Rực rỡ sắc màu Katê – Ngày 3: Katê ở gia đình

Từ hồi cấp 2, tui đã mê “Ngày hội Katê” của nhạc sĩ Amư Nhân và “Tiếng trống Bara nưng” của nhạc sĩ Trần Tiến. Nhưng mãi đến 30 năm sau, tui mới có dịp tham gia một lễ hội Katê trọn vẹn từ đầu đến cuối. May mắn hơn, tui còn được sống cùng một gia đình người Chăm – Bà la môn ở làng Chăm Hữu Đức (hamutanran Hữu Đức) nên có thể phần nào cảm nhận được rõ nét không khí Katê nơi đây. Thật sự phải cảm ơn gia đình cô bé học trò Kim Loan cực kỳ thân thiện và tốt bụng đã cho tui một lễ hội Kate đúng nghĩa.

Với đồng bào dân tộc Cham, một năm có ba lễ hội quan trọng trong năm là Rija Nưgar, Katê và Cambur. Kate cũng gọi là tết nhưng không phải là cái tết đầu năm Rija Nưgar mà diễn ra vào giữa năm, song sự rộn ràng náo nức thì không khác gì tết Nguyên đán. Vì vậy nếu có dịp tham gia lễ hội này, bạn đừng nói “Chúc mừng năm mới”, thay vào đó là “Chúc Katê vui vẻ, bình an” nhé.

Trong ảnh là một vị Paxeh với mái tóc được cho là trời ban, luôn búi trên đỉnh đầu và không bao giờ cắt.

Sau ngày thứ nhất và thứ hai làm lễ trên tháp, ngày thứ 3 của lễ hội Kate là ngày cúng gia tiên và tiệc mừng tại các làng, các gia đình. Lúc này con cháu sẽ quây quần bên nhau và cùng cầu nguyện tổ tiên, thần linh phù hộ để những điều may mắn sẽ đến với mọi thành viên trong nhà. Vì là tết giữa năm nên nhiều nhà cũng không cầu kỳ lắm, chỉ dọn dẹp nhà cửa và làm một mâm cúng đơn giản, quan trọng là sự hòa hợp vui vẻ trong gia đình. Không khí ấm áp của tết Kate lan tỏa và được trân trọng từ mỗi nếp nhà chứ không chỉ trong những hoạt động lễ nghi truyền thống.

Tui rất xúc động trước hình ảnh người cha chuẩn bị đồ cho cô con gái trước khi tham gia lễ Kate như thế này.

Trong ngày lễ này, mọi người rộn ràng làm những món ăn truyền thống như bánh tét, bánh thuẫn, bánh dày… Lễ tết phải có đầy đủ bánh thuẫn, bánh chưng, bánh dày. Bánh dày gọi là nùng na, nghĩa là con gái; bánh chưng gọi là nung đòn, nghĩa là con trai. Trai gái đầy đủ như vậy thì gia đình sẽ càng hạnh phúc. (Tui nghe và phiên âm lại nên các từ tiếng Chăm này có thể chưa chính xác).

Các cụ tuổi cao vẫn miệt mài gói bánh chuẩn bị cho lễ Kate.

Bánh tét nhân lạc theo kiểu người Chăm.

Bánh dày thì trong tay tui. Còn tô inox phía xa xa đựng bánh nhòng dar làm từ trứng, lạc và đường.

Đây cũng là lần đầu tiên tui được khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc Chăm, gồm áo dài (amay), váy (khanh), choàng lên dây đeo (lay đai) và thắt lưng (lay pák). Tui mượn đồ của mẹ Loan, còn cô bé thì cẩn thận tìm cho tui đôi bông tai và khăn choàng cùng tông màu. Các dì của Loan loay hoay ướm rồi sửa lay đailay pák cho chỉn chu. Thiệt chớ hiếm khi tui được người ta chăm chút kỹ càng vầy luôn, sướng gì đâu. Trong một vài khoảnh khắc lướt qua rất nhẹ, tui còn quên mất mình là người ngoài bởi sự ấm áp đó.

Tui của ngày đầu tiên trong lễ rước y trang.

Đợt đi này tui phát hiện thêm là trừ kiến trúc tháp rất lộng lẫy và đầy huyền bí, còn lại thì dường như người Chăm không cầu kỳ về nhà cửa, không đòi hỏi lầu này gác nọ, kể cả nhà phủ hay điểm đón y trang cũng rất đơn giản. Nó mộc mạc như chính tính cách bình dị mà thân thiện của người Chăm. Tui còn được nghe những mẩu chuyện nho nhỏ về hướng nhà, về phong tục tập quán và cả cách giữ gìn sự ấm áp trong gia đình người Chăm.

Hơn nữa, cũng như nhiều dân tộc khác, người Chăm có đức tin rất lớn vào các vị thần linh. Họ cũng cố gắng chạm vào kiệu rước y trang, cũng nối đuôi nhau dâng đồ cúng lên tháp. Chật chội nhưng không chen lấn, không xô đẩy tranh cướp vị trí đẹp như sự biến tướng ở một vài lễ hội khác hiện nay. Chỉ thấy sự thành tâm trong đôi mắt lấp lánh, trong từng bước chân nặng nhọc mà kiên nhẫn đến với đức tin của mình.

Bác này đang đội một giỏ lớn đồ lễ trên đầu nhưng tui lo chụp bàn chân sạm nắng nên quên chụp phía trên.

Thiếu nữ Chăm bên đền thờ Po Ina Nagar. Đây là cô bé học trò tốt bụng mà tui kể ở trên.

Còn đây là tui của ngày thứ 2, chuẩn bị lên tháp.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *