Thương hoài bánh dây đất võ

Chẳng biết có duyên gì hay không mà đất Hoài Nhơn lại sở hữu nhiều loại đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Bình Định, từ bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh trụng đến bánh dây.

Đọc thêm: Khám phá ba đặc sản của xứ dừa Bình Định

Bánh dây còn được gọi là bún dây, bởi hình dáng giống sợi bún bình thường. Thế nhưng, cách chế biến và cách ăn của món bánh dây đều khác bún thông thường.

Những thớ bún vàng óng ả đã sẵn sàng chờ tay người dùng

Cũng dùng nguyên liệu chính là gạo nhưng cách làm bún dây khá kỳ công, phải qua các khâu ngâm – xay – khuấy – vắt bột – ép khuôn – hấp. Đầu tiên, để sợi bún dai ngon tự nhiên thì phải chọn loại gạo cứng hạt và cũ, càng cũ càng tốt nhưng không ẩm mốc. Thêm vào đó, bún dây đặc biệt ở chỗ cần phải có nước tro. Gạo vo sạch rồi ngâm với nước tro – đây chính là bí quyết tạo nên màu vàng đặc trưng của bún dây. Về xứ dừa nên tro sẽ lấy từ củi dừa. Tro không được lẫn tạp chất, nước tro càng sạch thì bún càng lên màu đẹp tự nhiên, dai và ngon hơn. Tỷ lệ pha nước tro như thế nào là tùy vào bí quyết riêng của mỗi nhà. Sau khi ngâm tầm 6-8 tiếng, gạo mềm thì được đem đi xay thành bột. Trước đây người ta thường xay thủ công bằng cối đá để bún được ngon, nhưng bây giờ hầu hết các lò đều dùng máy để tiết kiệm thời gian và công sức. Sau đó đặt thau bột lên bếp, dùng đũa cả lớn khuấy đều tay để bột mịn và chín đều. Khuấy đến khi rặt nước, bột chín, dần trở nên nặng tay, bột chuyển sang màu vàng mỡ gà óng ánh là được. Công đoạn này khá vất vả, đòi hỏi người làm phải có sức vì phải đảo thường xuyên. Vừa làm vừa canh lửa liu riu sao cho bột không bị cháy. Khâu này cũng là điểm khác biệt, thêm bước nấu chín bột so với cách làm bún thông thường.

Bột chín được đem đi nhồi kỹ thành từng cây cho vừa với khuôn ép, thường là to cỡ bắp tay. Cho vào khuôn, ép bột chảy xuống thành các sợi nhỏ.

Từng sợi bún vàng ươm đang được ép ra khỏi khuôn

Nhà nào kỹ thì sẽ ép bột đến hai lần để ra thành phẩm ngon và có thể bảo quản lâu hơn. Nghĩa là sau khi ép lần đầu, tiếp tục nhào bún thành bột rồi mới ép lần hai. Lần này, bên dưới khuôn, lấy cái vỉ tre nhỏ hứng lấy sợi bún thành vòng tròn quanh vỉ rồi chồng các vỉ lên nhau, xếp vào nồi hấp cách thủy. Các vỉ tre này được đan thưa để hơi nóng có thể len vào giữa các vỉ, làm chín bún. Hấp khoảng 10 phút cho các sợi bún bóng mượt, vàng mịn màng là xong. Cũng tùy theo mức độ khuấy bột lúc đầu đã chín nhiều hay ít mà điều chỉnh thời gian  hấp này cho phù hợp; chín quá bún sẽ nhão mà chưa đủ chín thì lại nát.

Đặt vỉ tre dưới khuôn, khéo léo xoay vỉ để hứng bún thành khoanh tròn rồi đem hấp

Bún lấy ra, để nguội ăn mới ngon. Không như nhiều loại bún khác, bún dây chỉ có thể chế biến thành bún khô. Đơn giản nhất là cho bún vào dĩa, tha dầu hẹ, là hẹ cắt nhuyễn trộn với dầu đã phi thơm. Nếu có hẹ sẻ – loại hẹ cọng nhỏ mà thơm lừng – thì càng ngon. Rắc thêm đậu phộng rang vàng giã nhuyễn rồi chan nước mắm tỏi ớt lên trên. Ui chu cha, sợi bún mềm dai, dầu bóng, hẹ thơm, đậu phộng béo, ớt cay xé lưỡi, giản dị sao mà ngon đến lạ.

Nguyên liệu cơ bản cho món bún dây
Thành phẩm là đây

Cầu kỳ hơn thì thêm mấy lát thịt thưng hoặc ba chỉ luộc, nem chua và chả lụa cắt sợi, phủ ít hành phi lên trên. Tất nhiên không thể thiếu rau sống để dĩa bún thêm phần hấp dẫn.

Phải công nhận tui màu mè ra dẻ ghê hông
Dĩa bún dây full topping

Vốn là một món ăn dân dã nên từ lâu bún dây đã trở thành hương vị gợi nhớ quê nhà cho những người con đi xa. Dù chưa phổ biến trên bản đồ ẩm thực nhưng sự mộc mạc của bún dây chắc chắn sẽ gây ấn tượng với những du khách một lần đến trải nghiệm đất dừa xứ Nẫu.

Mách nhỏ cho bạn: Theo tui biết thì bún dây hiện chỉ được làm và bán ở Hoài Nhơn nên nếu muốn thưởng thức, bạn phải chịu khó nhờ người quen ở đó mua giùm rồi về chế biến theo các công thức trên của tui nhen.

Bún dây ở một góc chợ Tam Quan

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *