Chùa Cầu – dấu ấn văn hóa phố cổ

Hội An – nơi văn hóa Đông Tây giao hòa – có một công trình đã trở thành biểu tượng, đó là Chùa Cầu.

Nguồn gốc Chùa Cầu

Từ thế kỷ 16, các chúa Nguyễn đã xóa bỏ thế bế quan tỏa cảng; thay vào đó mở rộng giao thương, đưa Hội An phát triển thành một thương cảng lớn, thuyền bè, nhà buôn qua lại nườm nượp.

Thời đó cũng như nay, sông Thu Bồn thường xuyên xảy ra lũ lụt khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo truyền thuyết Nhật Bản, thiên tai ở những vùng biển bắt nguồn từ con thủy quái Mamazu, tên tiếng Việt là con Cù. Nó có đầu nằm ở Ấn Độ, mình vắt ngang Việt Nam và đuôi duỗi đến Nhật Bản. Mỗi lần con Cù cựa quậy là lũ lụt, động đất lại xảy ra. Vì vậy, khi các thương nhân Nhật Bản đến đây sinh sống, họ đã cho xây dựng một cây cầu bắc ngang con lạch nước nhỏ chảy ra sông Hoài. Cây cầu có hình dáng như một thanh kiếm đâm vào lưng con Cù, trấn yểm để ngăn không cho nó gây họa. Cầu Nhật Bản do người Nhật thiết kế, thuê mướn nhân công địa phương xây dựng đã ra đời như vậy vào thế kỷ 17.

Mặt cầu lát gỗ, một bên có hành lang hẹp cho khách bộ hành.

Ban đầu, cầu Nhật Bản chỉ mang chức năng giao thông. Đến năm 1653, khi người Nhật đã rời Hội An, các thương nhân Hoa kiều tiếp quản và xây thêm gian chùa trên cầu nên từ đó gọi là Chùa Cầu.

Năm 1719, khi đi thăm vùng đất này, chúa Minh Vương – Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), vị chúa thứ 6 trong 9 chúa Nguyễn, đã đặt tên là Lai Viễn Kiều – mang nghĩa luôn sẵn lòng đón chào bạn phương xa đến, như một hàm ý về chính sách bang giao ở thời kỳ này. Tên Lai Viễn Kiều được khắc nổi trên bức hoành gỗ treo trước gian chính điện của chùa.

Từ trên cầu nhìn ra sông Hoài

Góc nhỏ:

  • Lạch nước nằm dưới Chùa Cầu rộng khoảng 10m, tên là khe Ồ Ồ vì nước chảy rất mạnh.
  • Thu Bồn là con sông lớn, bắt nguồn từ núi Ngọc Linh (Kon Tum) chảy qua tỉnh Quảng Nam và đổ ra biển tại Cửa Đại, Hội An. Một nhánh khác của sông Thu Bồn chảy vào sông Vĩnh Điện và đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng.
  • Đoạn sông Thu Bồn chảy qua địa phận Hội An dài 8.5km, được gọi là sông Cái hoặc sông Hội An. Một nhánh nhỏ của sông Cái lại tách dòng, ôm sát vào phố cổ và được gọi là sông Hoài. Do vậy có thể nói sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn cũng được.

Vẻ đẹp Chùa Cầu

Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1986, 1996 các dấu ấn kiến trúc Nhật Bản đã phai nhạt đi nhiều, thay vào đó là đặc trưng kiến trúc Việt và Trung. Do vậy, có thể nói rằng Chùa Cầu là một biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Nhật – Việt – Hoa. Gần đây nhất, tháng 12/2022 tiếp tục khởi công trùng tu Chùa Cầu với tinh thần giữ lại nguyên vẹn những gì hiện có.

Cây cầu dài khoảng 18m, rộng 3m. Ở phần hạ kiều, Chùa Cầu là dạng cầu kết hợp cầu vòm – cầu dầm, mố và trụ cầu xây bằng gạch đá. Đây cũng là vật liệu duy nhất được giữ lại nguyên vẹn sau những lần trùng tu.

Nằm trong vùng rốn lũ của Hội An nên mố cầu phải xây bằng gạch đá để đảm bảo trụ vững.

Ở phần thượng gia hầu hết làm bằng gỗ, một phía thành cầu được bịt kín, phía còn lại mở thoáng hướng mặt ra dòng sông. Cầu gồm 3 phần chính là thân cầu ở giữa và hai đầu cầu hai bên. Hai 2 gian đầu cầu hợp với 7 gian giữa theo hình chữ công (I). Các cột kèo trong gian nhà đều là trụ gỗ vuông, vuốt tròn các cạnh và chỉ để thô chứ không trang trí.

Các trụ đều có tiết diện hình vuông. Họa tiết trang trí, nếu có, khá đơn giản.

Chùa và cầu được ngăn thành hai không gian riêng biệt bởi những bức vách gỗ và khung cửa “thượng song hạ bản”. Ngôi chùa nằm nhô ra ngay gian giữa cầu, bên sườn phía Bắc, mặt quay ra hướng Nam, tức là hướng sông Hoài. Nếu nhìn từ trên cao, phần chùa liên kết với phần cầu thành hình chữ Đinh (T). Trên cửa vào là bức hoành gỗ “Lai Viễn Kiều”, góc trái khắc Châu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Dưới bức hoành có hai mắt cửa tròn sơn màu đỏ chạm hình 4 hoa cúc bao quanh xoáy lưỡng nghi ở giữa. Mắt cửa (Môn thần) là một nét tín ngưỡng đậm chất Hội An – với mong muốn cuộc sống ấm no, tránh được hoạn nạn, tà ma xú khí.

Bước qua cánh cửa này là đến điện thờ – phần “chùa” trong Chùa Cầu. 

Tiếng là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Vũ (tức là Huyền Thiên Đại Đế trong Đạo giáo), vị thần hộ mệnh, bảo vệ xứ sở. Vùng đất Hội An nằm trong khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, thường xuyên xảy ra lũ lụt nên việc thờ Bắc Đế Trấn Vũ gắn liền với việc trị thủy, điều hòa phong thổ, giúp người dân buôn bán thuận lợi. Tượng Bắc Đế Trấn Vũ đang đứng được làm từ gỗ mít, cao khoảng 0.5m. Ngoài ra, ở hai đầu cầu, mỗi bên đặt một tượng linh hầu và thiên cẩu đối diện nhau. Cặp tượng chó đặt phía đường Trần Phú, cặp tượng khỉ đặt phía đường Nguyễn Thị Minh Khai. Các tượng được trang trọng thờ cúng như đôi linh vật canh giữ, bảo vệ chùa. Các tượng tạc theo tư thế ngồi, cao khoảng 1.1m làm từ gỗ mít.

Từ ngoài đi vào là tượng linh vật canh giữ chùa, tiếp đó là tấm văn bia

Đi qua các tượng khỉ và chó này là 4 bia đá lớn gắn vào vách tường ghi lại lịch sử Chùa Cầu và cũng đặt đối diện nhau. Bia sớm nhất được lập năm 1817, bia muộn nhất vào năm 1917.

Mái lợp ngói lưu ly âm dương, có khảm những chiếc đĩa gốm men lam. So với phần mái nhấn mạnh phần trang trí khảm sứ của cầu ngói Thanh Toàn, mái Chùa Cầu chân phương hơn và đã nhuộm màu thời gian.

Trên bờ nóc có tượng lưỡng long tranh châu cách điệu.

Đọc thêm: Cầu ngói Thanh Toàn – nét duyên bên làng Hương Thủy

Giữa phần mái của thân cầu và mái đầu hồi là máng xối thoát nước cho phần mái.

Đầu hồi xây tường gạch, sơn hồng, trang trí phù điêu quả lựu, phật thủ. Phía dưới đặt bục gỗ để ngăn không cho xe qua lại cầu.

Đầu hồi phía đường Nguyễn Thị Minh Khai trang trí phù điêu quả lựu.

Đầu hồi phía đường Trần Phú trang trí phù điêu quả phật thủ.

Năm Khải Định thứ 10 (1925), Chùa Cầu được triều đình phong kiến nhà Nguyễn liệt vào cổ tích An Nam. Trước những năm 1930, Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp cũng từng xếp hạng là một trong ba di tích nổi tiếng ở Hội An, gồm Chùa Cầu; chùa Bà Mụ và hội quán Triều Châu. Tháng 2/1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Hình ảnh Chùa Cầu trên tờ tiền polymer 20.000 đồng, phát hành lần đầu vào 17/5/2006.

Đi Chùa Cầu có phải mua vé không

Chùa Cầu là lối đi nối liền đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú nên không đóng cửa và cũng không bán vé vào tham quan. Đây cũng là cửa ngõ vào khu vực di sản của phố cổ nên thế nào bạn cũng sẽ đi qua đây.

Đường Trần Phú thấp thoáng qua lam cửa hoa văn bên hông chính điện.

Thời nhà Nguyễn, người ta còn có thể cưỡi ngựa qua cầu. Nhưng bây giờ, với mật độ khách đến tham quan dày đặc, cây cầu gần 400 trăm tuổi đã quá già nua để có thể chịu đựng. Do vậy hiện nay Chùa Cầu chỉ dành cho người đi bộ và địa phương còn giới hạn số lượng khách tham quan mỗi lượt để đảm bảo an toàn cho cả du khách lẫn công trình.

Tựa vào lan can cầu ngắm dòng sông nhẹ trôi.

Giữa sắc vàng óng ả cổ điển của phố cổ, đừng quên dừng chân ở cây cầu dịu dàng soi bóng trong nắng để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp biểu tượng Hội An.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *