Những dòng sông chảy ngược (kỳ 1: Tây Nguyên)

Ở nước ta, do cấu tạo địa hình cao ở phía Tây và thấp dần về phía Đông nên đa phần các dòng sông chảy theo hướng từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam và cuối cùng là đổ ra biển Đông. Thế nhưng có nhiều con nước thích đi ngược lại quy luật tự nhiên, tạo thành câu chuyện về những dòng sông chảy ngược.

Kỳ 1: Những dòng sông chảy ngược ở Tây Nguyên

Sông Đắk Bla

Giữa mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, dòng Đắk Bla (Kon Tum) không tuân theo quy luật thủy văn thông thường mà một mình một dòng chảy ngược từ Đông sang Tây. Trước đây, người ta cho rằng dòng Đăk Bla khởi thủy từ chân núi Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum); nhưng nay đã khám phá địa điểm chính xác hơn là sông Đăk Snghé, bắt nguồn từ xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum) thuộc dãy núi đông Trường Sơn. Dòng Đăk Snghé hình thành từ sự hợp lưu của 2 dòng suối nhỏ ở Măng Bút với một dòng suối khác chảy ra từ chân núi Ngọc Mên – ranh giới tự nhiên giữa xã Măng Bút (Kon Tum) và xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Đến xã Đăk Tăng (Kon Plong), dòng Đăk Snghé bị chặn lại làm lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Vượt qua hồ, sông Đăk Snghé đổ dốc xuống huyện Kon Rẫy, gặp dòng Đăk Kôi từ hướng Tây nhập vào; sau đó tiếp tục hòa cùng dòng Đăk Pne từ hướng Đông. Từ đây con sông có tên gọi mới là Đăk Bla.

Hoàng hôn trên dòng Đăk Bla. Ảnh: Hoàng Thảo

Dòng Đăk Bla cứ rong ruổi giữa những ngọn núi, bãi bồi, bên nương rẫy theo hướng Đông – Tây như thông lệ. Thế nhưng, khi đến ranh giới giữa Kon Tum và Gia Lai, gặp suối Pơ Tơng từ phía Nam đổ về. Chừng như có điều không vui, nó quay ngoắt lại đổi dòng về phía Tây, bắt đầu chảy ngược. Có đoạn vòng lên phía Bắc, có đoạn xuôi về Nam, và điểm cuối cùng của Đăk Bla là nút giao với dòng Pô Kô tại thôn Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum) để trở thành sông Sê San, tiếp tục hành trình chảy về Campuchia. Di chỉ Lung Leng cũng là một địa điểm khảo cổ với trầm tích ngàn năm chứng minh bề dày văn hóa, lịch sử của người tiền sử ở Tây Nguyên.

Bên sông Đăk Bla. Ảnh: Hoàng Thảo.

Trải trên dòng thủy lưu dài 139km, có những đoạn Đắk Bla băng băng lướt trên sóng nước ngút ngàn, có những đoạn nặng nề trôi qua bãi cạn. Có đoạn lòng sông rộng mở, có đoạn thắt nút uốn lượn. Cứ thế, dòng sông đã bao đời nay chở nặng phù sa bồi đắp những ruộng nương, cho những hạt lúa hạt ngô bóng mẩy, rồi lại đem dòng nước ngọt mát nuôi lớn từng thế hệ bà con Bana, Xơ Đăng, Jrai, Rơ Ngao. Đăk Bla cũng là ranh giới tự nhiên giữa Kon Tum và Gia Lai suốt một quãng sông dài.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia sông Đăk Bla vốn chảy xuôi về hướng đông như bao dòng nước khác. Lúc bấy giờ giữa các bộ lạc Tây Nguyên thường xuyên xảy ra xung đột, trong đó có một ngôi làng người Jrai bên hữu ngạn phía thượng nguồn và một làng Bana bên tả ngạn phía hạ nguồn. Thế nhưng, một chàng trai Jrai và cô gái Bana lại đem lòng yêu nhau tha thiết. Cả hai đều biết tình yêu của họ sẽ chẳng bao giờ thành đôi. Đau lòng, họ hẹn nhau vào một đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình, đâm dao tự sát rồi nhảy xuống sông để cùng trôi về một miền đất khác, nơi không chất chứa thù hận. Dòng máu của chàng trai trôi về hạ nguồn phía Đông tìm người thương. Lạ kỳ thay, dòng máu cô gái lại bơi ngược dòng chảy về phía Tây để tìm chàng trai. Khi đến gần, cả 2 dòng máu cuộn vào nhau thành xoáy nước và cuốn luôn cả dòng sông cùng trôi về hướng Tây. Sáng hôm sau, dân làng 2 bên bờ rất ngạc nhiên khi thấy con sông đổi đục ngầu phù sa như màu máu đỏ và đổi dòng chảy sang Tây. Biết được sự việc, họ gạt bỏ hận thù, thề nguyện từ nay sống hòa thuận. Còn dòng sông mãi cứ thế như minh chứng cho một tình yêu son sắt của đôi trai gái.

Sông Sêrêpốk

Cùng với Đăk Bla, huyền thoại Sêrêpốk cũng chảy ngược từ Đông sang Tây lên hướng thượng nguồn, sang Campuchia, đổ vào Biển Hồ (Tonle Sáp), sau đó hòa với dòng Mê Kông ở Stungtreng. Từ đây xuôi theo dòng Mê Kông quay về Việt Nam rồi đổ ra biển lớn. Từ Việt Nam qua đến Campuchia, dòng chảy này dài đến 406km. Sêrêpốk cũng là dòng sông lớn thứ 2 ở Tây Nguyên, xếp sau sông Sê San.

Thượng nguồn sông Sêrêpốk là từ phía Tây của dãy Trường Sơn, nơi có sông Krông Nô (sông Đực, sông Cha) và Krông Ana (sông Cái, sông Mẹ). Gọi là sông Cha bởi dòng Krông Nô quanh năm sóng dữ đục ngầu, ầm ào chảy; còn con sông Mẹ thì hiền hòa êm đềm, nước xanh ngăn ngắt. Hai dòng sông này gặp nhau ở ngã 4 sông giữa huyện Krông Ana (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông), hợp thành dòng Sêrêpốk. Sinh ra ở đất Việt nên Sêrêpốk cứ quyến luyến quanh những núi đồi, thung lũng Tây Nguyên, chảy qua Vườn quốc gia Yok Đôn rộng 250 nghìn ha cả vùng lõi và vùng đệm. Sau khi thênh thang trên dòng nước dài 125km vắt qua lãnh thổ Việt Nam, Sêrêpốk mới chia tay tại biên giới, đoạn gần đồn biên phòng Sêrêpốk 743 (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) để vào Campuchia.

Thác D’ray Sap.

Không chỉ chảy ngược và là sông lớn nhất Đăk Lăk, Sêrêpốk còn kiêm luôn nhiệm vụ làm ranh giới tự nhiên giữa Đăk Lăk và Đăk Nông. Trên hành trình đi qua, nó để lại nhiều thác ghềnh quyến rũ như thác D’ray Nur (Đăk Lăk), thác D’ray Sap (Đăk Nông)… Sêrêpốk còn gánh trên mình đến 8 thủy điện lớn nhỏ.

-Việt An (Tổng hợp)-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

3 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *