Hồi nhỏ, nhà có một kho sách. Nói cho oách thế thôi chứ đó chỉ là căn phòng bé xíu chừng 3.5m2, chứa toàn sách là sách. Mình hay chui vào đấy, lục lọi tìm những quyển giấy đen xỉn, nhiều tờ bìa đã bị mọt ăn rồi ngồi nhấm nháp từng con chữ li ti dưới ánh đèn vàng vọt. Mỗi lần má thấy lại la “Trời ơi, ra ngay, sục sạo cái gì trong đấy, bụi bặm”. Vậy nên lần nào đi tìm sách cũng phải rón rén đóng cửa lại, thật rón rén. Đến giờ vẫn không hiểu tại sao cái mùi ngai ngái và ẩm mốc lâu ngày của giấy lại quyến rũ đến thế. Chắc có lẽ hồi đó không điện thoại, không internet, quanh quẩn toàn nhai sách và báo Thiếu niên tiền phong, Nhân dân, Lao động… các thể loại. Và cũng nhờ thế mà mình phát hiện ra “Dưới tán lá rừng” và “Ở nơi biển cả” của nhà văn Hoàng Xuân Vinh. “Dưới tán lá rừng” được xuất bản lần đầu vào năm 1986, và sau đó một năm là “Ở nơi biển cả”. Hơn 160 trang giấy của mỗi quyển sách là bước chân phiêu lưu lên rừng xuống biển của anh Thành và em Hạnh. Với một thế giới của ngày xưa chỉ toàn “du lịch qua màn ảnh nhỏ” thì đây là những phác họa vô cùng đặc sắc và hấp dẫn. Nó không phải là quyển sách sinh học trên lớp với ngôn từ khô như ngói mà là sự háo hức tò mò khám phá thiên nhiên xung quanh.
Ừ, giờ thì mình đã biết cái chân đi của mình bắt nguồn từ đâu, chắc chắn là từ những quyển truyện ngày ấy dụ dỗ. Theo chân hai anh em Thành – Hạnh sải bước trên con đường mòn dẫn vào khu rừng già, vén lùm lá dày đặc phủ kín những gốc cây cao sừng sững, nghe tiếng gió rì rào bên tai, rồi ngẩn ngơ nhìn một chú hoẵng mắt đen tròn chạy vụt qua, có ai mà không bị kích thích máu phiêu lưu trong mỗi người cơ chứ. Ở đó, mình còn gặp lại lũ kiến đang chăn “bò”, đám ong mật cần mẫn dưới nắng vàng óng ánh, hay lũ rùa 4 mắt, rùa hộp thơ thẩn bên bờ suối. Thật sự, một đứa “nông dân cày đường nhựa” chính hiệu như mình đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi thế giới “Dưới tán lá rừng”.
Ở đó, mình còn gặp Vện Ốc và Tườu Ngộ. Suốt dải rừng Trường Sơn, chú chó nhỏ Vện Ốc cứ quấn quýt bên Hạnh, những đêm đi săn hươu xạ, bắt rùa suối, rồi bị đàn kiến di cư đuối chạy bán sống bán chết, còn cả lần mất tích ở chóp núi. Đến mùa hè năm sau khi xuống biển, Vện Ốc ở lại nhà, chỉ có con khỉ con Tườu Ngộ là đi theo. Cứ thương hoài đoạn “Giá như, Giá như” trong “Ở nơi biển cả”, khi con trăn lớn siết chặt lấy Tườu Ngộ, bỏ lại Hạnh với tiếng hét thất thanh và bàn tay với hoài không tới. Mỗi lần đọc là một lần tốn nước mắt.
Nhưng sau này, mình mới ngẫm ra, tiếng “Giá như” chỉ để an ủi tinh thần chút thôi, bởi nước mắt không làm ta lớn khôn thêm. Cuộc sống còn nhiều trúc trắc, làm sao mà “giá như” hoài được. Vậy nên, cứ thẳng lưng lên, toét miệng cười và đi tiếp thôi.
-LVA-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |