Nằm giữa Măng Đen xinh đẹp, thác Pa Sỹ là nơi mà nhiều du khách lựa chọn tìm đến bởi vẻ thơ mộng chốn non cao. Dù vùng rừng núi Tây Nguyên có nhiều con thác đẹp, nhưng Pa Sỹ vẫn mang một nét quyến rũ riêng. Nhiều người ví đây như dải lụa mềm mại vắt giữa cánh rừng già, vừa duyên dáng vừa hùng vĩ.
1. Nguồn gốc thác Pa Sỹ
Pa Sỹ là cách đọc chệch từ chữ Pau Sah. Theo tiếng Mơ Nâm, Pau Sah nghĩa là 3 ngọn suối chụm lại. Quả thật, thác Pa Sỹ hợp nước từ 3 suối lớn nhất Măng Đen là Pa Sỹ, Đăk ke và Lô Ba. Trong đó, Pa Sỹ là dòng lớn nhất. Nếu so về khoảng cách thì từ UBND huyện đến thác Pa Sỹ chừng 7km, thác Lô Ba 8.5km và hồ Đăk Ke (Toong RPông) khoảng 3.5km. Trong cả 3 thác thì Pa Sỹ là lớn nhất, nằm ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển.
2. Cô gái tóc mây
Từ độ cao hơn 40m, một dải nước dài đổ thẳng xuống. Nếu mê truyện kiếm hiệp, bạn có thể tưởng tượng nó là ngựa chiến đang tung vó, hoặc cú phi thân của một đại cao thủ võ lâm. Nếu mang tâm hồn thiếu nữ, thì đó là dải lụa mềm đang bay phấp phới trong điệu múa tiên giáng trần. Còn với tui, đó là áng tóc mây mượt mà của nàng sơn nữ chốn hoang sơ. Mái tóc lúc thì trắng mỏng manh, lúc lại lấp loáng sắc cầu vồng bởi ánh nắng trong veo chiếu vào. Hôm nào mùa khô, thác thì thầm như tiếng tóc hát. Còn hôm nào mùa mưa, nước phần phật chảy, tiếng reo vang vọng khắp nơi. Nhưng dù mùa nào đi chăng nữa, dải tóc mây cũng luôn tha thướt tuôn chảy.
Dưới chân thác là một hồ nước phẳng lặng, sóng gợn nhẹ nhàng. Những bọt nước ở trên cao tung trắng xóa, nhưng dường như càng xuống dưới, nó càng trở nên dịu dàng, chỉ khẽ khàng đáp xuống mặt hồ. Rồi từ đó, những giọt nước mát lạnh mang theo hơi thở của rừng sâu lững lờ trôi giữa rừng cây.
Bạn có thể men theo con đường đất đi lại gần chân thác để chụp hình rõ hơn. Còn nếu muốn bắt lấy vẻ mềm mại của thác Pa Sỹ thì có thể đứng từ cây cầu gỗ này. Cây cầu vắt ngang hồ, nằm đối diện thác nên hay được nhiều người chọn để đứng chụp toàn bộ thác. Quanh thác cũng dựng một số lều nghỉ chân cho khách bộ hành nghỉ chân ngắm cảnh.
Nhưng không dễ dàng để chinh phục trái tim người thiếu nữ Pa Sỹ. Phải qua 186 bậc tam cấp để xuống chân thác, và đương nhiên phải đi chừng đó nữa để lên lại. Đi một đoạn ngắn thì có ngã ba. Nếu rẽ phải sẽ xuống sát chân thác nhưng đường đi dốc đứng với những bậc tam cấp khá cao. Nếu đi thẳng thì đường thoai thoải hơn nhưng hơi xa và xuống phía gần cây cầu gỗ. Cả 2 cung đường đều trơn do rong rêu bám nhiều. Vì thế bạn nên dùng giày vải mềm hoặc giày thể thao, xăng đan có độ bám tốt, không nên mang giày cao gót.
3. Thiên nhiên trong lành
Hoa nóng, sổ mọc gần thác, tên khoa học là Saurauia tristyla.
Thác Pa Sỹ nằm trọn trong bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng với đầy đủ âm thanh và hương vị. Mùi trong lành của cây cối, mùi tinh khôi của lộc non, mùi ngai ngái của cỏ dại, mùi nguyên sơ của hoa rừng. Sắc rừng núi xanh, sắc thác nước trắng, sắc nắng vàng ươm, sắc trời xanh ngắt, sắc hoa đủ màu. Tiếng thác reo, tiếng chim hót, tiếng gió đùa vi vút. Còn gì thi vị và trong lành hơn khi được đi giữa một không gian bình yên như vậy.
4. Vườn tượng gỗ
Trước khi qua cổng soát vé để xuống chân thác, ở triền đồi bên trái nằm im lìm một vườn tượng gỗ. Dưới tán lá rừng gió reo vi vút, thong thả bước lên bậc tam cấp, đi dọc theo lối mòn, ngắm nhìn từng bức tượng gỗ để đến gần hơn với văn hóa bản địa. Ban đầu, đây là điểm trưng bày của Liên hoan tượng gỗ dân gian các dân tộc thiểu số vào tháng 3/2013 ở Kon Plong. Các nghệ nhân đã thực hiện 100 tác phẩm để kỷ niệm Kon Tum tròn 100 năm tuổi. Mỗi bức tượng diễn tả một hoạt động khác nhau của bà con trong sản xuất và đời sống hàng ngày, trong các hoạt động lễ hội như: mẹ con, người phụ nữ giã gạo, vác gùi lên rẫy, người đàn ông đi săn. Nhiều con vật gần gũi cũng được đưa vào trong những tác phẩm nghệ thuật này. .. Mỗi bức tượng là một sắc thái riêng, không cái nào giống cái nào, rất đa dạng về hình dáng và biểu cảm. Những đường nét không mềm mại bóng bẩy mà góc cạnh, thô sơ. Nhưng chính kiểu đẽo tạo thô mộc mang tính ước lệ, biểu trưng đã làm toát ra sự khỏe khoắn chân phương của người dân Tây Nguyên. Họ vẫn giữ phong cách phóng khoáng ấy từ bao đời, tạo nên sự độc đáo cho từng tác phẩm. Nhờ nét riêng biệt này, vườn tượng được duy trì cho đến nay.
5. Cầu treo
Đối diện vườn tượng là một cây cầu treo nhỏ. Đó là một cây cầu rất bình thường, không có tên. Đây không phải là điểm du lịch nổi tiếng, nhưng màu thời gian hoen rỉ trên khung sắt thành cầu có thể trở thành background ấn tượng để bạn thực hiện một concept nào đó.
6. Đường đến thác Pa Sỹ
Địa chỉ: Thác Pa Sỹ nằm trong Khu du lịch sinh thái văn hóa thác Pa Sỹ, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm thị trấn Măng Đen khoảng 7.5km. Đi đến cuối đường Trần Hưng Đạo, là gặp một ngã ba có cổng chào. Qua điểm này chừng 700m là chuẩn bị xuống dốc để đến thác.
Giá vé: 20k/người.
7. Truyền thuyết bảy hồ, ba thác
Vốn dĩ, Măng Đen là cách gọi chệch đi của từ T’Măng Deeng theo tiếng Mơ Nâm (T’Măng: vùng, nơi ở; Deeng: thần linh). Nghĩa là đây là nơi trú ngụ của các thần linh.
Người xưa kể lại, Măng Đen vốn là vùng đất rộng lớn, đất đai bằng phẳng, những vạt rừng mênh mông trải dài, cảnh sắc tuyệt đẹp. Ở đây thú rừng nhiều vô kể nhưng lại thiếu bóng dáng con người. Thế là Giàng ở trên cao là Pling Huynh bèn cho 7 người con trai của mình xuống vùng đất này, khai hoang, xây dựng làng bản. Đó là Gu Kăng RPông, Gu Kăng Đam, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Lung, Gu Kăng Săng và Gu Kăng Pô. Mỗi chàng trai đều cưới được một cô gái ở vùng khác và lập 7 ngôi làng quanh vùng T’Măng Deeng. Mỗi chàng được phong làm vị thần cai quản mỗi vùng đất và gọi là Huynh; còn người vợ phải biến thành muông thú như heo, nai, cá, thằn lằn, nhưng không phải là con vật thường mà là thần thú để chăn dắt các loài đó. Đồng thời, các Huynh cai quản vùng đó cũng không được ăn thịt của các loài vật cùng loài với vợ mình.
Vị thần nào cũng thương dân và chăm lo cho bản làng nên cuộc sống ấm no, trù phú cứ thế trôi đi. Duy chỉ có điều, người người theo quy luật sinh lão bệnh tử, còn các vị thần thì bất tử. Thời gian đầu, các Huynh còn quay về trời bẩm báo sự việc hàng năm với Pling Huynh, nhưng dần dà họ ở luôn dưới trần gian. Chỉ đến khi kết thúc vụ mùa, tổ chức lễ hội mừng năm mới, các thần dạy dân làm lễ ăn trâu cúng Yeeng thì mới nhân dịp đó báo vọng lên trời, cầu xin ban ấm no cho vụ tiếp theo. Một năm nọ, đến ngày thứ 7 của lễ Yeeng, các vị thần quá vui nên phạm vào điều cấm kị về ăn thịt loài vật, chỉ riêng Huynh Pô là còn nhớ ra không ăn thịt thằn lằn. Từ trên cao nhìn xuống, Pling Huynh nổi giận vô cùng. Giông tố sấm chớp đột ngột bủa vây tứ phía, 7 cột khói phụt lên mù mịt, 3 tia lửa từ trên trời giáng xuống. Đất đá chảy tràn khắp nơi, mọi người chìm trong biển lửa. Riêng Huynh Pô tuy nhớ lời dặn nhưng vì không nhắc nhở các anh nên được ban quyền lựa chọn hình phạt, hoặc dân làng phải chết, hoặc chàng hy sinh. Chàng lựa chọn cách thứ 2. Thế là lòng đất mở ra, nuốt toàn bộ con người, tài sản của các làng vào bên trong, cột lửa cũng tắt dần. Sau này, các miệng cột lửa trở thành nơi giam cầm các vị thần và biến thành 7 cái hồ, còn 3 tia lửa biến thành 3 cái thác.
Bảy hồ đó chính là hồ Toong RPông, hồ Toong Đam, hồ Toong Zơ Ri, hồ Toong Ziu, hồ Toong Ly Lung, hồ Toong Săng và hồ Toong Pô (Toong nghĩa là hồ theo tiếng Mơ Nâm). Ba thác là thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke và thác Lô Ba (có người cho là thác Đăk Pne).
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |