Tui nghĩ rằng ai mà thuộc câu hát “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi, Lấy chồng sớm làm gì, Để lời ru thêm buồn” chắc cũng tầm 40 tuổi trở lên. Tui nghe bài này từ hồi nhỏ, ấy vậy mà mãi đến hơn 40 mới lần đầu được thấy cây mù u. Trời ơi nó xinh, gu tui gu tui.
Mù u còn có tên khác là Đồng hồ; Hồ đồng, cây cồng, Khung tung; Khchyong (tiếng Campuchia). Tên khoa học là Calophyllum inophyllum L., họ Cồng (Calophyllaceae) hoặc họ Măng cụt (Clusiaceae hoặc Guttiferae).
Cây được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam thì mù u sinh trưởng khá nhiều ở miền Trung và miền Nam, thường ở vùng đồi núi thấp hoặc dọc bờ kênh. Nó cũng dễ tính, sống được ở nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất sét, đất bạc màu, ven biển… Loài cây thân gỗ này tuy lớn chậm nhưng được cái rất cao, có thể lên tới 20-25m và xòe tán rộng. Một điểm cộng nữa là nó phân cành thấp nên không cần phải mỏi cổ ngước lên mà có thể dễ dàng ngắm hoa và trái vừa tầm mắt mọi người.
Nhìn chiếc xe máy bên dưới là thấy cây mù u cao cỡ nào rồi hén.
Lá mù u mọc đối, khá cứng. Những phiến lá xanh bóng bẩy thon dài, cỡ gần 1 gang tay, hơi tù ở đầu lá và thắt lại về phần cuống. Đám gân phụ tuy nhỏ nhưng nhiều, mọc đối xứng và hiện rõ gân ở cả 2 mặt lá.
Gân lá mù u xếp thành sớ sọc nhuyễn đối xứng nhau.
Hoa mù u nở quanh năm nhưng thường rộ nhất là vào cuối mùa xuân và cuối mùa thu. Dễ nhất là khi nghe trong gió có hương ngọt ngào như kẹo, ấy là hoa mù u đã nở. Hoa mọc thành chùm xim ở đầu cành hay kẽ lá. Mỗi bông to cỡ hơn một đốt tay, có 4 cánh trắng muốt với đám nhị vàng ươm, mảnh dẻ ở giữa.
Đến mùa đậu quả khoảng tháng 10-12, một đám quả tròn tròn màu xanh, to cỡ quả nhãn chen chúc ở đầu cành, rồi chuyển vàng nhạt hoặc đỏ nâu khi chín. Mỗi quả chứa một hạt, trong hạt có lá mầm chứa rất nhiều dầu màu xanh lục. Tinh túy của cây mù u nằm ở phần dầu này.
Quả mù u khi còn non sẽ xanh như này.
Công dụng
Phần dùng được của cây mù u là dầu và nhựa. Nhựa cây có thể lấy quanh năm, đem phơi khô rồi tán thành bột. Dầu thì lấy từ hạt; hạt thu hái vào mùa đông, đập vỏ lấy nhân bên trong rồi dùng tươi hoặc ép lấy dầu. Hạt mù u có cả dầu và nhựa, dầu mù u lúc mới ép có màu xanh lục và khá sánh; nhưng khi loại bỏ phần nhựa trong dầu thì dầu loãng hơn và chuyển màu nâu vàng. Nhựa từ hạt mù u thì có màu nâu sẫm, nhựa từ thân cây có màu xanh nhạt.
Mù u được sử dụng trong cả Đông lẫn Tây y. Dầu mù u trị ngứa, kháng khuẩn, làm lành vết thương nhẹ nên thường dùng để chữa ghẻ lở, bỏng, các bệnh ngoài da. Mù u còn dùng để trị đau răng và các vấn đề liên quan đến răng miệng.
Gỗ mù u bền, ít bị mối mọt nên còn dùng lấy gỗ; cây to thì làm cột nhà, đóng thuyền, làm cột buồm, cây nhỏ xẻ lấy ván đóng bàn ghế, tủ. Lá mù u đốt lên có thể đuổi muỗi. Trái mù u phơi khô, đốt lên để thắp sáng hoặc ép lấy dầu thắp bởi hàm lượng tinh dầu bên trong rất bắt lửa. Ngoài ra trong dân gian còn dùng dầu mù u để nấu xà phòng.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |