[Sách] Cái Tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi)

“Cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia”, “Dưới tán lá rừng”, “Ở nơi biển cả”, “Cái Tết của Mèo con” là những câu chuyện ấn tượng với tui nhiều đến nỗi, sau này câu chữ cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí bây giờ, khi đọc “Phù thủy xứ Oz”, “Nếp gấp thời gian”, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”… vẫn không thể tìm được cảm giác khoan khoái năm nào.

Từ 1 mẩu trích ngắn cũn trong sách văn phổ thông, đến 1 bản hoàn hảo trên tập giấy mỏng teng đen đen, sau đó là quyển truyện nhỏ bằng nửa lòng bàn tay, bìa cứng, giấy trắng phau; không biết tui đã nhấm nháp “Cái Tết của Mèo con” bao nhiêu lần. Thế mà vẫn thích.

Đó là một câu chuyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Thi kể về chú mèo đáng yêu của em Bống. Miu xuất hiện ngay trong những trang sách đầu với vẻ bé bỏng, ngơ ngác, đôi mắt xanh hấp háy sợ hãi. Với Miu, cái gì cũng lạ, một âm thanh vang lên cũng khiến cậu giật thót mình. Ấy thế mà ngay đêm đầu tiên rời vòng tay mẹ về nhà mới, Miu phải đối mặt với lão Chuột cống vừa cao to đen hôi vừa dữ dằn cùng lũ chuột nhắt hung hăng. Ban đầu, Miu nép vào sát vách, thu nhỏ mình, run lên vì sợ. Nhưng càng chứng kiến sự lộng hành của lũ chuột, Miu càng thấy xấu hổ và tức giận vì sự bất lực của mình. Mỗi ngày trôi qua, Miu dần quen với bác Nồi đồng, chị Chổi trong nhà; cây cau, cậu Cóc tía ngoài sân. Miu dạn dĩ hơn, thậm chí còn dũng cảm đánh nhau với rắn hổ mang, cứu được rổ trứng của chị gà mẹ. Từ chiến công đầu tiên đó, cậu thuyết phục được bác Nồi đồng và chị Chổi vượt qua nỗi sợ hãi, cùng nhau đánh lại đám chuột xấu xí, đón một cái tết mới ấm cúng, đầy niềm vui.

Tui vốn không nhớ được bài học về lòng can đảm toát lên từ câu chuyện, chỉ đọng lại khung cảnh sống động của góc sân, chái bếp. Nhắm mắt lại, sẽ nghe văng vẳng tiếng bùng boong của bác Nồi đồng, tiếng loẹt xoẹt của chị Chổi, giọng non nớt của chú Mèo con hay cái âm đục khàn hống hách của lão Chuột cống đen hôi… Chớp mắt thật nhẹ, sẽ thấy hiện lên khoảng sân rộng với những giọt nắng vàng tung tẩy, mấy chú gà con chiêm chiếp xúm xít bên cối xay thóc, cây cau lắc lư rì rào trên cao, còn chị Chổi thì đang chống nạnh cong tớn lên với Mèo con. Không hiểu sao, cứ đọc đến đoạn này, trong đầu tui sẽ hiện lên cái sân gạch nâu nâu xỉn màu ở nhà ngoại, cái cổng cót két có cũng như không, và cái chõng tre dưới tán cây xanh mát trong vườn. Từ hồi lớp 1 tới giờ, tui chả còn thấy nó nữa. À, đơn giản vì ông bà ngoại chuyển nhà khác rồi, khà khà.

Tui cũng không hiểu bác Nguyễn Đình Thi có tẩm chất gây nghiện nào vào tác phẩm hay không, mà sau này mình rất thích thủ pháp nhân hóa. Mỗi nhân vật được thổi hồn cực kỳ sống động, có suy nghĩ, có yêu ghét như con người bình thường. Nhờ đó, cách nhìn thế giới xung quanh của tui cũng trở nên đa dạng và mềm mại hơn.

– Việt An – 

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *