Bún sung thành Nam

Trong bản đồ ẩm thực Việt Nam, bún riêu cua là một món rất quen thuộc, gắn liền với hương vị đồng quê. Chỉ cần nhắc tới là người ta có thể tưởng tượng ra vị chua chua thanh thanh, thơm thơm mùi gạch của riêu. Nhưng nếu lúc nào đó bạn muốn đổi vị với một phiên bản bún riêu rất khác thì hãy về Nam Định cùng tui, thưởng thức bún sung – món ăn chỉ có ở thành Nam.

Bún sung Nam Định

Bún sung nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là món ăn quen thuộc. Tên gọi này xuất phát từ loại nguyên liệu ăn kèm là quả sung được muối chua. Sung muối xắt lát vốn không thể thiếu trong món ốc luộc ở miền Bắc, hoặc giữa ngày nắng nóng, thêm ít thịt luộc thì còn gì đưa cơm bằng. Và khi thử dùng chung với bún, người ta mới khám phá ra một hương vị rất lạ miệng. Chọn những quả sung nếp, tức là sung còn xanh, đang độ ngon giòn nhất, không quá non và cũng không quá già. Muối xong, sung bắt đầu chua thì có thể lấy ra dùng. Sung muối hơi ngả vàng, không bị thâm, có vị chua nhè nhẹ, cay cay, hơi hơi chát. Có người chỉ dùng mỗi sung, có người trộn thêm ít khế chua cho thêm phần đa dạng.

Chọn quả sung nếp đương độ ngon giòn nhất

Đây thực ra là sự kết hợp giữa bún riêu và sung muối, lâu dần biến tấu thành một món ăn đặc trưng của thành Nam. Từ bún riêu cua nguyên bản, có người cho tóp mỡ chiên giòn để bát bún thêm phần đầy đặn. Sau đó lại có thêm ít sung muối ăn kèm đổi vị. Ban đầu người ta còn gọi đây là bún riêu, bún tóp mỡ, dần dà chốt lại ở cái tên “bún sung” bởi sự khác biệt và độc đáo của nó.

Sung xắt lát mỏng, muối chua

Bắt nguồn từ bún riêu nên bún sung vẫn giữ lại hương vị thơm ngon, chua dịu cực kỳ dễ ăn của món bún nguyên bản. Toàn bộ đều dùng cua đồng cùng nước hầm xương thanh ngọt. Sung muối đã được cắt lát mỏng, khách có thể bỏ trực tiếp vào bát bún. Hoặc nếu thích đậm vị hơn thì tự trộn sung với ớt, dấm, đường, muối tùy thích. Khi ăn, cô chủ sẽ múc một bát bún đầy ụ, nóng hổi, sóng sánh ánh vàng của riêu và sắc đỏ cà chua, thêm chút tóp mỡ đã được rim qua mắm vừa giòn vừa đậm đà kết hợp cùng miếng sung chua giòn, hơi chát nhẹ giúp cân bằng độ béo. Sau này đồ ăn kèm còn có thêm mọc, chả cá, cá chiên để chiều lòng thực khách.

Tóp mỡ giòn giòn

Ngoài hương vị dân dã và khác biệt, bún sung cũng rất rẻ, chỉ 10k/bát. Nếu gọi thêm mọc, cá chiên, chả cá… các loại thì mới tính thêm tiền. Bún sung bán trong chợ Diên Hồng, có thể đi vào từ số 7 Hàng Cấp hoặc từ 216 Quang Trung. Ở đây có 2 quán gần nhau. Quán cô Hiền bán trong nhà, trên bậc vỉa hè cao hơn, địa chỉ 50 chợ Diên Hồng.. Quán còn lại phía đối diện, nằm thấp hơn, ngay dưới những tấm bạt che giữa chợ, tuy không có biển hiệu nhưng rất đông khách. Bún sung bán từ 6h sáng đến khoảng 7h tối nên bạn có thể đến lúc nào cũng được. Bạn cũng đừng lo không đủ no vì tô bún khá đầy. Còn các tô bún trong mọi bài viết của tui hơi chơi vơi là do tui hay kêu bỏ ít bún đó – nhìn là biết tui tự ăn tự chụp chớ hỏng phải chôm hình trên mạng hén.

Lấp ló dưới góc trái là đôi giày của tui á

Phiên bản bún sung chỉ mới ra đời sau này nhưng đã lớn lên cùng nhiều người Nam Định. Nếu có dịp ghé nơi đây, bạn hãy thử thưởng thức món ăn bình dân mà độc đáo này nhé.

Ngoài ra, đến Nam Định bạn còn có thể thử món phở bò trứ danh, bánh xíu páo, bánh bèo, nem nắm Giao Thủy…

Bánh bèo Nam Định – cũng bán trong chợ Diên Hồng

Đọc thêm: Điểm danh bánh bèo các vùng miền trên bản đồ ẩm thực Việt

Bánh xíu páo – món ăn gốc Hoa ở Nam Định. Bánh của quán Hạnh Phúc, số 28 Nguyễn Trãi, Nam Định

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *