[Sách] Những cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia (Yan Larri)

“Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia là một tiểu thuyết nổi bật dành cho thiếu nhi của nhà văn Nga – Yan Leopoldovich Larri (1900-1977), xuất bản năm 1937. Năm 1978, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với nhiều kỹ xảo ấn tượng tại thời điểm đó, và sau đó là phim hoạt hình dài 28 tập vào năm 2008. Truyện gồm 17 chương, kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của hai anh em Karik và Valia cùng bác giáo sư Ivan Enotov sau khi uống thuốc thu nhỏ do bác giáo sư sáng chế ra. Ở đó, cả ba trong cơ thể tí hon đã có dịp chứng kiến thế giới tự nhiên xung quanh với đầy ắp những ngạc nhiên và thú vị.

Một số trang bìa bằng tiếng Nga

Hai bạn nhỏ Karik và Valia đã kéo mình vào cuộc phiêu lưu cực kỳ hấp dẫn từ những năm đầu cấp 2, nên khi cậu con trai đủ tuổi có thể nghe hiểu, mình đã dụ dỗ cậu chàng đi theo ngay lập tức. Hơn 25 năm sau lần đọc đầu tiên mới được gặp lại anh chàng Karik và cô em gái Valia, nhưng những gì mà nhà văn người Nga – Yan Larri – để lại vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ vô cùng. Không còn phải dán mắt vào những dòng chữ ti hí trên trang giấy nâu đen, thô ráp, gáy thì long hết cả ra do xem đi xem lại quá nhiều lần; nhưng vẫn vẹn nguyên cái cảm giác hồi hộp, thích thú như ngày trước. Kể ra thì truyện khá dài so với tuổi của mình ngày đó, những gần 300 trang giấy. Cơ mà mình khoái đọc truyện dài vì được lăn lê bò toài cả ngày với câu chuyện. Có thể đọc một đoạn rồi ngẩn ra cười phớ lớ, tưởng tượng mình là nhân vật trong đó. Đọc xong dư âm vẫn còn âm ỉ, thế mới sướng. Nó khác hẳn cảm giác khi đọc truyện ngắn hay tản văn, tâm trạng cứ bị lửng lơ, hẫng hụt.

Đúng như tên gọi, “Cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia” dẫn mình vào một chuyến chu du hấp dẫn của những người tí hon. Hồi nhỏ, thế giới của mình thấm đẫm những câu chuyện cổ tích, từng ước lớn lên như Gulliver, hay nhỏ xíu lại như Alice để xem xứ sở ấy diệu kỳ như thế nào. Vậy nên khi gặp Karik và Valia, mình thích mê. Hai bạn nhỏ cùng bác giáo sư Ivan đã dẫn dắt người đọc phiêu lưu khắp nơi với đầy đủ cung bậc ngạc nhiên, sợ hãi, vui mừng… Quan trọng là, dù thế giới bên ngoài có hấp dẫn hay đầy thử thách kinh khủng đến thế nào đi chăng nữa, thì nỗi khát khao “về nhà đi con” vẫn chiến thắng tất cả, giúp hai bạn nhỏ quẹt nước mắt đứng lên tìm đường về với mẹ. Thế mới thấy, “gia đình là số một” – Tây hay Ta cũng thế nhỉ.

Karik và Valia còn đưa mình lạc vào thế giới của cỏ cây hoa lá, mở ra lời giải đáp về vô số hiện tượng trong thiên nhiên. Chẳng biết vì ưa tỉ mẩn ngồi xem cái cây mọc mầm ra sao, từng nụ hoa bé xíu bung cánh khi nào… mà mình mê quyển này. Hay vì truyện mà mình bắt đầu biết yêu thế giới thực vật. Kệ, chẳng cần biết do đâu, chỉ cần vì yêu mà đến, thế là được rồi. Ở đó, lần đầu mình nghe kể về loài hoa ăn thịt; thì ra có những thứ đẹp đẽ đến vậy nhưng nguy hiểm vô cùng – mật ngọt chết ruồi là có thật mà. Cũng có loài bọ rầy chuyên bám vào ong mật để ăn ké mật ong – cái này bây giờ na ná free-rider đấy phỏng. Còn cả đàn bò mà những chú kiến đêm ngày chăm sóc nữa. Nó chứng tỏ cuộc sống cộng sinh luôn hiện hữu trong tự nhiên, và cả trong thế giới loài người. Ai mà chả một lần phải dựa vào người khác. Bởi thế, diễn vai “người phán xử” là dễ bị nghiệp quật lắm à.

À mà bạn muốn biết “đàn bò” ấy là gì không? Mở truyện ra đọc nhen.

-LVA-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *