Về đến đất Bình Định, nếu nghe ai đó hỏi “Khi nào cho cô ăn bánh hồng dẫy (vậy) bay?” thì chắc chắn không phải đang giới thiệu về đặc sản quê nhà đâu, mà là muốn hỏi thăm tin báo hỷ của bạn đấy.
Đã thành phong tục, trong mâm quả cưới miền Bắc luôn hiện diện bánh cốm, miền Nam là bánh pía, miền Trung có bánh phu thê (su sê), và ở đất Bình Định thì không thể thiếu bánh hồng. Có người bảo rằng, gọi tên “bánh hồng” vì cùng với tấm thiệp hồng, đó là sứ giả báo tin vui cho ngày lễ trọng đại. Người khác lại nói bánh có màu hồng phơn phớt nhẹ nhàng nên được gọi tên theo màu sắc.

Cách làm bánh hồng
Bánh hồng được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và dừa. Phải chọn những hạt nếp ngự căng bóng, no tròn, nếu không cũng là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương trên vùng núi cao. Ngâm nếp chừng 8 tiếng rồi đổ nước vào xay. Đăng bột, tức là chờ bột lắng, để vài tiếng cho ráo nước. Trước khi khuấy, nếu bột khô thì thêm một ít nước vào nhồi để bột được dẻo mịn hơn. Nếu không thì lấy luôn bột còn hơi ướt sền sệt đem đi khuấy.
Đến khâu này cũng có nhiều cách để làm. Hấp hoặc luộc bột cho chín rồi cho vào nồi nước đường đã nấu sôi. Hoặc nắn từng miếng bột sống cho vào nồi nước đường, dằm nhuyễn và khuấy đều cho các khối bột hòa quyện thành một. Phải nặn thành miếng nhỏ dẹt để bột nhanh chín, chứ nếu cho nguyên cả khối bột lớn vào thì sẽ dễ bị chín bên ngoài, sống bên trong. Quẹt vội giọt mồ hôi, chú Lê Xuân Cảnh (Phù Cát, Bình Định), hơn 2/3 đời người theo nghề làm bánh truyền thống, cười “Ngó vậy chớ cũng không dễ, mỏi tay lắm đó con”. Càng về sau, bột càng đặc lại nên phải giữ nhịp quấy để bột được chín đều. Hơn nữa, vì có nước đường nên chỉ chậm tay xíu thôi là bột sẽ cháy và bị khét. Lửa chỉ để liu riu nên thời gian quấy bột khá lâu, thậm chí mất cả vài tiếng nếu làm thủ công. Khi nào bột dẻo lại thì cho dừa bào sợi vào trộn chung. Dừa chọn loại không quá non mà cũng không quá già. Non quá thì cơm mỏng, ít ngọt, mà già quá thì cơm dừa sẽ sạm cứng, dễ bị hôi dầu. Dừa có thể sên đường trước cũng được.

Tiếp tục quấy đến lúc cả bột và dừa quánh lại thành cục và không dính chảo, ấn không dính tay là được. Nhiều người còn cẩn thận thì lấy đôi đũa cả sắn từng khối bột, hơ trên lửa nhỏ đến khi bột trong và dẻo như ý. Đổ bột ra khuôn, ép thành hình và áo bên ngoài một lớp bột năng đã rang chín. Lớp bột áo này để giúp bánh không bị dính vào nhau.

Gọi tên bánh hồng nhưng người thợ có thể biến tấu với nhiều màu sắc khác nhau. Nếu chỉ làm màu trắng thuần thì giữ nguyên màu của bột, còn các màu sắc khác phải pha thêm. Khâu pha màu cũng là bí quyết riêng của mỗi nhà làm bánh. Chú Cảnh chia sẻ “Mỗi nhà có công thức khác nhau. Nhưng chú chỉ lấy màu tự nhiên như củ dền, gấc, cà rốt để lấy màu hồng, lá dứa để lấy màu xanh… vừa an toàn vừa tốt cho người dùng. Phải pha sao cho mùi của củ không át mùi của nếp mà màu vẫn lên đẹp”.

Thưởng thức bánh hồng
Bánh hồng thường để nguyên miếng dày 2-3cm, khi nào ăn mới cắt nhỏ ra. Tuy nhiên như vậy đôi khi hơi bất tiện cho người dùng. Nắm bắt được tâm lý đó, một số cơ sở đã cắt bánh sẵn và lồng vào các túi nilon nhỏ cho thuận tiện. Chị Quyên (An Nhơn, Bình Định) còn đầu tư ly giấy cupcake be bé đựng bánh, khi bày lên bàn tiệc hoặc mâm quả cưới trông tinh tế hơn hẳn. Chỉ một thay đổi nhỏ về hình thức đã giúp “lên đời” món bánh truyền thống. Vì thế, ngày càng nhiều khách đặt bánh hồng cho các buổi tiệc trà, sự kiện, hội thảo… chứ không chỉ trong dịp cưới hỏi.

Rót một tách trà mạn, thưởng thức miếng bánh hồng mềm mềm dẻo dẻo, nghe hương nếp thơm quyện cùng vị béo sần sật của dừa và cảm nhận nét ngọt dịu lan tỏa. Mộc mạc nhưng vẫn thu hút, bánh hồng đã trở thành một đặc sản nổi tiếng mang đậm hồn quê xứ Nẫu, là món quà giản dị cho nhiều du khách phương xa.

Mách nhỏ cho bạn
Bánh hồng nổi tiếng nhất là ở đất Tam Quan, nhưng bây giờ có nhiều lò bánh các nơi cũng thơm ngon không kém. Bạn có thể ghé các cửa hàng đặc sản, hoặc liên hệ các nhân vật trong bài (có số điện thoại trên hình) để đặt bánh nha.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] này muốn lưu giữ hương dừa trong mọi đặc sản ẩm thực. Từ bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh ít đến bánh trụng…, dù ít nhiều thì đều có nguyên liệu là nước […]