Hôm trước khi giới thiệu cầu ngói chợ Lương, tui có nhắc đến nhà thờ đổ ở Hải Hậu. Dù đây là một phế tích nhưng lại là điểm cực kỳ thu hút khách tham quan. Gét gô, mời bạn cùng tui ghé thăm kiến trúc đặc biệt này nhen. Tui cũng hy vọng bài này sẽ khởi động lại loạt bài giới thiệu một số nhà thờ đẹp mà tui đã từng kỳ vọng từ hồi năm lâu lắc nào đó.
Đọc thêm: Ai về cầu ngói chợ Lương (Nam Định)
Đó cũng là chuyến đi mà tui và con bạn thật trái ngược. Nó sang trọng, nữ tính, quý phái; còn tui thì quẹt đâu cũng thấy bụi.
Đường đến nhà thờ đổ Hải Lý
Nhà thờ đổ Hải Lý nằm ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ lâu đây là một điểm đến rất hút khách nên được định vị khá kỹ trên bản đồ. Nhà thờ đổ cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 43km. Từ cột cờ thành Nam, bạn đi theo đường Đặng Xuân Bảng ra quốc lộ 21A, sau đó đi theo Google map.
Từ cầu ngói chợ Lương: Nhà thờ cách khoảng 17km. Từ cầu ngói, đi dọc theo con sông ra quốc lộ 37B. Sau đó đi theo Google map là được. Đường xe ô tô chạy thoải mái, bao quanh là những cánh đồng. Gần đến nhà thờ, bạn có thể đi trên con đê, một bên là đồng lúa, một bên là bãi biển thấp thoáng không xa.
Đi theo đường màu xanh biển, từ hướng nào cũng được nhé bạn. Ảnh chụp Google maps.
Chuyện xưa về nhà thờ
Nhà thờ đổ Hải Lý được xây dựng từ năm 1877 trên địa phận làng chài Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây vốn là nhà thờ thánh Maria Madalena thuộc giáo họ Trái tim Chúa, giáo xứ Xương Điền, giáo phận Bùi Chu. Vì vậy người ta thường gọi là “Nhà thờ giáo họ Trái tim chúa”. Thuở ấy, nhà thờ chỉ xây với diện tích 252 m2, dài 14m, rộng 7m, mái lợp bằng cỏ bổi.
Đến năm 1917, nhà thờ được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp và hoàn thành sau 10 năm. Lần này, nhà thờ mở rộng trên khuôn viên 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. Phía sau còn có nhà quán dài 29m, rộng 6.4m, cao 4.5m.
Khi biển nổi giận
Vùng đất Xương Điền xưa là kết quả của quá trình quai đê lấn biển của dân làng từ đầu thế 18, còn gọi là “Cồn cát bể”. Đến năm 1996, khu này bắt đầu bị biển xâm thực mạnh mẽ. Năm 2005, cơn bão số 7 đã càn quét toàn bộ tuyến đê bao ven biển, cuốn theo nhiều công trình, trong đó có nhà thờ họ Trái tim Chúa. Ven biển chỉ còn lại những dấu tích không nguyên vẹn của một nhà thờ lộng lẫy xưa kia. Từ đây, nó gắn liền với tên gọi nhà thờ đổ Hải Lý. Giáo dân buộc phải rời bỏ “Trái tim” của mình, chuyển sâu vào đất liền. Cách đó khoảng hơn 4km còn có nhà thờ đổ Hải Đông, cũng bị hư hại do cùng nguyên nhân, nhưng hoang tàn hơn nhiều so với nhà thờ đổ Hải Lý.
Sau cơn bão năm 2005 ngập trong biển nước, nhà thờ vẫn còn tháp chuông và khu nhà liền kề (ảnh 1). Sau đó vài năm, các bức tường sụp đổ dần (ảnh 2 và 3). Đến nay chỉ có tháp chuông là tương đối thấy được hình dáng (ảnh 4). Ảnh 1, 2, 3: nhatho.org.
Để đảm bảo an toàn, địa phương đã xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ bằng lưới B40 và kè chắn sóng bao quanh khu vực này. Khi thủy triều xuống, nước còn lùi ra xa, chứ thủy triều lên thì mép nước sát chân đê luôn. Lúc hiền hòa, sóng còn dập dờn đến quá nửa chân đê, đến mùa mưa bão thì khỏi nói.
Nhà thờ nằm cạnh mép nước. Ảnh: Dantri.com.vn
Vẻ đẹp của nhà thờ đổ Hải Lý
Đi qua một khoảng sân rộng, nơi người dân thường phơi tôm, cá, bạn sẽ đến với Nhà thờ đổ. Công trình rộng lớn dài 47m, rộng 15m xưa kia giờ chỉ còn vỏn vẹn khu vực tháp chuông. Sóng và gió đã liếm đi những mảng tường lớn, nhưng kỳ lạ thay, ngọn tháp – nơi đối đầu trực tiếp với biển – vẫn lặng lẽ đứng đó. Trước đây người ta vẫn có thể vào tận bên trong tháp để chiêm ngưỡng. Trước nguy cơ công trình gần 90 năm tuổi này (kể từ lúc xây lại) có thể sụp đổ bất cứ khi nào nên vài năm gần đây, một hàng rào lưới B40 đã được dựng lên bao quanh, ngăn không cho khách tham quan đến gần để đảm bảo an toàn.
Nhà thờ họ Trái tim Chúa chỉ còn lại lầu chuông, nền và một phần tường vỡ.
Ở nơi đó, người ta vẫn có thể thấy ẩn hiện vẻ đẹp của một kiến trúc xưa. Tháp chuông gồm 3 tầng, cao đến 27m. Tầng 1 và tầng 2 xây trên nền hình vuông, chung vách tường từ dưới lên. Lên tầng 3 chỉ còn để lại 4 trụ chính ở 4 góc, bên trong là một lầu bát giác với không gian thông thoáng. Đây cũng là điểm khác biệt so với nhiều lầu chuông khác có thiết kế liền mạch từ dưới lên. Trên tường của lầu chạy đường diềm trang trí đơn giản.
Tầng cao nhất của tháp chuông. Nơi đây đã từng có tiếng chuông trong veo ngân cùng tiếng sóng, theo gió đưa về làng mạc phía sau.
Như nhiều nhà thờ khác, dấu ấn Gothic ghi nét ở các cửa vào vòm nhọn và cửa sổ trang trí. Các công trình bên trong đã bị phá hủy hoặc dỡ đi từ lâu. Đó là những nét kiến trúc hiếm hoi còn sót lại ở nhà thờ đổ Hải Lý.
Những ô thông gió như bông hoa 3 cánh và các cửa sổ hoa hồng được đặt rải rác trên vách tường, vừa lấy sáng, vừa thoáng vừa trang trí. Phía xa sau lưng bạn tui cũng có một cửa sổ hoa nè.
Lớp vôi vữa bên ngoài ngày càng bong tróc theo thời gian, lớp gạch đỏ lộ rõ, các bức tường vôi còn lại cũng loang lổ mốc đen. Do vậy, phải nói rằng, nhà thờ đổ Hải Lý là một minh chứng không thể sống động hơn cho tác động của xâm thực và biến đổi khí hậu.
Vết gạch ở chân bức tường cũ của nhà thờ vẫn còn chạy dài ra ngoài hàng rào, đến tận nhà hàng bên cạnh.
Dù vậy, nhà thờ đổ Hải Lý vẫn mang nét quyến rũ, thu hút nhiều du khách.
Nhà thờ đổ nhìn từ nhiều góc độ.
Khi thủy triều xuống, toàn bộ khu vực xung quanh trở thành một bãi cát rộng trải dài. Dọc hàng rào lưới trên bờ kè có cái lỗ nhỏ nhỏ nhưng người to to hoàn toàn chui qua lọt. Tui cũng chui để ra bờ kè này, lăn lộn kiếm mấy tấm hình đẹp.
Đọc thêm: Nhà thờ đổ Tam Tòa (Quảng Bình)
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển […]
[…] Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển […]
[…] Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển […]
[…] Đọc thêm: Nhà thờ đổ Hải Lý – “Trái tim Chúa” bên bờ biển […]