Đến Huế, ngoài những công trình kiến trúc ấn tượng, có một nơi điểm đến mà bạn đừng nên bỏ qua, đó là các làng nghề truyền thống. Một trong số đó là làng hương Thủy Xuân.
Làng hương Thủy Xuân ở đâu?
Làng hương Thủy Xuân nằm trên đường Huyền Trân công chúa, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6.5km (điểm mốc vẫn là cầu Tràng Tiền nhé). Từ cầu Tràng Tiền chạy dọc theo đường Lê Lợi => đến ngã tư Lê Lợi – Điện Biên Phủ thì rẽ trái vào đường Điện Biên Phủ => đi miết hơn 2km đến ngã ba đường Điện Biên Phủ – Lê Ngô Cát – Ngự Bình (trước đàn Nam Giao) thì rẽ phải vào đường Lê Ngô Cát => chạy hết đường Lê Ngô Cát (khoảng 2.5km) sẽ thấy đường Huyền Trân công chúa. Làng hương nằm ngay bên tay trái.
Dọc con đường này có rất nhiều nhà tạo tiểu cảnh để bạn chụp hình nên cứ thoải mái đi tiếp nếu thấy các nhà đầu tiên đông khách nhé bạn.
Vẻ đẹp của làng hương Thủy Xuân
Thủy Xuân là làng làm hương (nhang) lớn nhất xứ Huế với tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều người cho rằng nghề truyền thống này có từ thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19). Nghề hương trầm Thủy Xuân đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định số 3192/QĐ-UBND ngày 06/12/2021.
Góc nhỏ:
- Nhiều thông tin cho rằng Thủy Xuân là làng nghề đã 700 năm tuổi. Cá nhân tui chưa kiểm chứng được thông tin này nên không khẳng định trong bài viết.
- Làng Thủy Xuân có thể đã hình thành từ khoảng 700 năm trước, từ khi Huyền Trân công chúa gả đến đất Chiêm Thành vào tháng 6 năm Bính Ngọ 1306. Công chúa Trần Huyền Trân (1287-1340) là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên húy là Trần Khâm, trị vì giai đoạn 1279-1293. Vua Trần Anh Tông (1276 – 1320) tên húy là Trần Thuyên, trị vì 1293-1314.
- Trước đó, năm 1301, trong một chuyến công du đến đất Chiêm thành, vua Trần Nhân Tông đã hứa gả một vị công chúa cho vua Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân đã dâng lên 2 châu là châu Ô và châu Rí (châu Lý) làm của hồi môn. Năm 1307, nhà Trần đã đổi tên châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa. Thừa Thiên Huế là một phần lớn của châu Hóa. Đến đời Lê, năm Bính Tuất 1466, vua Lê Thánh Tông tổ chức cải cách hành chính. Theo đó hình thành 13 đạo Thừa tuyên trong cả nước, trong đó có Thừa tuyên Thuận Hóa; đổi lộ thành phủ, trấn thành châu. Các chức quan Chuyển vận thành Tri huyện, Tuần sát thành Huyện thừa, Xã quan thành Xã trưởng. Thừa tuyên Thuận Hóa được tổ chức thành phủ Tân Bình (gồm 2 huyện, 2 châu) và phủ Triệu Phong (gồm 6 huyện, 2 châu). Phần đất Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc 3 huyện Kim Trà, Đan Điền và Tư Vinh của phủ Triệu Phong (Lược trích từ Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 2005).
- Nếu tính từ mốc năm 1306, có thể vùng đất này mang tên Thủy Xuân đã gần 7 thế kỷ. Tuy nhiên, nghề làm hương thì đa phần chỉ có thể khẳng định từ thời nhà Nguyễn, còn trước đó thì không chắc là làng nghề đã 700 năm tuổi như một số thông tin trên mạng.
Ở Thủy Xuân, nhiều nhà vẫn giữ cách làm hương thủ công truyền thống thay vì se hương bằng máy. Một cây hương gồm hai phần: lõi hương và bột hương. Lõi hương làm từ ruột tre già ở huyện Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Tre chẻ nhỏ, đem nhuộm chân và phơi nắng nhiều ngày cho khô giòn, tránh ẩm mốc về sau. Quan trọng nhất là khâu làm bột hương vì nó quyết định mùi thơm của sản phẩm. Tùy loại thành phẩm cung cấp ra thị trường mà chọn nguyên liệu cho phù hợp; trong đó nổi bật ở Thủy Xuân là hương quế, hương trầm, nụ trầm. Thông thường, để làm bột hương cần có ngũ vị thuốc bắc, quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế, sả… Tất cả đem phơi khô, xay nhỏ, nghiền thành bột, rây tới khi mịn rồi trộn đều, hòa với nước và chất kết dính thành một cục bột dẻo. Bột hương đem se quanh lõi hương cho thật mỏng, tròn đều, sau đó đem đi phơi nắng cho khô.
Ngày xưa chân hương chỉ nhuộm màu nâu và đỏ; nhưng hiện nay người ta còn pha trộn thêm màu xanh, vàng, tím… rất bắt mắt. Làm xong, buộc bó hương ở một đầu, đầu còn lại xòe ra để nước nhuộm mau khô hơn. Trước sân nhà, ven con đường làng, những bó hương như đóa hoa đang nở tròn đầy trong nắng đã tạo nên nhiều góc máy đẹp. Dần dà, người dân Thủy Xuân đã biết kết hợp giữa làm nghề và du lịch.
Bây giờ, không cần phải đợi lúc phơi mới có bó hoa hương. Chỉ cần đến Thủy Xuân vào bất kỳ mùa nào, đã có sẵn những bó hoa hương nhiều màu sắc được sắp đặt, tạo hình lung linh cho du khách tha hồ bấm máy. Điểm dễ thương là người dân rất hiếu khách, bạn tha hồ chụp hình mà không phải trả phí. Họ chỉ thu tiền đạo cụ như dù, nón, áo dài nếu bạn có thuê mà thôi. Vậy nên bạn nhớ giữ gìn cảnh quan cho đẹp nha.
Muốn ảnh đẹp thì tạo dáng gì cũng được, miễn đừng như tui.
Nên mặc trang phục như thế nào cho phù hợp
Đây là điểm chụp hình nên cứ thoải mái lựa chọn trang phục mà bạn yêu thích. Nhưng background rất nhiều màu nên tui nghĩ màu đơn sắc và sáng như trắng, pastel là nổi nhất.
Còn quất hồng hồng như tui thì đứng vô làm chân hương luôn chắc đồng bộ.
Các điểm tham quan lân cận làng hương Thủy Xuân
Từ làng hương, bạn có thể ghé các điểm đến sau:
- Chùa Từ Hiếu – cách 2km. Ở đây có vườn bảo tháp độc đáo mà tui có nhắc sơ trong bài về chùa Thập Tháp.
Đọc thêm: Ấn tượng vườn tháp ở ngôi chùa xưa nhất Bình Định
- Đàn Nam Giao, cách khoảng 2.5km. Đây là nơi các vị vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất hàng năm.
- Lăng Tự Đức, cách 1km.
Cổng vào lăng vua Tự Đức
Ảnh đẹp về lăng Tự Đức có rất nhiều trên mạng. Còn tui ưa tìm mấy góc ít người chụp hơn.
- Đồi Vọng Cảnh, cách 1km. Từ đây có thể ngắm trọn phong cảnh hữu tình nên thơ của sông nước, núi non Huế.
- Đói bụng rồi thì ghé bánh ép Huệ, 116 Lê Ngô Cát, chỉ cách làng hương 100m.
Đọc thêm: Bánh ép Huế
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Về thăm làng hương Thủy Xuân – làng nghề đầy sắc màu ở Huế […]