Rực rỡ sắc màu Katê – Ngày 1: Lễ rước y trang

Ngày đầu tiên của Lễ hội là lễ rước y trang (tiếng Chăm là Raok khan aw). Theo truyền thuyết trong gia đình Champa “Chăm sa-ai Raglai adei”, nghĩa là người Chăm là chị cả, người Raglai là em út. Em út trong gia đình được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ nên  họ có nhiệm vụ cất giữ đồ gia bảo của tổ tiên. Vì thế, từ bao đời nay, đồng bào Raglai vẫn luôn bảo quản y trang của vua chúa và các vị thần của người Chăm cũng như các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng thần linh, tổ tiên. Dân tộc Raglai theo chế độ mẫu hệ nên các tài sản này được lưu truyền cho người con gái trong tộc họ giữ gìn. Do đó, đến ngày lễ, người em út Raglai sẽ xuống núi, đưa y trang của các vị thần trở về làng của người Chăm ở nơi có đền thờ vị thần đó.

Nam hay nữ đều mặc trang phục truyền thống trong buổi lễ.

Lễ rước y trang

Với làng Chăm Hữu Đức (Palei Hamu Tanran) ở Ninh Thuận, y trang của Po Ina Nagar được rước từ thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam về thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Việc cúng y trang được thực hiện tại cả hai nhà tộc họ hiện đang giữ y trang là tộc Chamalé và Pa Tâu A Xá tại thôn Giá. Tuy nhiên chỉ có một bộ y trang của tộc họ Pa Tâu A Xá được đưa đi, phòng khi bộ này có sự cố thì vẫn còn y trang khác để thay thế.

Kiệu rước y trang của thần

Để thuận tiện cho quá trình di chuyển, người Raglai sẽ đưa y trang xuống và người Chăm đón về. Hai bên gặp nhau tại một điểm trên đường đi. Với người Chăm thì lễ rước y trang được tiến hành vào buổi trưa. Mùa này ở Ninh Thuận trời vẫn nắng gắt, đúng như danh xưng “tiểu sa mạc của Việt Nam”. Thế nhưng mặc cho cái nắng chói chang lúc đứng bóng, mọi người đã tập trung đông đúc từ sớm. Người lớn trẻ con đều xúng xính trong bộ trang phục dân tộc, những chiếc áo akay màu trắng của nam nổi bật giữa muôn vàn màu sắc áo amay của nữ.

Nhà phủ ở thôn Hữu Đức (Ninh Thuận), nơi kiệu rước khởi hành và cũng là nơi cất tạm y trang chờ hôm sau đưa lên tháp làm lễ.

12h45, sau những tiếng trống báo hiệu, đoàn rước bắt đầu khởi hành từ nhà phủ. Đội chiêng, trống đi trước, tiếp đó là đội khiêng kiệu với cờ lọng phấp phới. Kiệu là một chiếc võng dài được phủ màn kín. Người dân nô nức nối theo phía sau. Nhiều người ở xa đã chờ sẵn trên đường đi, đoàn rước tới đâu thì nhập hội đến đó nên dòng người cứ ngày một dài thêm.

Đoàn rước xuất phát từ nhà phủ

Mọi người di chuyển liên tục mà không hề ngừng nghỉ, chỉ cần tui xao nhãng dừng lại ven đường chụp hình là đã thấy tụt lại phía sau một đoạn xa. Cô bé đi cùng bảo quãng đường chỉ khoảng 1km, nhưng cái nắng hoa mắt váng vất trên đầu khiến tui thấy thật lâu mới đến điểm tập kết. Đó chỉ là một khu vực trống được che bạt vừa đủ không gian làm lễ. Tại đây người Chăm và người Raglai gặp nhau, tiến hành các nghi thức đón y trang. Lớp lớp người chen chân bao quanh không gian đó, cố gắng để có thể nhìn thấy một trong các khoảnh khắc quan trọng của lễ hội Kate.

Thực hiện các nghi thức đón y trang

Làm lễ xong, y trang được đưa vào kiệu và xuất phát quay về điểm ban đầu. Người ta bảo rằng chạm tay vào kiệu đã có y trang là sẽ gặp may mắn nên quãng đường về mọi người cứ cố gắng đi sát kiệu. Toàn bộ quá trình rước y trang diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Cờ lọng rợp trời để che kiệu chứa y trang

Dòng người đông đúc ở sân vận động chờ đón y trang đi qua.

Ngày hội Kate

Nếu như phần lễ thu hút đông đảo người dân thì phần hội cũng rộn ràng không kém. Từ vài tuần trước, người dân đã tập những điệu múa chuẩn bị cho ngày hội Kate, không kể là người đi làm hay các bạn học sinh. Buổi trưa khi đoàn kiệu rước xuất phát thì ở sân vận động Hữu Đức, mọi người cũng sắp xếp đội hình sẵn sàng. Trên đường về, đoàn rước đi một vòng trong sân vận động trong điệu múa chào mừng của mọi người.  Từ địa điểm này về nhà phủ chỉ còn khoảng 200m, y trang sẽ được cất tạm ở đây để chờ ngày hôm sau lên tháp.

Múa đón mừng y trang.

Còn trong sân vận động, cuộc vui vẫn tiếp tục. Dưới sân là các điệu múa đặc trưng của những người con dân tộc Chăm và Raglai uyển chuyển trong nắng, giữa tiếng trống Paranưng giòn giã, tiếng kèn sarinai réo rắt và tiếng cồng chiêng mang hơi thở đại ngàn. Trên khán đài là những tiếng vỗ tay giòn giã cổ vũ.

Những cô gái Chăm xinh đẹp trong điệu múa quạt truyền thống.

Ở độ tuổi nào thì được tham gia vào lễ hội cũng là niềm hạnh phúc.

Lễ rước y trang kết thúc khoảng 3h, mọi người ai về nhà nấy. Tui cũng tưởng là đã hết, chờ đến ngày mai lên tháp. Ai dè cuộc vui chưa dừng lại. Buổi tối ở đây vẫn rộn ràng tiếng ca hát. Trên sân nhà phủ, người dân đến nhảy múa để cầu nguyện và tạ ơn thần linh đã phù hộ. Thường thì những ai đã đạt thành mong muốn sẽ đến đây múa trả lễ.

Trong sân nhà phủ.

Sau đó, tất cả lại kéo ra sân vận động chờ xem chương trình của đội văn nghệ trên phố về biểu diễn. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng đến đây, từ các cụ ông cụ bà đã bạc phơ mái tóc đến mấy đứa nhỏ mắt xoe tròn còn đang ẵm ngang hông. Những bóng đầu lố nhố hướng về phía khán đài, nơi đã chuẩn bị sẵn một sân khấu lộ thiên cho chương trình văn nghệ mừng lễ hội Kate. Nguyên một bãi cỏ rộng lớn – dùng làm nơi biểu diễn lúc ban chiều – giờ ken dày người. Vì vậy, ai nấy đều tranh thủ đi sớm để tìm được chỗ đẹp để xem chương trình một cách trọn vẹn. Tui cũng đã hóng đến tầm 30-45 phút mới diễn ra tiết mục đầu tiên.

Nhưng sự chờ đợi nào cũng đáng giá. Không nệm nhung êm ái – chỉ là bãi cỏ đẫm sương làm ghế ngồi; Không kỹ xảo sân khấu hoành tráng – chỉ đơn giản nhưng ngập tràn tiếng vỗ tay mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn; Không có ca sĩ nổi tiếng – chỉ có tiếng hát ngọt ngào truyền cảm thấm đẫm âm hưởng Chămpa. Dễ chừng đã 30 năm, tui mới sống lại ký ức của hồi nhỏ ngồi lê la nơi sân khấu ngoài trời để xem ca nhạc. Hồi đó tụi tui hay đi xem ở khoảnh sân nhỏ nhỏ nằm giữa sân vận động tỉnh và chùa Long Khánh. Tui lại được nghe giai điệu rộn rã của Ngày hội Kate (sáng tác: Amư Nhân), của Làng Chăm ơn Bác (sáng tác: Amư Nhân) cùng điệu múa quạt, múa “đội nước” (ndoa buk) quen thuộc. Tui lại nhớ căn phòng nhỏ trong ngôi nhà cũ, có chiếc máy cát-sét của bà nội và băng nhạc nghe đến nhão âm thanh. Có lẽ câu chữ sẽ không bao giờ nói hết được xúc cảm của những ngày tuổi thơ tràn về; nhưng thật sự ngày hội Kate lần này đã dẫn tui đi qua hàng loạt những ấn tượng khó quên. Khép lại ngày đầu tiên trong lễ hội Kate của tui là con mắt nặng trĩu và cặp giò mỏi nhừ sau khi đã lượn lờ khắp chốn.

Bên ngoài sân vận động là không gian của các trò chơi.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

3 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *