Sabaidee Attapeu

Những năm làm Đoàn, tôi có may mắn được đến Lào 3 lần, trong đó 2 lần là tham gia hoạt động tình nguyện. Có lẽ, trong những nơi đã đi tình nguyện thì Attapeu, Lào là vùng đất ấn tượng nhất với tôi.

Lễ buộc chỉ tay cầu chúc những điều tốt lành.

Vì sự chuyển mình nhanh chóng của Attapeu không làm ảnh hưởng đến nhịp sống thanh thản, chậm rãi, yên bình vốn có của người dân sở tại. Nó cho người ta cảm giác thoát khỏi mọi sự chen lấn của cơm áo gạo tiền; để quay về ký ức của tuổi thơ hồn nhiên bên lũy tre, giếng nước quê nhà.

Vì tôi vẫn gặp lại giọng nói nằng nặng của vùng quê Quảng Bình, Quảng Trị đầy nắng, cát và gió Lào. Các anh chị sang đây để lập nghiệp mưu sinh. Nói là anh chị, nhưng nhiều người đã lên chức ông, bà. Có người sang Lào từ thuở còn bé tí, vậy mà cái chất giọng ấy không hề phai nhạt. Tôi vẫn nghe lơ lớ các em bé Việt kiều, dù xa quê nhưng không quên tiếng cội nguồn. Và vui nhất, cảm động nhất lúc gặp người dân bản xứ, khi biết tôi đến từ Việt Nam, họ thốt lên “Ồ, Việt Nam, Hồ Chí Minh” rồi chắp tay “Xin chào” bằng tiếng Việt ngượng nghịu nhưng ấm áp tình người và đầy mến khách.

Cùng hòa trong điệu múa lăm vông.

Vì tôi có may mắn tiếp xúc với nhiều người, và thấy được nhiều ánh mắt ấm áp của người dân bản xứ. Đó là ánh mắt phúc hậu của cụ trưởng bản đang rì rầm lời chúc phúc trong lễ đeo chỉ tay; ánh mắt xa xăm của người lính già lúc nhớ về những kỷ niệm chiến đấu bên người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường xưa; ánh nhìn ngơ ngác, tròn xoe của những em bé ít khi tiếp xúc với ống kính; và cả ánh mắt rạng rỡ của cô nhân viên tại điểm du lịch.

Nụ cười trong vắt của chị em bé Noy. Ảnh: Thanh Bình (đã xin phép tác giả)

Vì tôi luôn nhận được những nụ cười cùng tiếng chào “sabaidee” thân thiện. Dường như nụ cười là thứ sản vật hào phóng của người dân nơi đây. Có nụ cười chào đón rất “ngoại giao” của anh công an cửa khẩu qua vách kính lấp loáng. Có nét cười niềm nở chào mời của chị bán hàng chợ sớm, có sự chỉ dẫn tận tình của người dân khi tôi hỏi đường đi quanh thị trấn, rồi cười rộ lên vì hai bên đang hoa chân múa tay loạn xạ do không hiểu ngôn ngữ của nhau. Tôi thích ánh mắt cười trong veo dưới mái tóc loe hoe cháy nắng của các em bé nơi đây. Tôi cũng nhớ nụ cười vồn vã của anh Xeo Long – một chủ quán người Lào gốc Việt, của những o, những mệ xứ Thừa Thiên khi gặp đồng hương.

Và cứ như thế, Attapeu trở thành một dải ký ức dịu dàng trong tôi.

Tặng lồng đèn ngôi sao cho các em thiếu nhi – phần quà do chính tay các anh chị TNV trường ĐH Quy Nhơn làm trên đất Lào.

– LVA – 

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *