[Sách] Mùa hè không tên (Nguyễn Nhật Ánh)

Cuối cùng thì “Mùa hè không tên” cũng đã ra mắt trong một ngày thu là đà trên ngọn cây trước ngõ. Đó là truyện dài mới tinh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vừa lên kệ hôm tuần trước. Tại sao lại “không tên” thì “Tôi định gọi nó là Mùa hè chia tay, Mùa hè ưu tú, Mùa hè định mệnh, hay sến sẩm một chút là Mùa hè có mây tím bay nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là Mùa hè không tên.” (Nguyễn Nhật Ánh).

Cái tên Đo Đo một lần nữa xuất hiện trong danh sách những tác phẩm của bác Ánh. Bạn có biết Đo Đo ở đâu không, “Đo Đo ở quán Gò đi lên” (truyện dài Quán Gò đi lên). Nơi đó có thằng Khang, con Nhàn, thằng Túc, thằng Đính, thằng Chỉnh… học cùng lớp 5 trường làng. Câu chuyện diễn ra qua lời kể của Khang, một thằng bé rất đỗi bình thường, không quá hiền và cũng không quá nghịch. Nó thích chơi với con Nhàn hàng xóm, phần vì Nhàn hay chia đồ ăn với nó. Nhàn khá dịu dàng nhưng không dễ dụ, bằng chứng là nó rất phũ với thằng Chỉnh dù Chỉnh bày nhiều trò để thu hút sự chú ý của con bé. Bên cạnh nhà Khang còn có thằng Túc, nhà nghèo nhất làng, rất hiền lành, chăm học và lại còn hiểu chuyện. Chuyện xoay quanh đám con nít với những điều nho nhỏ ghi trên tờ giấy giấu giấu diếm diếm nhét trong hốc cây. Đó là bí mật giữa thằng Túc và thằng Đính; Là sự hụt hẫng của cậu Châu khi chấp nhận chơi lớn ở lại lớp 2 năm để theo đuổi chị Thìn, ai có dè xôi hỏng bỏng không; Là chuyện con Hội cứ kiếm cớ xà nẹo thằng Khang; Hay chuyện tụi nó cứ thích cô giáo ốm để đến thăm cô, vì nhà cô có vườn trái cây trĩu nặng quả…

79 mẩu chuyện nhỏ, chuyện này vắt qua chuyện kia nối thành một truyện dài. Cái duyên dáng trong cách viết là ở chỗ cứ cuối mẩu chuyện trước sẽ cài cắm ý nào đó của chuyện sau, nên chúng cứ nối liên tục với nhau mà mạch cảm xúc không bị đứt quãng. Người văn vẻ thì sẽ mô tả nó như một liên khúc thú vị. Còn kẻ nhiều chuyện như tui thì sẽ cười phớ lớ “Trời, nó giống y xì cách tụi tui tám chuyện, hết chuyện này qua chuyện khác, đổi chủ đề xoành xoạch cho đến khi ba má gọi về ăn cơm mà chuyện vẫn còn dang dở”.

Và câu chuyện của thằng Khang cũng không ngoại lệ. Nó cắt ngang vào cái ngày “Sau mùa hè tiểu học đó, trên chiếc xe gắn máy của ba tôi lăn bánh chở đứa con trai bé nhỏ của ông ra thị trấn, cả tuổi thơ tươi đẹp đều bị bỏ lại sau lưng”. Mùa hè không tên dừng ở đó, khép lại một bầu trời tuổi thơ trong ký ức thằng Khang.

Cuối quyển sách, tác giả dành ra phụ lục gồm cả văn và thơ đan xen. May mắn là, bác Ánh đã viết tiếp đoạn kết của mùa hè năm ấy khi tất cả nhân vật đều trưởng thành. Vẫn là kết mở như nhiều năm trước, nhưng nó trọn vẹn và ấm áp hơn, để những tiếc nuối của quá khứ được khép lại trong ánh mắt cười.

Ảnh: Chí Dũng

Vẫn như trước đây, truyện của bác Ánh rất sáng, rất lạc quan. Có những hoàn cảnh nghèo khổ, tội nghiệp. Nhưng khung cảnh của bác Ánh chưa bao giờ là một bức tranh u ám. Những đứa trẻ cứ hồn nhiên mà lớn, bởi trong tụi nó, hết đêm rồi lại ngày, hết mưa rồi lại nắng và cứ đi về phía mặt trời là sẽ thấy ánh sáng. Những chiêm nghiệm về cuộc sống cứ nhẹ nhàng len lỏi trong từng câu chữ, không hề mang tính giáo điều. Thêm một điểm nữa tui thích trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh là “độ khờ” và “độ phũ”. “Khờ” bởi đây là truyện dành cho thiếu nhi. Và trong nhiều phút đang lãng mạn hoặc đang xúc động hết sức sẽ là những câu nói quay xe, bẻ lái tưng tửng rất phũ mà vẫn tự nhiên, khiến người ta không thể nhịn cười. Kiểu như đang đoạn chia tay sến sẩm với nhành cây trứng cá như chứng nhân hẹn hò, thằng Khang gào lên với con Nhàn “Mày đừng bẻ nữa, kẻo tụi nó trụi lủi hết bây giờ”.

Nét vẽ nguệch ngoạc, tưng tửng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường vẫn là điểm nhấn không thể thiếu trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thế nhưng đọc “Mùa hè không tên”, tui lại nghĩ đến tuổi thơ của mấy đứa nhỏ Gen Z++.

Mới dạo gần đây thôi tui vẫn còn hay bĩu môi mấy đứa nhỏ bây giờ không có tuổi thơ. Nhưng giờ thì tui nghĩ khác, thật ra ai cũng có tuổi thơ của riêng mình. Ngày xưa tui mê mẩn con búp bê múp míp, má đỏ hây hây, biết chớp chớp mắt như em bé thì mấy nhỏ bây giờ lại chuộng búp bê Barbie dáng siêu mẫu căng đét. Ngày xưa tụi tui đu theo Mario hái nấm hay game xếp gạch thần thánh thì giờ đám nhóc chơi liên quân hoặc những game nhìn vô là hoa hết cả mắt. Ngày xưa ơi của tụi tui là là những ngày xé giấy dán diều, để chiều chiều “có cánh diều chao hững hờ, vi vút sau rặng tre”. Đến trung thu là thi nhau làm lồng đèn giấy, ngôi sao, lồng đèn lon sữa bò rồi kéo lê la khắp phố. Tụi nhỏ bây giờ vẫn ham hố thả diều, chơi lồng đèn, có điều tụi nó không còn tự làm như hồi xưa.

Chỉ có khác là một thời khốn khó trước kia đã khiến người ta biết cách chịu khổ nhiều hơn; đám trẻ bây giờ thì ngược lại nhưng bù vào đó, nó rất nhạy bén với công nghệ số. Tụi nó xài máy tính, điện thoại xịn vãi dù có khi chưa học tiết công nghệ nào; hoặc bắn tiếng Anh như gió; bắt trend tiktok nhanh như điện; nói chuyện vũ trụ như chuyên gia và thuyết trình về vấn đề nào đó lại rất chỉn chu ra dáng người lớn.

Bởi thế, đừng vội cười rằng ai đó không có tuổi thơ. Chỉ là tuổi thơ từ nhiều góc nhìn mà thôi.

Vậy nên tui không biết Mùa hè không tên có tạo được sức hút như các tác phẩm đi trước hay không. Ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh vẫn hồn nhiên như thế, vẫn đủ sức đưa bạn đọc vào thế giới trên trang giấy. Nhưng những kỷ niệm mà ông kể lại dường như khá xa với sắp nhỏ bây giờ; có lẽ nó chỉ còn trong ký ức của 8x trở về trước. Vì vậy tui cứ băn khoăn là tụi nhỏ có hình dung được tuổi thơ thiếu thốn ngày xưa mà tuổi thơ tác giả đã từng trải qua hay không. Hay như tui, dù từng ăn cơm độn thời bao cấp, vẫn không mường tượng được những ngày má tui ôm bụng đói gánh củi trong rú về, hay vì thèm thuồng quẹt nồi thịt kho mà bị bà ngoại rượt chạy 3 cánh đồng; hoặc cậu tui lạnh quá mà đốt rơm để sưởi sém cháy nhà. Hay đến thời của tui là cái tivi trắng đen cọc cách thường bán vải sọc, phải đập mấy phát mới chạy lại bình thường. Câu chuyện ấy giờ kể lại là những tràng cười ngặt nghẽo của những mái đầu bạc và xanh; chứ ngày xưa có bao nhiêu khốn khó – thì khó lòng cảm nhận được một cách rõ nét.

Vậy nên tui vẫn thích giá như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển ngòi bút của mình đến thì hiện tại một chút. Cũng là câu chuyện liên tu bất tận của đám trẻ con, nhưng là đám trẻ bây giờ. Lúc đó độc giả nhí sẽ tìm thấy hình ảnh của mình, còn độc giả lớn thì có thêm góc nhìn mà hiểu con cháu hơn. Biết đâu được nhỉ.

Tui còn có cái tật hay viết cảm nhận rồi kẹp vào sách. Vì thế tui nghĩ giá mà các nhà xuất bản thêm vào 1 trang giấy trắng cuối sách để người đọc có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình; đó có thể sẽ là bước khởi đầu cho những tác giả mới trên văn đàn. Biết đâu được nhỉ.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *