Xao xuyến sắc hoa phượng tím Đà Lạt

Bằng một sự tình cờ nào đó, trong số những lần ít ỏi ghé đến thành phố sương mù, tôi có duyên gặp được phượng tím. Lúc thì cuối mùa, lúc thì đầu mùa, lúc thì giữa mùa phượng ngọt ngào nở rộ. Ghép từng mảnh bé xíu lại với nhau đã thành một vòng đời hoàn chỉnh.

Tầm giữa tháng 2, Đà Lạt bắt đầu lác đác sắc tím hoa phượng. Tháng 3 rộ nhất, tháng 4 ít dần. Khi ấy, khắp trời Đà Lạt cứ ngăn ngắt một màu tím biếc. Đó không phải là tím khói huyền ảo, hay tím buồn hiu hắt, cũng không phải tím hoa cà dịu dàng, mà là màu tím pha sắc lam độc đáo. Trong cảm giác của tui, phượng tím như thanh xuân rực rỡ, như đôi mắt biết cười; vừa có sự bẽn lẽn của người thiếu nữ vừa tràn ngập vẻ sôi nổi của tuổi trẻ.

Nếu hỏi rằng chụp hình hoa phượng tím ở đâu là đẹp nhất thì tui không trả lời được, vì loài hoa này mọc khắp nơi ở Đà Lạt. Quanh hồ Xuân Hương, hồ Hoàng Văn Thụ; dọc đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt), thiền viện Trúc Lâm, thung lũng Tình yêu, đường lên đồi Robin, trong trường Hermann Gmeiner và nhiều tuyến phố khác. Chỉ cần một cây bung nở là đủ để xao xuyến khách lãng du.

Phượng tím có tên khoa học là là Jacaranda Mimosifolia, thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae). Hoa phượng tím nở thành chùm ở đầu cành, mỗi bông dài chừng 4-5cm, nhìn như những quả chuông nhỏ đang đong đưa.

Hoa mọc ken dày ở đầu cành.

Tách hoa ra cho dễ nhìn các bộ phận bên trong nè, hoa tui nhặt dưới đất chứ không hái nhen.

Trong bài viết lần trước, tui cứ ngỡ phượng tím không có quả thì lần này đã thấy mình sai lè lè. Trên những thân cành suôn đuột vươn cao là những quả phượng lủng lẳng trên cây.

Quả phượng tím có dạng nang tròn, dẹt, đường kính khoảng 2 đốt tay; tui thấy na ná như quả sưa vàng nhưng kích thước to hơn. Quả có cuống dài, mọc thành chùm, nhìn ngược lên cây cứ như ai treo những đồng xu trang trí ngày tết.

Quả phượng tím còn non có màu xanh, khi già dần chuyển màu nâu xám như vỏ cây, rất cứng. Lúc đó phần đầu quả tách ra, để lộ những hạt bên trong.

Hạt phượng tím chen chúc bám vào đường gai ở giữa quả. Mỗi hạt lại có lớp màng mỏng tang như giấy lụa bao bên ngoài, còn bên trong mới là nhân. Theo đo đạc của các nhà sinh học thì thông thường hạt dài 7,09 – 9,26 mm, rộng 6,74 -9,39 mm và dày 1,11 -1,89 mm. Lớp vỏ mỏng bên ngoài này giống như đôi cánh, giúp hạt trở nên nhẹ hơn, dễ dàng cuốn theo chiều gió để phát tán đi xa.

Quả này là do tui rướn ra sườn dốc, moi giữa đám lá khô để nhặt về ngắm nghía, chớ ở trên cây cao không hái tới.

Đà Lạt bây giờ thay đổi nhiều. Nhà cửa mọc lên dày hơn, các con đường đang được mở rộng. Không biết sau này những hàng cây xanh mát có còn đủ chỗ để chen giữa phố. Nhưng chắc chắn rằng, người ta vẫn sẽ dành ra những góc riêng cho phượng tím bởi sắc hoa này đã trở thành đặc trưng của phố núi Đà Lạt.

Bạn có hẹn với phượng tím chưa?

Đọc thêm: Hẹn gặp lại nhau giữa mùa phượng tím

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *