An Nhơn có núi Mò O
Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi
Chùa Thập Tháp được xem là ngôi tổ đình xưa nhất của Phật giáo Bình Định và là chùa tổ của phái Lâm Tế, tính đến nay đã tròn 340 năm tuổi.
Đường đến chùa Thập Tháp
Chùa Thập Tháp thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
- Nếu đi máy bay: chùa Thập Tháp cách sân bay Phù Cát 5.2km. Ra khỏi sân bay, đi thẳng đến quốc lộ 1A rồi rẽ phải (hướng vào Nam), đi thêm 2km là tới chùa.
- Nếu đi tàu lửa: chùa Thập Tháp cách ga Diêu Trì 18.5km. Ra khỏi ga, đến quốc lộ 1A thì rẽ trái (hướng ra Bắc) đi 18km là tới chùa.
- Nếu từ thành phố Quy Nhơn: Chùa nằm cách thành phố Quy Nhơn 28km. Theo hướng ra Bắc trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã An Nhơn, đến ngã tư Quốc lộ giao với đường Đô đốc Long, trước mặt là cầu Vạn Thuận 1, có biển chỉ đường vào chùa nằm bên trái. Rẽ vào, đi một đoạn ngắn chừng 400m là đến chùa. Bạn nhớ đi đường cũ cho gần, chứ đường quốc lộ đoạn tránh qua thị xã sẽ xa hơn đấy.
Lịch sử chùa Thập Tháp
Chùa Thập Tháp gắn liền với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Thiền sư vốn họ Tạ, tự là Hoán Bích, sinh năm 1648. Ông là người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; xuất gia từ năm 19 tuổi. Năm 1665 (có tài liệu ghi là năm 1677), ông theo thuyền buôn Trung Quốc xuôi Nam vào Đàng Trong. Đến làng Thuận Chánh, phủ Quy Ninh (An Nhơn ngày nay), ông dừng chân cư trú và lập thảo am thờ Phật A Di Đà, sau đó xây thành một ngôi chùa khang trang vào năm 1683 – chính là chùa Thập Tháp ngày nay. Thiền sư cũng đi truyền giáo, lập chùa, mở mang Phật pháp ở nhiều nơi; sau đó còn về Trung Hoa thỉnh pháp khí, pháp trượng, kinh tạng cùng một số thiền sư phái Lâm Tế sang. Do vậy, Thiền sư Nguyên Thiều là người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo cho xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17. Ông tu về Thiền tông phái Lâm tế nên là vị tổ đầu tiên đưa phái Lâm Tế vào Đàng Trong và là tổ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế chính tông. Ở Bình Định hiện nay có một trường Trung cấp Phật học mang tên ông – là Tu viện Nguyên Thiều, nằm trên đường đi vào Tháp Bánh Ít.
Mách nhỏ cho bạn:
- Từ thế kỷ XVI trở đi, Phật giáo bắt đầu hưng thịnh trở lại sau thời kỳ thắng thế của Nho giáo trước đó. Nhiều dòng thiền mới được du nhập vào, trong đó có thiền phái Lâm Tế của Tổ sư Nguyên Thiều. Ở Đàng Trong, trước khi các thiền sư Trung Hoa đến, đã có nhiều người Việt theo thiền phái Trúc Lâm mà nổi bật là thiền sư Minh Châu – Hương Hải (1628 – 1715), người ở Thăng Bình (Quảng Nam). Ban đầu, trước tài năng và đạo hạnh của ngài, chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, trị vì giai đoạn 1648-1687) xây Thiền Tĩnh Viện trên núi Qui Kinh (xã Hoài Ân, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) để ngài giảng đạo và cầu an cho hoàng tộc, đất nước. Thiền Tĩnh Viện đã trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Đàng Trong, số người đến quy y lên tới hơn nghìn người, trong đó có một người vốn là người Đàng Ngoài trốn chúa Trịnh vào Nam. Điều này dấy lên sự nghi ngờ trong lòng chúa Nguyễn Phúc Tần rằng thiền sư Minh Châu có tâm tạo phản. Vì vậy, chúa Nguyễn đã tra khảo và trục xuất thiền sư ra khỏi kinh đô, đưa về an trí ở Quảng Nam, khiến ông bất mãn quyết đóng thuyền vượt biển ra Bắc cùng 50 đệ tử vào năm 1682 và được chúa Trịnh Căn thu nhận.
- Nhiều thiền sư phái Trúc Lâm do vậy mà phải bỏ môn phái cũ, gia nhập vào phái Lâm Tế, góp phần mở rộng môn phái này. Ngoài chùa Thập Tháp, thiền sư Nguyên Thiều còn có công xây dựng chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đồng ở Thuận Hóa.
Chùa tựa lưng vào ngọn đồi Long Bích, mặt quay về hướng đông. Tương truyền xưa kia vùng đất này có 10 ngôi tháp Chăm nên người dân quen gọi là Gò Thập Tháp. Tuy nhiên, các ngôi tháp này đã sụp đổ và mất dần dấu tích. Sau đó, số gạch từ tháp đổ được Thiền sư Nguyên Thiều dùng để xây dựng chùa. Tên đầy đủ của chùa là Thập Tháp Di Đà Tự. Trong đó, A Di Đà là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Tên của ngài có nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang (hào quang trí tuệ chiếu khắp các thế giới), Vô lượng công đức. Di đà còn có nghĩa là lý tính, bản giác của chúng sinh.
Trong nhiều đời truyền thừa kể từ thế kỷ 17 đến nay, chức vụ cao nhất trong triều đình là Thiền sư Thích Phước Huệ (1869-1945), quê ở An Nhơn, được tôn làm Quốc sư dưới thời nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 20. Ông đã từng được thỉnh vào hoàng cung giảng pháp cho nhiều vua quan nhà Nguyễn, trong đó có vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định.
Vẻ đẹp chùa Thập Tháp
Ngay trước chùa là một hồ sen hình vuông, rộng khoảng 500 m2, xây bằng đá ong to dày. Mùa xuân chỉ còn vài cọng sen loe hoe, nhưng đến hè sẽ bừng nở khoe sắc hồng rực rỡ.
Đọc thêm: Không gian xanh ở chùa Thập Tháp
Không bề thế như nhiều ngôi chùa mới sau này, chùa Thập Tháp vẫn giữ nguyên nét giản dị sau nhiều lần tu bổ. Đến nay đã có 4 lần trùng tu: lần đầu vào năm Minh Mạng thứ nhất (Canh Thìn 1820), lần thứ hai và ba thời vua Tự Đức (Kỷ Dậu 1849, Bính Tuất 1877), lần thứ tư thời vua Khải Định (Giáp Tý 1924).
Hai bên cổng chùa là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt tượng sư tử quắc mắt uy nghi. Nối liền hai trụ biểu này là bức tường vòm cung tạo thành cánh cổng nhỏ, trên có chữ “Thập Tháp”.
Cổng chính của chùa chỉ mở vào dịp lễ, còn thông thường khách sẽ đi ở cổng phụ, cách cổng chính khoảng 10m, phía trước có cây vông đồng rợp bóng mát.
Ngay sau cổng là bức bình phong đặt trên bệ chân quỳ, mặt trước không có họa tiết gì hoặc đã phai dấu theo thời gian, mặt sau đắp nổi bức tranh Long Mã Hà đồ, trên lưng mang bảng bát quái. Đây là họa tiết khá phổ biến trong nhiều bức bình phong, thể hiện vũ trụ quan Đông Phương.
Chùa có 4 khu nhà chính, phía trước là chánh điện, phía sau là nhà phương trượng, Đông đường (giảng đường), Tây đường (nhà tổ) tạo thành hình chữ Khẩu. Chính điện được thiết kế theo kiểu nhà rường, 3 gian 2 chái với 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Các cột kèo ở đây được làm từ gỗ quý, chạm trổ họa tiết hoa, rồng, phượng cách điệu rất công phu. Mái chính điện lợp ngói mũi hài, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu. Ngôi chính điện này đã được trùng kiến vào năm 1749. Tấm biển sắc tứ “Thập Tháp Di Đà Tự” do chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa vào năm 1691 (thời vua Lê Hiển Tông) được treo giữa cửa chính ngôi chính điện.
Tui ngại chụp khu vực thờ cúng nên không có ảnh chính diện ạ. Phía trên là tấm biển “Thập Tháp Di Đà tự”.
Hai đầu hành lang bên hông chính điện đặt đại hồng chung nặng nửa tấn, đường kính 70cm (đúc năm 1893) và một cái trống lớn.
Phía sau nhà chánh điện mở ra khoảng sân rộng, nơi các dãy nhà phương trượng, Đông đường, Tây đường quay mặt vào nhau. Nếu không thì có thể đi vào khu vực này bằng cổng tam quan.
Mái cổng lợp bằng ngói ống đã phủ đầy rêu.
Phía sau chính điện, nằm song song và cách một khoảng sân là nhà phương trượng, được xây vào năm 1924. Khu Đông đường (giảng đường), Tây đường (nhà tổ) đối diện nhau. Trong giảng đường có tấm gỗ ghi bài “Thập Tháp Tự Chí” của ngài Võ Khắc Triển – Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn soạn năm 1928. Bài này ghi lại lịch sử hình thành, quá trình xây dựng và truyền thừa của tổ đình Thập Tháp. Nhà tổ là nơi thờ tự Tổ khai sơn Nguyên Thiều và các vị trụ trì, tăng ni, Phật tử. Các khu nhà được nối liền bằng dãy hành lang dài và đều nhìn ra một khoảng sân vuông bài trí nhiều cây cảnh. Sân còn để hòn đá chém mà câu chuyện về nó li kì nên đứa nhát hít như tui có phần ớn lạnh.
Khoảng sân rộng sau lưng chánh điện.
Nơi đây còn có khu bảo tháp rất ấn tượng, là một trong số ít các ngôi chùa ở nước ta có vườn tháp như thế này.
Đọc thêm: Ấn tượng vườn tháp ở ngôi chùa xưa nhất Bình Định
Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều bản khắc gỗ của các bộ kinh Phật và bộ Đại tạng kinh được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngày 9/1/1990, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dấu tích Champa ở chùa Thập Tháp
Tương truyền khu vực đồi Long Bích xưa chính là vườn Lãng Uyển của vua Champa. Giếng được đào trong vườn để lấy nước tưới cây, đến nay còn sót lại 3 giếng. Hai cái ở phía trước, một ở sau chùa tạo thành hình tam giác đều. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cách người Chăm chọn địa điểm xây tháp và các công trình quan trọng rất đặc biệt, tuân thủ nguyên tắc hình học Thiêng liêng, như theo cung hoàng đạo, đối xứng hoặc khoảng cách bằng nhau… cho dù về mặt địa lý có thể vượt qua phạm vi quốc gia. Vì vậy, tui nghĩ vị trí của các giếng chắc cũng dựa trên điều này. Cả 3 giếng đều xây theo bình đồ hình vuông, miệng giếng trệt gần mặt đất chứ không có thành cao. Thành giếng ghép từ những viên đá ong lớn, giống với nền đá ong ở các ngôi tháp Chăm. Giếng sau chùa xây cao hơn, nước trong và ngọt hơn 2 giếng còn lại.
Với vật liệu và thiết kế có phần giống nhau, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng hồ sen trước cổng chùa và giếng cổ là dấu vết còn sót lại của vườn Lãng Uyển xưa.
Tui thích sự kín đáo, khiêm cung ở các ngôi chùa nhỏ. Ở đó, tui dễ bị hút hồn bởi nét u tịch, cổ kính, không bị khuấy động bởi ồn ào thế sự sắc tình lục dục. Chứ thiệt tình tui không thích sự choáng ngợp với những công trình kỷ lục to nhất, lớn nhất, rộng nhất… khác. Nếu có cùng cảm giác, bạn hãy thử ghé chùa Thập Tháp nhen. Tui tin bạn sẽ hài lòng đó. Tặng thêm bạn vài khung cửa mơ màng ở chùa nè.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Chùa Thập Tháp – chốn thiêng tìm về […]
[…] Đọc thêm: Chùa Thập Tháp – chốn thiêng tìm về […]