Cây sộp

Trường tui có một cây sộp già. Chà, nghe cứ mang hơi hướm các bài tập làm văn mẫu lúc nhỏ dữ chèn. Nhưng thật sự trường tui có một cây sộp già. Không biết nó đã ở đó từ khi nào, chỉ biết với vòng thân to sụ như thế thì bét ra cũng vài chục năm. Hồi xưa nó im ắng lắm, nhưng vài năm gần đây trở nên hot rần rần bởi vẻ đẹp của những ngày cây thay lá.

Thật sự, sộp đẹp nhất là mùa lá lên cây. Một năm nó có thể thay lá nhiều lần. Cứ khi nào trời trở lạnh, sộp rụng lá hàng loạt, chỉ còn trơ lại thân cành khô khốc. Chờ đến khi cơn gió buốt khẽ khàng trôi qua, cái nắng nồng nàn chuẩn bị tràn tới. Bất chợt một ngày, lúc chẳng ai để ý, cây bật chồi tua tủa, từng lớp từng lớp lá non mướt mát phủ kín.

Cây thay lá – hình chụp vào tháng 11/2022.

Đám lá ấy ban đầu ửng sắc đỏ, sau ngả vàng như cây chuẩn bị thay lá. Nhưng đó không phải là sắc vàng úa của sự héo tàn, mà là màu óng ả của tuổi non phơi phới. Chỉ cần có nắng chiếu vào, nó sẽ phảng phất màu vàng sáng. Nắng càng ngọt thì vàng càng tươi. Và cũng lúc ấy, người ta bắt đầu rật rật chụp hình check in các kiểu.

Cây thay lá – hình chụp vào tháng 2/2025.

Nhưng trước đó, khi những búp non hồng hồng bắt đầu nhú lên, rón rén xòe lá vươn ra khỏi lớp vỏ trắng hồng như đôi má người thiếu nữ trong nắng, nó đã đầy vẻ quyến rũ rồi. Với tui, đây là lúc cây sộp ấn tượng nhất chứ không phải đoạn lá chuyển vàng sau đó vài ngày.

Đám chồi non bám vào nhau, cuộn tròn mình trong những búp lá cỡ bằng ngón tay, màu hồng đậm, đôi khi là đỏ tía. Chúng lớn nhanh như thổi, vượt ra khỏi búp bao chồi, chuyển thành màu hồng nhạt. Đám búp bao này cũng cũng sớm rụng sau khi đã làm xong nhiệm vụ bảo vệ lá non.

Đám búp bao bên ngoài hồng đậm, bên trong trắng hồng, xinh như những đài hoa bao lấy lá non.

Chừng vài ngày, lá lại lớn thêm chút nữa, chuyển sang màu xanh vàng, non mướt thu hút bao ánh nhìn. Năm nào mà thời tiết lạnh kéo dài, nắng không xua tan nổi mây thì sắc vàng được níu giữ lại lâu hơn. Năm nào nắng rót mật khắp chốn thì màu vàng ấy chỉ giữ độ 2 3 ngày là hết. Lá chuyển xanh non rồi thành xanh đậm.

Cây cũng có thể thay lá vào giữa hè – hình chụp cuối tháng 5/2023.

Lá là loại lá đơn mọc so le nhau. Phiến lá mỏng hình trứng, dài khoảng 10cm, nhọn ở phần đầu, có đám gân màu trắng rõ rệt ở mặt trên và nổi lên ở mặt dưới. Người ta bảo rằng ngắt đọt non cho vào dĩa rau sống để ăn bánh xèo thì tuyệt cú mèo.

Sộp còn gọi là cây Trâu cổ, Vảy ốc. Tên khoa học là Ficus superba Miq, họ Dâu tằm (Moraceae). Thông thường cây cao 5-6m nhưng vẫn có thể hãm làm cây bonsai. Rễ phụ của cây thì ôi thôi rồi là nhiều, cứ tua tủa từ thân và cành rũ xuống dưới đất.

Nhìn đám rễ bám chằng chịt quanh thân như bây giờ thì khó thể phân biệt đâu là thân chính, đâu là rễ nữa rồi.

Hoa sộp thường mọc thành cụm dạng chiếc nón ngược, cuống rất ngắn đến nỗi gần như không có. Nhưng nói thiệt là lần nào tui cũng bị lố không kịp chụp hoa, phần vì cây cao quá không chụp tới. Quả sộp mọc chi chít khắp thân cành như kiểu cây sung, nhưng quả nhỏ hơn nhiều, to hơn đầu đũa một xíu. Quả non màu trắng, chín chuyển hồng rồi nâu đen.

Quả sộp.

Dược tính: À đến đoạn này thì tui chỉ tham khảo chứ không khuyến khích bà con làm theo nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ nhen. Người ta nói rằng cây sộp có khá nhiều dược tính. Lá có tính mát, vị chua chát; dùng để giải độc, mụn nhọt, tiêu thũng… Quả có vị ngọt, tính mát; dùng chữa tắc tia sữa, viêm tinh hoàn, kinh nguyệt không đều… Thân và rễ có vị đắng, tính bình; dùng giải độc, phong thấp, ung nhọt, hoạt huyết,…

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *