Nói tới rừng đước, người ta dễ tưởng tượng đến con kênh nhỏ chạy len lỏi dưới tán cây cao vút, mát rượi, chim chóc ríu rít tụ tập. Từ trên thân đước mọc ra những cái rễ to, cao vống lên rồi đâm thẳng xuống bùn, đan chéo với nhau thành một thế đứng vững chắc. Đước mọc rất khỏe ở các vùng ngập mặn, tạo nên hình thái thực vật phổ biến ở đây. Vì vậy, có lẽ không khu vực ven biển nào trên dải đất Việt Nam mà không có rừng ngập mặn và rừng đước. Nó hình thành một vỏ bọc ngăn cho vùng đất liền bên trong khỏi sự xâm thực của biển; chống xâm lấn, xói lở đồng bằng ven biển; chắn gió, chắn sóng, cân bằng hệ sinh thái… Đước còn tạo nên hệ sinh thái thu hút các loài động thực vật khác, là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá… Rừng đước không chỉ là rừng phòng hộ mà còn là lá phổi xanh quý giá, vì vậy mới nói đước là chàng vệ sĩ của khu vực ven biển. Bên cạnh đó, rừng đước còn có giá trị về mặt cảnh quan, du lịch và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Khi chín, quả rụng xuống, nhờ phần nhọn này mà quả đước cắm thẳng vào lớp bùn bên dưới và đứng vững, trụ dưới lá mầm thẳng ra và từ đó đâm rễ phát triển. Cả thân, rễ, quả đước đều là một sự thích nghi với môi trường sống một cách linh hoạt, mạnh mẽ. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi giao nhau giữa những con nước mặn ngọt nhưng đước vẫn hiên ngang đứng và nương tựa nhau, chờ cơ hội lan tỏa thành rừng. Có lẽ, cách sinh tồn của đước là một ẩn ý quý báu mà tự nhiên đã gửi gắm đến con người.
Thật may mắn, Quy Nhơn cũng có rừng ngập mặn và đước nhưng không to cao và phân bố rộng như rừng ngập mặn Cần Giờ (tp. HCM), Năm Căn (Cà Mau), Rú Chà, Tam Giang (Huế). Đước tập trung chủ yếu ở đầm Thị Nại, ngay sát phố thị. Dù các đặc điểm tự nhiên như độ mặn, nhiệt độ, thể nền (bùn sét, cát bùn) không phù hợp gây khó khăn cho quá trình sinh trưởng của cây đước, song với sức sống mạnh mẽ của mình, đước vẫn bền bỉ và lặng lẽ phủ xanh một góc thành phố. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Hai năm nay, không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ thị trường bất động sản, những mảng rừng đước dần biến mất, thay vào đó là các dự án đô thị. Khu dân cư từ đường Hoàng Cầm qua An Phú Thịnh đến Đại Phú Gia đã hoàn toàn biến mất dấu vết của rừng ngập mặn trước kia. Bây giờ, dọc theo con đường lên cầu Thị Nại, những đoàn xe lừng lững chở cát, vật liệu xây dựng cùng với xe lu đậu khắp rừng đước cũ để san lấp mặt bằng. Từ đây, những chung cư, biệt thự, tòa cao ốc, trung tâm thương mại sẽ mọc lên. Màu xanh mênh mang trước kia được thay bằng vài chỏm cây xanh đô thị, mấy chậu cảnh trước nhà hoặc cái khuôn viên bé tí hin chủ yếu là trồng cỏ.
Có những người dân ở đây xót xa: “Trước đây thì khuyến khích trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường, đánh bắt thủy sản. Giữ rừng ngập mặn cũng là giữ nơi mưu sinh nên tụi tui cũng ráng vừa chăm, vừa trồng thêm. Nhưng nay cho mấy ông doanh nghiệp xây nhà hết, tui biết sao bây giờ”.
Tất nhiên, quá trình đô thị hóa là xu thế không thể tránh khỏi. Môi trường và kinh tế cũng luôn là bài toán không dễ dàng với các nhà hoạch định chính sách, nhưng dường như môi trường luôn bị lép vế những thuyết phục mùi mẫn của nhà đầu tư. Nếu thiên nhiên có nổi giận, có tung sóng gió, có cát bay cát nhảy…, chàng vệ sĩ rừng đước bây giờ cũng đành thúc thủ, không thể bảo vệ khu vực bên trong vì đã bị trói cả tay chân. Liệu rằng, khi phác thảo hay phê duyệt các dự án đánh đổi môi trường lấy kinh tế, những người cầm bút có kịp đọc đến nguyên lý 2 trong kinh tế học về Chi phí cơ hội ?
Hình ảnh có tính chất khoe vẻ đẹp của đước ạ.
Là tui trong 1 chuyến tham quan rừng ngập mặn
-LVA-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |