Vẻ độc đáo của các cây cầu từ lâu đã thành một điểm nhấn kiến trúc cho nhiều điểm đến. Trong số đó, có một kiểu kiến trúc rất đặc biệt là cầu ngói. Cầu ngói ở nước ta vốn chỉ là cây cầu bình thường bắc qua đoạn mương, sông nhỏ nên thường khá ngắn, chỉ khoảng trên dưới 20m. Nhưng điểm đặc biệt chính là ở chỗ cầu có mái che (covered bridge), nhìn như một ngôi nhà (thượng gia) nằm trên cầu (hạ kiều) nên còn gọi là “thượng gia hạ kiều”. Còn cụm từ “cầu ngói” có lẽ vì ngói được dùng để lợp mái cầu. Kiến trúc giao thông độc đáo này ở nước ta bây giờ chỉ còn lại trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở miền Bắc.
Góc nhỏ:
- Cầu ngói ở miền Bắc: Cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên (chùa Thầy, Hà Nội), cầu Khum (Thạch Thất, Hà Nội), Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), chợ Lương (Hải Hậu, Nam Định), chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định), Phát Diệm (Phát Diệm, Ninh Bình).
- Cầu ngói ở miền Trung: Thanh Toàn (Huế), Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam).
Không biết các cụ ngày xưa có ý định cho con đò nhỏ trôi lững lờ dưới chân cầu hay không mà các cây cầu ngói đều được thiết kế như một dải lụa mềm cong cong vắt qua kênh. Nó không vút cao lên như các cây cầu thường thấy trong những cổ trấn xứ Trung. Nó chỉ hơi cong như nét lông mày phớt nhẹ trên khuôn mặt mềm mại trong gió xuân của người thiếu nữ.
Các cây cầu ngói chủ yếu làm bằng gỗ nên chỉ dành cho khách bách bộ để đảm bảo an toàn. Mà có lẽ cũng không ai nỡ phá vỡ nét dịu dàng, yên tĩnh bằng tiếng động cơ nên cầu ngói không dành cho xe cộ lại qua. Dù là dạo bước giữa trưa hè, hay nép dưới mái hiên tránh cơn mưa bất chợt thì cầu ngói đều có chỗ cho khách lỡ độ đường. Nơi đây còn nhẹ nhàng ghi dấu những đêm trăng sáng dân làng tụ họp chuyện trò, những thủ thỉ hẹn hò đôi lứa. Cầu ngói đã giữ lại một miền thương trong lòng thôn xóm như thế.
Năm 2006 Chùa Cầu được in hình trong tờ tiền polyme 20k. Tháng 4/2012, cầu ngói Thanh Toàn và cầu ngói chợ Lương được lựa chọn để lên bộ tem của Bưu chính Việt Nam nhân dịp Festival Huế. Thật tình cờ là tui có dịp lượn qua cả 3 chỗ này. Nói là tình cờ vì sau khi đi về rất lâu tui mới biết thông tin về bộ tem này.
Nét đẹp ở chỗ cùng kiểu kiến trúc cầu ngói nhưng mỗi nơi lại mang một phong vị hoàn toàn khác. Lướt một vòng với tui để xem thử nè bạn.
Dấu mốc hình thành
- Chùa Cầu: ở Hội An, Quảng Nam. Xây vào thế kỷ 17, trùng tu vào năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1986, 1996 và 2022. Mang sự giao thoa văn hóa Nhật – Việt – Hoa. Người xưa vẫn có câu “Ai đi phố Hội chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”.
Đọc thêm: Chùa Cầu – Dấu ấn văn hóa phố cổ :
- Cầu ngói Thanh Toàn: ở Huế. Xây vào thế kỷ 18, trùng tu vào năm 1847, 1906, 1956, 1971 và 2020. Mang nét kiến trúc Việt. “Ai về cầu ngói Thanh Toàn / Cho em về với một đoàn cho vui”.
Đọc thêm: Cầu ngói Thanh Toàn – nét duyên bên làng Hương Thủy:
- Cầu ngói chợ Lương: ở Hải Hậu, Nam Định. Xây vào đầu thế kỷ 16, trùng tu vào năm 1922, 2012. Mang dấu ấn kiến trúc Việt.
Đọc thêm: Ai về cầu ngói chợ Lương (Nam Định)
Thượng gia
Các gian nhà đều sử dụng hệ cột kèo gỗ, số gian lẻ là 7 gian (cầu ngói Thanh Toàn), 7 gian + 2 gian đầu hồi (Chùa Cầu), 9 gian (cầu ngói chợ Lương). Mặt sàn cũng lát gỗ.
Đầu cầu đều xây tường nhưng có sự khác biệt. Chùa Cầu xây tường che một phần lòng cầu, phía ngoài trang trí họa tiết trái phật thủ và trái đào tiên ở mỗi đầu cầu, sơn màu hồng. Cầu Thanh Toàn làm tường có ô cửa, trang trí pháp lam, hoa lá, rồng cách điệu và được khảm sứ nhiều màu sắc. Cầu chợ Lương chỉ xây viền hình cuốn thư, sơn vàng. Dường như càng về sau, các cây cầu càng được chăm chút họa tiết trang trí cầu kỳ hơn.
Mái nhà: Về phần ngói, Chùa Cầu và cầu Thanh Toàn dùng ngói lưu ly, Chùa Cầu còn khảm dĩa men lam. Cầu chợ Lương dùng ngói vảy cá. Về phần bờ nóc, bờ nóc của Chùa Cầu có tượng lưỡng long tranh châu ở giữa. Cầu Thanh Toàn có song phượng chầu trời ở giữa, 8 con rồng uốn lượn chạy từ đỉnh mái xuống dưới và 1 con rồng ở mỗi đầu cầu. Cầu chợ Lương có rồng ở 2 đầu cầu.
Cột nhà: cả ba đều tối giản các họa tiết trang trí bên trong. Chùa Cầu dùng các cột có tiết diện vuông. Cầu Thanh Toàn và chợ Lương thì cột có tiết diện tròn.
Hạ kiều
Trụ cầu bằng gạch đá (Chùa Cầu, chợ Lương) và gỗ (cầu Thanh Toàn). Khoảng cách giữa các trụ đều nhau, chỉ có 2 hàng trụ chính giữa thường được làm rộng hơn để thuyền bè nhỏ có thể qua lại bên dưới cầu.
Chức năng
Cả 3 cầu đều dùng cho việc giao thông và là nơi dừng chân nghỉ ngơi, hai bên thành cầu có lan can cao. Cầu Thanh Toàn và chợ Lương còn có bục gỗ chạy dọc theo thành cầu để khách có thể ngồi nghỉ chân ngắm cảnh.
Riêng Chùa Cầu và cầu Thanh Toàn ngoài chức năng giao thông còn có khu vực thờ cúng ở gian chính giữa. Gian thờ của Chùa Cầu thì xây lồi ra, còn cầu ngói Thanh Toàn làm ngay trong lòng cầu.
Phía sau cánh cửa này là gian thờ của Chùa Cầu.
Linh vật trang trí
Mỗi cầu lại sử dụng một linh vật khác nhau. Bên trong Chùa Cầu thờ linh cẩu và linh hầu, trên mái trang trí rồng. Linh vật rồng, phượng được trang trí từ bờ nóc, mái cho đến đầu hồi tại cầu ngói Thanh Toàn. Nghê, rồng có mặt ở cầu ngói chợ Lương.
Còn điểm nào để phân biệt các cây cầu độc đáo này nữa, bạn chỉ giùm tui với nhen.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |