Ai về cầu ngói chợ Lương (Nam Định)

Cầu ngói chợ Lương nằm tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cùng với cầu ngói Kim Sơn (Ninh Bình), cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu ngói chợ Lương là 3 cây cầu mái ngói mang kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” đẹp nhất Việt Nam và đã được lên bộ tem bưu chính Việt Nam năm 2012.

Năm 1990, cầu được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa

Đọc thêm: Cầu ngói Thanh Toàn – nét duyên bên làng Hương Thủy

Đường đến cầu ngói chợ Lương

Cầu ngói chợ Lương cách trung tâm thành phố Nam Định (lấy mốc là cột cờ thành Nam) khoảng 35km, đi theo đường Đặng Xuân Bảng ra quốc lộ 21A. Cầu cũng cách nhà thờ đổ Hải Hậu khoảng 17km nên bạn có thể làm luôn một tour tham quan các điểm này.

Một góc nhà thờ đổ Hải Hậu, Nam Định.

Ngoài ra, vốn là xứ đạo nên chỉ cần đi loanh quanh trong bán kính 3km, bạn sẽ bắt gặp nhiều nhà thờ có kiến trúc đẹp như nhà thờ Trại Đáy, Cồn Vẽ, Hai Giáp, Phạm Rỵ…

  • Góc nhỏ: Hải Anh xưa là 1 trong 3 nơi được truyền đạo Công giáo đầu tiên ở nước ta. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 33, tờ 5-6 có ghi chép rằng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời vua Lê Trang Tông, một giáo sĩ Bồ Đào Nha tên là Inêxu đã lén lút đến truyền đạo Giatô ở làng Quần Anh, làng Ninh Cường thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực), và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy.

Cầu ngói chợ Lương đã được trùng tu hai lần vào năm 1922 và 2012.

Lược sử

Lập đất: Đất Quần Anh xưa (xã Hải Anh ngày nay) được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 15. Khi ấy, cụ Trần Vu (con cụ Trần Quốc Hiến – cháu đời thứ 11 của Đức ông Trần Hưng Đạo), cụ Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đến khai hoang trị thủy, đắp đê ngăn mặn trên vùng biển hoang hóa. Công cuộc đã quy tụ thêm các ông tổ 9 dòng họ Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ, Trần, Vũ đến lập nghiệp. Bốn cụ ban đầu và 9 họ tiếp theo đã được tôn vinh là “Tứ tổ khai sáng, cửu tộc khai cơ”. Năm 1511, theo chiếu vua ban, tên gọi xã Quần Anh (nơi quy tụ các anh tài) được hình thành.

Xây chùa: Cũng trong giai đoạn đó, chùa Phúc Lâm được xây dựng, ban đầu mái chỉ lợp cỏ, sau mới lợp ngói. Nằm gần chợ Lương nên chùa thường được người dân quen gọi là chùa Lương.

Dựng cầu: Xã được chia thành “nội thập giáp, ngoại tứ thôn”. Lấy dòng Trung Giang chảy giữa làng làm trục, đất hai bờ sông chia thành 10 giáp. Bao quanh 10 giáp là 4 thôn: Đông Cường, Tây Cường, Trung Cường Và Bắc Cường. Với phân bố như vậy, giáp nào cũng có cầu bắc qua sông. Từ giáp Nhất đến giáp Cửu, cầu làm bằng đá, kiến trúc đơn giản. Đến giáp Thập nằm ở khu trung tâm, gần chùa, gần chợ nên cầu có sự khác biệt hơn hẳn, theo kiểu thượng gia hạ kiều. Cầu cách chùa Lương khoảng 150m, trên đường dẫn vào chùa và cùng với chùa Lương, đình Phong Lạc tạo thành cụm di tích cổ xưa của đất này.

Nô nức tham gia lễ hội chùa Lương vào 14-16/3 âm lịch hàng năm. Ảnh: TVTuan.

Theo các địa danh lân cận, cầu được gọi bằng nhiều cái tên: cầu ngói chợ Lương, chùa Lương, Hải Anh, Quần Anh. Cùng với chùa Lương, cầu ngói được xây dựng vào thời của vua Lê Tương Dực, nghĩa là tính đến nay đã hơn 500 năm tuổi.

  • Góc nhỏ: Vua Lê Tương Dực trị vì trong giai đoạn 1509-1516, niên hiệu Hồng Thuận. Tên hiệu là Lê Oanh (1493-1516), là vị vua thứ 8 triều Lê sơ, cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con thứ 2 của Kiến vương Lê Tân.

Vẻ đẹp cầu ngói chợ Lương

  • Hạ kiều

Cầu được dựng trên 18 cột đá vuông nhỏ, mỗi cạnh 35 cm, chia thành 6 hàng, mỗi hàng 3 cột. Các trụ cao khoảng 4m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông Hoành. Bên trên các trụ đá là hệ thống xà ngang, xà dọc chắc chắn để nâng đỡ toàn bộ khu nhà gồm 9 gian bên trên.

Hệ thống 18 cột đá làm trụ cầu.

  • Thượng gia

Như nhiều kiến trúc cầu ngói khác ở nước ta, phần gian nhà của cầu chợ Lương chủ yếu bằng gỗ và là gỗ lim để có sức bền theo thời gian. Có 10 vì xà cột được thiết kế để làm thành 9 gian nhà dài khoảng 20m. Hệ thống 40 cột cái, cột quân; 36 xà; máng, hoành rui đều được làm chắc chắn, khớp với nhau bằng các mộng. Điểm đặc biệt là thân cầu phải uốn cong nên bộ khung sàn và cột phải được làm tỉ mỉ.

Hai đầu cầu được thiết kế giống nhau.

Lòng cầu rộng khoảng 2m, sàn được ghép bằng 66 thanh gỗ lim, uốn cong theo dầm sàn. Người xưa đã rất tinh tế khi thiết kế cứ cách một đoạn trên sàn cầu lại có gờ gỗ chạy ngang để tránh trơn trượt khi đi lên xuống cầu. Hai bên hành lang, giữa hai hàng cột cái và cột quân có dãy bục gỗ cho khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, phía trên là lan can với tổng cộng 162 con song.

Những con song khắc hình lá đề chạy dọc theo thành cầu, vừa trang trí vừa là lan can an toàn.

Phần mộc của cầu khá đơn giản, chỉ bào nhẵn, không hoa văn cầu kỳ nhưng mang đậm nét Việt và hài hòa với nhau.

Nghe nói xưa kia, mái nhà được lợp bằng lá bổi. Sau này mới thay bằng ngói nam hình vảy cá (vảy rồng). Khéo léo là ở chỗ lớp ngói được xếp vừa khít, không bị xô đẩy. Bờ nóc không trang trí gì mà chỉ sơn khác màu, cao lên ở giữa và võng xuống ở hai phía như sống lưng rồng. Mỗi bên lại gắn với một đầu rồng. Vì vậy nhìn từ xa, cầu ngói có hình dáng như thân rồng đang uốn mình bay lên, hợp với thế “Long ngọa” của đất Quần Anh.

Cổng vào cũng khá đơn giản nhưng thể hiện chất thuần Việt. Đó là kiểu cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột, phía trên được tạo hình cuốn thư đang mở ra, phía trên khắc 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, nghĩa là cầu xã Quần Phương. Đứng chầu hai bên cuốn thư là những con nghê rất đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Trên cổng còn khắc đôi câu đối ““Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách/ Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên”. Nghĩa là: “Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi/ Đi trên cầu trong đêm vắng như đã nhận được sách tiên”.

Lối vào cổng lên cầu. Trên sàn, phần xuống dốc có các gờ gỗ nhỏ nằm ngang để chống trượt.

Để bảo tồn cây cầu cổ, hiện nay địa phương đã xây thêm một cây cầu đá rộng 5m bên cạnh cho xe cộ qua lại.

Bao mùa mưa nắng đi qua, cầu ngói chợ Lương vẫn lặng lẽ soi bóng bên dòng sông quê. Cho dù cũ kỹ đến mấy, thì vẻ đẹp thơ mộng yên bình của một công trình hơn 5 thế kỷ vẫn lưu dấu, xứng danh sự ca tụng “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” của người xưa.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *