Cây sang

Có bao giờ bạn nghĩ loài sao biển biết leo cây ? Có nhen. Từ khoảng tháng 5 trở đi, nếu đi dạo dọc phố Điện Biên Phủ đoạn gần hoàng thành Thăng Long, hay Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm (Hà Nội), sân trường NEU, hoặc nhiều nơi khác, ngước lên cao bạn sẽ thấy từng chùm sao biển đỏ tươi đang lắc lư trên cây. Giỡn xíu thôi, không phải sao biển đâu, mà đó chính là quả của cây sang. Hồi tui thấy ẻm lần đầu tiên vào năm 2019, tui ngỡ ngàng vì dáng hình quá đặc biệt và đẹp ấn tượng.

Hàng cây sang trên phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Gươm, gần phở Thìn Bờ hồ.

Cây sang còn gọi là cây sáng sé, sáng sảng, trôm mề gà, trôm lá mác, trôm thon, che van, mác noạng. Tên khoa học là Sterculia lanceolata. Thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Một số nhà vườn giải thích “sang” nghĩa là “giàu sang”, nên đây là cây phong thủy, mang đến sự thịnh vượng cho gia chủ. Trời đất, tui cực kỳ hông thích cái kiểu đặt tên cho màu mè hoa lá hẹ rồi gán ghép tùm lum như vậy cốt chỉ để bán được hàng. Tội cho cái cây.

Sang là loại cây thân gỗ, rễ bám sâu vào đất giúp thân thẳng đứng, khá cao, tầm 5-10m. Các cành nhánh vươn dài, đan vào nhau tạo ra tán lá rậm rạp, mát mẻ. Lá đơn mọc so le với nhau; Phiến lá thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Lá to và thô nhám kiểu như lá bằng lăng. Cây sang thường rụng lá vào mùa đông, đến mùa xuân sẽ đâm chồi nẩy lộc xanh mướt.

Ngược với cái tướng to cao của thân và lá, hoa của cây sang lại khá nhỏ. Những cành hoa mảnh dẻ mọc ra từ nách lá rồi tiếp tục phân thành nhiều nhánh nhỏ hơn. Trên mỗi nhánh đính khoảng 1-5 bông hoa nho nhỏ chỉ cỡ đầu ngón tay út, mỗi bông xòe ra 5 cánh như ngôi sao.

Tui không biết tả màu hoa như thế nào vì nó là cung bậc xen giữa màu trắng ngà và hơi vàng mỡ gà. Sắc vàng mong manh bé xíu đó lại cứ ngả ngớn đùa theo cơn gió, làm tui đứng chụp toát mồ hôi hột mà không cách nào lấy nét được. Các chuyên gia thực vật kể rằng cây sang có cả hoa đực lẫn hoa cái. Hoa cái có bầu nhiều lông, hình cầu; Hoa đực có cuống, bộ nhị không lông, bao phấn xếp 2 dãy. Tui thì chịu, không phân biệt được.

Hoa sang bung nở vào khoảng tháng 4. Đến khi nắng hè chạm ngõ, từ tháng 5 trở đi những quả sang đã rộ kín cây. Điều thú vị là hoa và quả sang có hình dáng giống nhau, chỉ khác về kích thước. Hoa sang có 5 cánh và quả cũng vậy, có điều quả to hơn gấp vài chục lần. Quả sang to cỡ bằng bàn tay xòe hết cỡ, có hình ngôi sao 5 cánh. Mỗi cánh khum khum bao kín lại, bên ngoài là lớp lông nhung tơ mịn màng. Quả chúc xuống dưới, gắn với thân cành bằng cuống quả, nên chỉ cần mỗi cơn gió thổi nhẹ qua là đám quả lại rung rinh, khúc khích cười. Quả non có màu vàng chanh, khi chín chuyển sang đỏ cam tươi cực kỳ đẹp mắt, nổi bật trên nền lá xanh mướt mát. Nhìn từ dưới lên, nó giống những con sao biển đang túm tụm chuyện trò; lại cũng giống cả dàn lồng đèn trung thu đang thắp nến rực rỡ.

Quả cây sang khi còn non mang màu vàng tươi rói.

Trong quả là đám hạt xếp đều đặn, mỗi cánh của ngôi sao có khoảng 4-7 hạt hình trứng dẹt. Hạt non có màu trắng sữa và chuyển màu đen khi già. Tầm giữa hè, quả sang bắt đầu chín, mỗi cánh tách ra làm hai, xòe hết cỡ để lộ ra đám hạt đen bóng. Điều thú vị là nó không rụng mà vẫn bám vào quả. Vậy nên nhìn lên cây là một bức tranh đủ sắc màu xanh, vàng, đỏ, đen lấp loáng trong nắng. Hạt sang già đem rang vàng lên rồi ăn có vị bùi bùi.

  • Góc nhỏ: Nếu bạn từng thấy quả trôm – loài cây mà người ta hay lấy mủ trôm làm nước giải khát – thì quả cây sang cũng na ná vậy. Tuy nhiên mỗi cánh của quả trôm tròn đầy, còn quả sang thì dẹt hơn. Hoa của 2 loại này thì hoàn toàn khác nhau.

Về tác dụng, vỏ cây sang được dùng để chữa mụn nhọt, sưng tấy bằng cách giã nát với muối rồi đắp lên vùng bị thương. Người Trung Quốc còn sắc vỏ cây lấy nước uống để chữa khí hư.

Người ta nói rằng cây sang mọc phổ biến ở nhiều vùng rừng núi, trung du phía Bắc kéo dài tới Ninh Thuận. Ở Hà Nội thì cây sang được trồng trên nhiều tuyến đường để tạo cảnh quan và lấy bóng mát. Ở Quy Nhơn, tui thấy cây sưa vàng, cây kèn hồng đã được đưa vào trồng trang trí cảnh quan đô thị trên nhiều tuyến đường nhưng chưa thấy cây sang. Hơi tiếc ha.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *