Mùa hoa sứ

Mùa này, đến trường Đại học Quy Nhơn, bạn sẽ bắt gặp những bông hoa sứ (hoa đại) đang khoe sắc. Quanh giảng đường A2, giữa giảng đường A7, trước nhà khách, ven đường nối giữa hội trường B và thư viện, bên hông căntin…, đâu đâu cũng thấy những cánh sứ lung linh đủ màu. Trắng điểm vàng, vàng tươi, hồng đậm, đỏ pha cam… nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Từ hồi mới về trường cách đây ngót 20 năm, tui đã mê tít vì chưa thấy ở đâu có vườn sứ đa dạng và lâu đời như vậy. Nghe nói những cây đầu tiên đã được trồng từ năm 1968, thời của Trường Sư phạm Quy Nhơn, tiền thân của Trường Đại học Quy Nhơn sau này. Những cành già xù xì, bạc phếch, chia nhánh tứ tung như cái sừng hươu vươn lên bầu trời, hoa thì cứ rực rỡ sum suê. Hương hoa sứ không nồng nàn mà dịu nhẹ vấn vít một mùi thơm rất đặc trưng. Càng về đêm hương thơm ấy càng lặng lẽ lan xa. Có lẽ vẻ đẹp dịu dàng thanh nhã đó đã khiến nhạc sĩ Hoàng Phương và nhạc sĩ Hoài Nam đã cùng cảm hứng sáng tác ca khúc “Hoa sứ nhà nàng” từ năm 1969, nổi tiếng đến tận bây giờ (tên gốc của bài hát này là “Hoa sứ nhà em”).

Cổng trường Sư phạm Quy Nhơn trước 1975. Ảnh từ Đặc san Sư phạm Qui Nhơn – 2012.
Từ giảng đường A3 nhìn xuống

Với đất nước Lào xinh đẹp, hoa sứ còn có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi đây chính là quốc hoa của xứ sở triệu voi – hoa chămpa (dok champa). Hoa chămpa là biểu tượng của niềm vui, sự chân thành, đôn hậu, thân thiện và những mong ước về một cuộc sống yên lành, bình an. Vào dịp tết Bunpimay diễn ra vào tháng 4 hàng năm, từng chùm hoa chămpa được xâu chuỗi làm thành vòng cổ, gắn lên búi tóc các cô gái, hoặc trang trí trên những mâm lễ, đẹp một cách tinh khiết.

>> Đọc thêm Tháng 4 với lễ hội té nước  

Ở khu vực Trung Đông, hoa sứ đại diện cho sự quyến rũ, vẻ đẹp nóng bỏng của người phụ nữ. Với khu vực Trung Mỹ, hoa sứ tượng trưng cho sự thuần khiết. Khu vực Đông Á và Nam Á lại xem hoa sứ là sự linh thiêng. Trong văn hóa Phật giáo, hoa sứ là hình ảnh của sự khởi sinh mới và những điều tốt lành, vì vậy nó thường được trồng trong khuôn viên chùa chiền, miếu, đình… Hoa sứ cũng trở thành biểu tượng cho văn hóa Ấn Độ giáo với ý nghĩa về sự cống hiến. Đó là loài hoa của thần Krishna (được tôn kính gọi là Shri Krishna hoặc Sri Krishna), vị thần bảo vệ, từ bi, dịu dàng và tình yêu, là một trong những vị thần Hindu cư trú ở cõi cao nhất của thiên đường. Ngoài ra, hoa sứ còn thể hiện sự yêu thương, tình cảm nồng nàn, sự may mắn, một nguồn sống mới, bỏ lại những thất bại sau lưng để bắt đầu một hành trình mới.

Giữa giảng đường A7. Ảnh: Thùy Trang (đã xin phép tác giả)

Mách nhỏ cho bạn: Hoa sứ có tên khoa học là Plumeria, được đặt để tôn vinh một nhà thực vật học và tu sĩ công giáo người Pháp, ông Charles Plumier (1646 – 1704). Ông là một trong những nhà thám hiểm thực vật nổi bật vào thời kỳ đó, người đã có công phân loại nhiều loài động thực vật khác nhau. Tên tiếng Anh của hoa sứ là Franpigani, lấy từ tên của một dòng họ quý tộc người Ý thế kỷ 16, đã dùng hoa sứ để làm hương liệu cho nước hoa.

Hoa sứ được nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dolce Gabbana, Ormonde Jayde, Michael Kors, Chanel, Bvlgari… chiết xuất đưa vào các dòng nước hoa ngọt ngào, rạng rỡ, mang nét đặc trưng của vùng nhiệt đới ấm áp.

Giảng đường A3
Giảng đường A2
Giảng đường A2
Trước nhà khách, nay là Trung tâm thực hành nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn
Con đường ở giữa hàng cây. Giảng đường A3. Tui cực kỳ thích hoa nắng như này luôn
Bên hông KTX sau cơn mưa buổi sớm
Càng nắng hoa sứ càng rực rỡ

– Việt An – 

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *