Trở về sau chuyến du lịch Nam Du và Hòn Sơn (Kiên Giang), cô bạn tôi hào hứng khoe loạt ảnh chụp các bãi biển trắng mịn, đẹp tuyệt; rồi chép miệng “Giá như…”
Cái “giá như” của cô chính là những mảng đen sì như hắc ín, trôi lập lờ trên biển, tấp vào cả bãi cát. Nó dính vào chân và không cách nào tẩy ra được, ngoại trừ dùng xăng. Theo lời người dân bản xứ, nó là rác thải nhựa sau khi bị đốt cháy, vón thành từng cục và không tan được. Nói khác đi, đó chính là rác thải của rác thải.
Nam Du, Hòn Sơn, hay nhiều đảo du lịch khác nơi đây đều chưa có lò xử lý rác thải theo đúng tiêu chuẩn. Rác được tập trung ở một điểm xa khu dân cư, nằm trên con đường vòng quanh đảo – vốn nằm sát biển. Không phân loại. Không che chắn. Phần lớn được đốt tại chỗ. Xỉ than của hàng đống rác với rất nhiều túi nilon lẫn bên trong keo lại thành những mảng đen nhánh, từ từ trôi xuống triền núi và lặng lẽ đổ ra biển. Nó chực chờ những cơn mưa xuống để dòng rác này chảy nhanh hơn. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học còn chứng minh rằng dioxin và furan – phát thải sản sinh từ quá trình đốt nhựa, thức ăn thừa – vốn cực kỳ độc hại, có thể gây ung thư và thậm chí tử vong chỉ với một lượng nhỏ tiếp xúc.
Nguyên nhân từ đâu
Anh Sơn, chủ 1 nhà nghỉ ở đây cho biết “Hòn Sơn chỉ mới thật sự thu hút khách du lịch trong chục năm đổ lại; chứ trước kia khách ít, không có nhiều rác nên chưa cần thiết đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Năm ngoái đến giờ, dịch bệnh ít khách nên rác giảm nhiều đó”. Đến đây, tôi lại nhớ đảo ngọc Phú Quốc – một thiên đường du lịch. Mỗi ngày núi rác ở Phú Quốc lại chất thêm 150 tấn. Đến tận quý III năm 2017, nhà máy xử lý rác đầu tiên do Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Toàn Cầu đầu tư, với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày mới vận hành. Song, nó chỉ hoạt động được 2 tháng, sau đó trục trặc, chậm đưa vào hoạt động dù cơ quan chức năng đã nhiều lần gia hạn thời gian sửa chữa. Đến tháng 8/2018, địa phương đã buộc phải thu hồi dự án này và hiện nay, Công ty TNHH Minh Thuận Thành đang tiếp quản dự án.
Côn Đảo cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi bãi rác duy nhất trên đảo – bãi rác Bãi Nhát tồn đọng khoảng 70.000 tấn. Cách đây 7 năm, lò đốt rác công nghệ ở đây được đưa vào sử dụng và chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác/ngày trong khi lượng rác về bãi khoảng 15 – 20 tấn/ngày.
Có thể nói, sự chậm chạp trong việc xử lý rác của địa phương đã khiến các bãi rác mất kiểm soát. Công tác xử lý chủ yếu chỉ là chôn lấp và đốt. Nghĩa là, nó chỉ thay đổi từ ô nhiễm rác thải thành ô nhiễm nguồn nước (do nước rác thấm vào lòng đất) và ô nhiễm không khí (do khói từ đốt rác). Thậm chí, bãi rác Phú Quốc còn được mô tả là đang vận hành theo nguyên tắc “4 không”: Không hợp vệ sinh, không kiểm soát mùi hôi, nước rỉ, không có chống thấm đáy và không có tường bao xung quanh”. Và tất nhiên, chính các bãi rác mỗi ngày đang tạo thêm lượng rác thải và nước thải của chính nó.
Hậu quả nhãn tiền
Rác thải ở các đảo du lịch không phải là chuyện nhỏ. Cứ nhìn sang Thái Lan và Philippines thì thấy. Từ giữa năm 2018, Công viên quốc gia Thái Lan đã yêu cầu đóng cửa vịnh Maya, thuộc quần đảo Koh Phi Phi từ ngày 1/6 đến ngày 30/9. Lệnh cấm này đã nối dài đến giữa năm 2021 để đảm bảo hệ sinh thái có thể hồi sinh. Trước đó không lâu, đảo Boracay ở Philippines cũng tiến hành đóng cửa trong 6 tháng, kể từ ngày 26/4/2018. Đây đều là những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách du lịch và đều bị đóng cửa nhằm mục đích cải tạo lại môi trường sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm.
Quay lại Hòn Sơn, việc đốt rác như hiện nay chỉ là cách đơn giản để giảm tải rác thải, chứ phần thải ra sau khi đốt vẫn quay trở lại biển. Ô nhiễm môi trường và câu chuyện mà cô bạn tôi gặp phải là điều không thể tránh khỏi.
Cần một sự ưu tiên cho xử lý rác thải
Câu chuyện rác thải đã được rất nhiều người đề cập và đặt nặng giải pháp về ý thức. Nhưng một việc quan trọng nữa là cần phải tìm cách xử lý rác cho đảm bảo, bởi cho dù không vứt bừa bãi, rác vẫn được thải ra hàng ngày. Phải nói rằng, đặc thù của các đảo là xa đất liền, nên việc xử lý rác hoàn toàn diễn ra trên nội bộ đảo. Hơn nữa, việc đầu tư dự án nhà máy đốt chất thải phát điện, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường khá tốn kém. Vì thế, để đảm bảo bài toán công suất, chi phí, lợi ích, chủ đầu tư thường đòi hỏi khối lượng chất thải đầu vào ổn định (400 tấn/ngày) trong khi khối lượng rác thải của các đảo nhỏ còn khá thấp nên việc lựa chọn nhà đầu tư còn rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các đảo đều nhấn mạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư, xây dựng khu nghỉ dưỡng, phát triển du lịch, chỉnh trang hạ tầng… mà quên mất việc xử lý rác thải. Nó dường như chỉ là phần thừa thãi của quá trình sản xuất; và chỉ được nhớ tới khi kinh tế đã phát triển, khi người dân đã không chịu nổi sự quá tải về rác.
Lẽ ra, việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải, hoặc ít nhất là lò đốt rác theo đúng tiêu chuẩn nên được đưa vào quy hoạch danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ngay từ đầu. Nếu không, câu chuyện của Maya, Boracay sẽ tái hiện. Thậm chí, du khách sẽ tự động tẩy chay các điểm đến vì ô nhiễm trước khi lệnh đóng cửa được ban bố. Còn trước mắt, trong thời gian lượng khách du lịch tạm thời giảm xuống do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, các địa phương nên tranh thủ xử lý lượng rác tồn đọng này.
Một khi vấn đề rác thải vẫn còn ở đâu đó trong tiến trình làm du lịch ở các đảo thì cái án đóng cửa du lịch đảo vẫn còn lơ lửng trên đầu.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |