Bến Lộ Diêu và huyền thoại tàu không số

Một ngày tháng 3/2025, xuân vừa đi mà hè còn mải rong chơi chưa tới. Cái nắng hoa mơ trong trẻo khẽ khàng đáp xuống tóc. Bầu trời ngăn ngắt xanh, không gợn chút mây. Tui chạy xe dọc theo tuyến DT639, cung đường ven biển đi qua các huyện của tỉnh Bình Định. Băng qua những vuông tôm, những xóm làng, những bãi cát trắng phau nằm dưới hàng dương rì rào phe phẩy. Cơn gió trong lành từ biển thổi vào mơn man đùa trên má, làm tung làn tóc rối. Đoàn xe dừng tại bến Lộ Diêu, nơi tập kết của con tàu không số hơn 60 năm về trước.

Bến Lộ Diêu được lựa chọn

Cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo dãy Trường Sơn mới đến vùng 3 biên giới, chủ yếu đảm nhận việc chi viện cho khu vực Tây Nguyên và vùng giáp ranh liên khu 5. Trong khi đó, phong trào cách mạng ở vùng đồng bằng ven biển liên khu 5 đã phát triển rất mạnh mẽ, đòi hỏi một lượng lớn vũ khí. Nắm bắt tình hình này, Bộ Tổng tham mưu đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu cách thức đưa vũ khí vào Khu 5. Nhiều phương án được đưa ra và khu vực bãi ngang thôn Lộ Diêu (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, Bình Định) hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Thôn Lộ Diêu nằm ở vị trí biệt lập với 1 mặt giáp biển và 3 mặt giáp núi, lọt thỏm giữa 2 con đèo ngắn nhưng khá dốc và có những khúc cua gấp là đèo Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) và đèo Hà Ra (xã Mỹ Đức, Phù Mỹ).

Phía trước bến Lộ Diêu là núi.

Không chỉ bến bãi phù hợp, đây còn là vùng có truyền thống cách mạng, tổ chức vững vàng, có lực lượng du kích bảo vệ an toàn cho việc tập kết vũ khí. Sau khi bàn bạc, Trung ương chỉ thị cho Bình Định thành lập Bộ phận chuyên trách chuẩn bị đón tàu không số, đặt tên là  HB15. Đơn vị này do đồng chí Trương Trọng Hạng – Tỉnh đội phó, tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Đồng thời, thành lập 2 đại đội, huấn luyện kỹ càng về chiến đấu, kỹ thuật công binh, quân giới. Tiếp đó, chuẩn bị hệ thống kho trên núi, đào hầm ngụy trang bảo đảm bí mật, không ẩm ướt và được trang bị đài 15W thường xuyên liên lạc với Bộ.

Đèo Hà Ra chặn ở phía Nam bến Lộ Diêu.

Bãi biển trải dài với hai cánh núi nằm xoài ra biển, vừa khuất gió vừa kín đáo, giúp tàu cập bến an toàn.

Hình thành đội tàu số hiệu 401

Tháng 7/1963, một đoàn công tác đặc biệt được thành lập với người phụ trách là đồng chí Trần Phi Khanh (Trần Ngọc Mỹ), quê ở Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định. Trước đó, đầu năm 1960, đồng chí Khanh được điều động từ 603 về Bình Định làm cán bộ tham mưu cho tỉnh đội; song thực ra là làm công tác chuẩn bị bến bãi cho tàu không số đưa vũ khí vào. Để ngụy trang, đồng chí tham gia vào ban cán sự phía nam huyện Hoài Nhơn và các xã Đông Bắc huyện Phù Mỹ với nhiệm vụ là cán bộ quân sự tham gia công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở. Các thành viên còn lại của đoàn còn có 3 đảng viên: Lê Văn Nốt (thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ), Phan Văn Kiệm và Phan Văn Khương (thôn Phú Thứ, xã Mỹ Đức).

Mất 4 tháng để đoàn công tác trên vượt Trường Sơn ra Hà Nội, báo cáo với Trung ương quá trình chuẩn bị bến bãi Lộ Diêu. Sau đó, các chiến sĩ được biên chế về Đoàn 125 HQ. Ngày 20/6/1964 đội tàu 401 được thành lập. Tàu 401 có trọng tải 35 tấn, đóng theo dạng tàu cá miền Nam, hệ thống máy móc trên tàu do Cộng hòa Dân chủ Đức viện trợ. Thủy thủ đoàn gồm 12 thành viên, gồm thuyền trưởng Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), chính trị viên Đặng Văn Thanh (quê Bình Thuận), thuyền phó Trần Phi Khanh và Trần Phấn (quê Bình Định) cùng 8 thuyền viên khác là Lê Văn Nốt (quê Bình Định), Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Trường Nam, Lê Quang Hiến, Phạm Văn Dợn, Trần Kim Hiền, Ngô Dần và Đặng Hồng Hoàng.

Lần giở những trang sử vàng của chuyến tàu không số 401

Mặt trước đài tưởng niệm bến tàu không số Lộ Diêu.

Ngày 14/9/1964, tàu 401 nhận lệnh từ miền Bắc lên đường vào Lộ Diêu để chi viện cho chiến trường Khu V. Tàu được đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam, chở 30 tấn vũ khí, 6 tấn chất nổ cùng 12 thuyền viên. Khoảng 18h00 đội tàu làm lễ xuất phát tại hội trường của Binh đoàn Bính Động (Hải Phòng). 4h50 phút ngày 15/9/1964, tàu xuất phát, khi tàu ra khỏi cửa Nam Triệu gặp gió đông bắc cấp 5, cấp  tràn về; ra đến đảo Long Châu gió lớn hơn, sóng to nguy hiểm nên buộc phải quay trở lại.

Mặt bên phải đài tưởng niệm bến tàu không số Lộ Diêu (hướng Nam).

Ngày 10/10/1964, tàu 401 xuất phát lần 2 nhưng lại gặp bão nên phải tránh trú vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đêm ngày 25/10/1964, Đài khí tượng thủy văn thông báo gió đã hạ, tàu 401 nhổ neo đi tiếp. Trên đường đi, tàu vẫn gặp sóng gió cấp 5 cấp 7, rồi 5 lần hỏng máy, có lúc bị thả trôi ½ giờ nhưng không ngăn được bước tiến của thủy trình. Ra hải phận quốc tế, tàu thuộc hạm đội 7 của Mỹ phát hiện tàu 401, chúng cho 2 máy bay theo dõi. Thế nhưng tàu 401 đã chuẩn bị sẵn từ trước, hạ buồm vắt lưới ngang như kiểu thuyền đánh cá của dân. Tuy nhiên, địch vẫn điều 2 tàu hải quân đóng ở Đà Nẵng bám theo. Anh em trên tàu 401 đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu và hủy tàu khi cần để vũ khí rơi vào tay địch và bảo vệ bí mật đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Mặt bên trái đài tưởng niệm bến tàu không số Lộ Diêu (hướng Bắc).

Trưa ngày 30/10/1964 tàu đang trên hướng vào bờ thì một máy bay địch bám theo, thuyền phó Trần Phấn cầm cờ “3 que” phát tín hiệu đây là thuyền đánh cá. Sau đó, máy bay bay vào phía bờ. Tàu 401 cũng nhận được điện báo từ Đoàn 125 rằng địch đang tổ chức càn ở Mỹ Thọ, cách bến Lộ Diêu chừng 20 km. Ngày 31/10/1964 đến vùng biển Bình Định thì trời mưa to, gió lớn, 2 tàu của địch bỏ cuộc. Tranh thủ cơ hội, tàu 401 cố gắng hướng vào bờ nhưng sóng lớn cứ đánh tàu dạt về phía Tân Phụng, Phú Mỹ. Khi phát hiện ra đang ở vùng biển Phù Mỹ lúc 3h sáng ngày 1/11/1964, tàu 401 tăng hết tốc lực hướng về Lộ Diêu, đến 4h sáng mới cập bến.

Mặt sau đài tưởng niệm bến tàu không số Lộ Diêu nhìn ra biển (hướng Đông).

Chuyện chưa dừng ở đó, phía trên bờ, để cẩn trọng, ta bố trí lực lượng gác 2 đầu đèo Lộ Diêu và đèo Hà Ra “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điện của cấp trên thông báo tàu 401 sẽ vào Lộ Diêu lúc nửa đêm, nhưng khi tàu cập bến đã gần sáng, tưởng tàu lạ nên anh em trên bờ báo động chuẩn bị đối phó. Rất may Bộ phận HB15 (đã đề cập ở trên) kịp quan sát thấy tàu mình nên phát tín hiệu đón tàu. Toàn bộ quân và dân nhanh chóng vận chuyển vũ khí lên bờ, đào hầm chôn tạm ở chân núi, đến 8h sáng mới xong. Trước đó, phần vì tàu đã hư hỏng nặng không thể trở ra, phần vì để nhanh chóng dỡ hàng xuống, tàu mở hết tốc độ đâm thẳng vào bãi cát. Xong việc, ta tháo máy tàu, đặt kíp nổ, đổ dầu đốt cháy tàu để phi tang dấu tích. Thuyền trưởng Phạm Vạn và báo vụ ở lại trên tàu đã hy sinh cùng tàu. Để đánh lạc hướng địch, ta loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh mắc cạn và bốc cháy. Cùng ngày, số vũ trí trên được chuyển về kho an toàn để cất giấu. Đây cũng là chuyến tàu không số đầu tiên vào khu 5 và là tàu duy nhất cập bến vùng biển Bình Định.

Đài tưởng niệm Lộ Diêu

Nằm ngay trên tuyến tỉnh lộ ĐT639, dưới chân đèo Lộ Diêu, di tích “Bến tàu không số Lộ Diêu” được quy hoạch rộng 15.000 m2 và khánh thành năm 2019. Trung tâm của di tích là đài tưởng niệm với bức tượng con tàu màu trắng no gió vươn khơi, mũi tàu hướng về Nam như nhắc nhớ về nhiệm vụ của những chuyến tàu không số năm xưa.

Lộ Diêu nằm giữa 2 con đèo ngắn ôm theo triền núi đá, đẹp và mát rượi.

Sau lưng đài tưởng niệm là biển Lộ Diêu, một vùng biển hoang sơ với bãi cát mịn màng và nước xanh rì. Băng qua mũi nhô đằng xa kia chừng hơn 3km là tới Mũi Gành Hoài Hải – một điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách dạo gần đây.

Đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển

Ngày 23/10/1961, Đoàn 759 vận tải thủy – đơn vị tiền thân Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân) được thành lập để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến giữa tháng 8/1962, Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” được thông qua, hình thành “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Để bảo đảm bí mật cho tuyến vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương. Tên gọi “Đoàn tàu không số” ra đời từ đó. Ban đầu là tàu vỏ gỗ, sau nâng cấp thành vỏ sắt tải trọng lớn từ 50-100 tấn. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí an toàn cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) vào ngày 16/10/1962. Sau thành công của những chuyến tàu vỏ gỗ, ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên đã đến Trà Vinh an toàn cùng 44 tấn vũ khí.

Suốt từ năm 1962-1975, Đoàn 125 huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Không chỉ băng qua hàng ngàn hải lý, vượt hơn 20 cơn bão, các con tàu không số còn chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 máy bay và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch. Thế nhưng, để giữ bí mật con đường chiến lược, nhiều tàu buộc phải phá hủy cùng những chiến sĩ vĩnh viễn hy sinh.

Hiện nay, tàu HQ 671 là con tàu duy nhất còn lại trong đoàn tàu không số. Cùng với hành trình tàu không số, HQ 671 đã đi 20 chuyến, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí, hàng hóa. Năm 2018, tàu HQ 671 được công nhận bảo vật quốc gia.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *