau đó được nối lại khi đã bình thường hóa quan hệ Việt – Trung. Sau này nhu cầu giao thương ngày càng mở rộng, năm 2000 một cây cầu đường bộ mới được khởi công xây dựng cách cầu cũ khoảng 130m, đặt tên là cầu Hồ Kiều 2. Sau khi cầu mới khánh thành năm 2003, cây cầu cũ trở thành cầu Hồ Kiều 1 và chỉ còn đảm nhận chức năng cầu đường sắt, 2 bên đường sắt vẫn để lại hành lang đi bộ nhỏ.

Hiện nay việc vận chuyển hàng hóa qua cầu Hồ Kiều 1 có phần hạn chế hơn so với trước kia. Lý do là vì đường sắt Việt Nam vẫn dùng khổ 1m, trong khi phía Trung Quốc đã chuyển sang khổ 1.435m. Do đó các chuyến tàu đến đây phải dừng lại để hàng hóa sang tải, tốn thời gian và chi phí.

Sông Nậm Thi – đường biên giới tự nhiên giữa 2 nước.

Vài lưu ý khi khám phá cột mốc 103

  • Đây là khu vực biên giới. Do vậy bạn nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để có thể xuất trình khi được yêu cầu.
  • Bạn thoải mái ngắm cảnh và chụp ảnh nhưng nhất định phải giữ vệ sinh chung và không được phép làm hư hại, sai lệch các mốc quốc giới cũng như ranh giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới. Vấn đề này liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nên được quy định rõ ràng trong Luật Biên giới quốc gia.

Đọc thêm về quy ước của cột mốc: Tìm hiểu về cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Góc nhỏ: Tuyến biên giới Việt – Trung đoạn thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai dài km gồm 124 mốc chính và 4 mốc phụ, đi qua huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai. Bắt đầu từ mốc 86 (huyện Bát Xát) và kết thúc ở mốc 171 (huyện Si Ma Cai).

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *