Nằm ven bờ Hồ Gươm, tháp Hòa Phong đêm ngày lặng lẽ ngắm nhìn dòng người tấp nập ngược xuôi. Nnhiều người hay nói vui, kiểu gì đến Hồ Gươm cũng phải có một “tấm ảnh truyền thống”, tức là ảnh chụp với tháp Hòa Phong.
Địa chỉ: Phía đông Hồ Gươm, mặt đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện Bưu điện thành phố Hà Nội.
Chứng nhân còn lại của ngôi chùa cổ
Tháp Hòa Phong là công trình cuối cùng còn sót lại của ngôi chùa Báo Ân sau khi nó bị dỡ bỏ hoàn toàn vào cuối thế kỷ 19. Theo các tư liệu lịch sử, người chủ trì việc dựng chùa Báo Ân là ông Nguyễn Đăng Giai – Tổng đốc Hà Ninh. Ông là người làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, xuất thân trong một danh gia vọng tộc; cha ông là Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân – là thầy dạy học của vua Thiệu Trị. Năm 1846, dưới triều vua Thiệu Trị, ông đứng ra chủ trì, quyên tiền cho việc xây dựng một ngôi chùa có quy mô lớn. Chùa được xây trên nền cũ lầu Ngũ Long của chúa Trịnh. Sau khi hoàn thành, chùa Báo Ân trở thành chùa bề thế vào loại nhất thành Hà Nội thời đó. Chùa nằm trên khu đất gần 100 mẫu, mặt trước quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ Gươm; gồm 180 gian với kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, được ví như “động tiên” giữa chốn kinh kỳ. Ngoài tên gọi Báo Ân, công trình này còn được gọi là chùa Liên Trì (vì hồ trong chùa trồng rất nhiều sen), chùa Quan Thượng (đương thời Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai còn được dân chúng gọi là cụ Thượng). Xưa kia có những câu ca truyền tụng như: “Gần xa nô nức tưng bừng/ Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên”.
Tháp Hòa Phong thế kỷ 19 còn nằm cạnh mép nước hồ Gươm, lúc này chưa có vỉa hè gạch bao quanh hồ như ngày nay.
Thế nhưng chùa Báo Ân có số phận khá thăng trầm. Một số tài liệu không thống nhất về thời gian xây dựng và phá hủy ngôi chùa. Tuy nhiên có tài liệu ghi lại vào tháng 11/1885, viên Toàn quyền Đông Dương là Jean-Marie de Lanessan ra lệnh đốt các nhà lá quanh hồ Gươm. Đêm 22/1/1886 (có tài liệu ghi 1891), 300 nóc nhà ở Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Vôi đã cháy trụi. Đến đêm ngày 28/1/1886 (có tài liệu ghi 1891), một vụ cháy lớn xảy ra đã tiêu hủy cả thôn Cự Lâu. Khu vực chùa Báo Ân không còn gì nữa. Năm 1888 (có tài liệu ghi 1898), Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện; chỉ có tháp Hòa Phong phía sau chùa được bỏ qua do không xây dựng bên trong khuôn viên chùa. Tháp trở thành dấu tích duy nhất của chùa Báo Ân còn sót lại đến ngày nay.
Cổng báo Nghĩa của tháp Hòa Phong.
Kiến trúc tháp Hòa Phong
Tháp Hòa Phong cao 3 tầng, càng lên cao càng nhỏ dần. Toàn bộ được xây bằng gạch trần. Tầng 1 có 4 cửa dạng vòm, mở theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc nên còn được gọi là Tứ Môn Tháp. Phía trên cổng khắc các chữ Hán thể hiện tinh thần Nho giáo, gồm: “Báo Phúc môn” (nghĩa là cổng báo Phúc) nằm trên cửa phía Đông hướng về Bưu điện Hà Nội; “Báo Đức môn” (nghĩa là cổng báo Đức) nằm trên cửa phía Tây hướng ra Hồ Gươm; “Báo Nghĩa môn” (nghĩa là cổng báo Nghĩa) nằm trên cửa phía Nam hướng về phố Hàng Bài; “Báo Ân môn” (nghĩa là cổng báo Ân) nằm trên cửa phía Bắc hướng về phía cầu Thê Húc.
Cổng báo Ân của tháp Hòa Phong.
Tầng 2 kích thước giảm hơn so với tầng 1, chỉ rộng 1m, cao 1.2m. Ở 4 góc của tầng 2 có 4 trụ hình vuông, trên mỗi trụ đặt một con nghê. Hai con phía hồ quay theo hướng Đông – Tây, 2 con phía bưu điện quay theo hướng Bắc – Nam; nhưng cả 4 con đều quay mặt về hướng Đông như muốn hướng về cội nguồn của ánh sáng. Mỗi mặt thân tháp ở tầng 2 đều có một ô vuông lõm vào khắc các biểu tượng khác nhau. Mặt phía Đông và Tây là 2 hình bát quái đối xưng, thể hiện phần thiếu âm, còn các con nghê sẽ lấy ánh dương bù đắp vào. Mặt Bắc và Nam có 2 chữ Phạn, phiên âm sang tiếng Hán là “Án” – bắt nguồn từ câu chú cầu Án Ma Ni Bát Mê Hồng với Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Các con nghê ở tầng 2 không xếp cùng chiều nhưng đầu đều quay về hướng Đông.
Lên tầng 3, tháp tiếp tục được thu nhỏ lại còn rộng 0.8m và cao 1m. Phần chính giữa thân tháp ở mặt Bắc và Nam có chữ “Báo Thiên tháp”; còn mặt Đông – Tây có tên tháp “Hòa Phong”. Đỉnh tháp cao 0.8m, gồm một đế phía dưới và một bình hồ lô với dải lụa mây uốn lượn phía trên. Hồ lô cũng là biểu tượng phước lành trong Phật giáo và Lão giáo.
Hàng chữ “Báo Thiên tháp” nằm trên tầng 3 cổng phía Nam.
- Đọc thêm: Một vòng quanh Hồ Gươm
- Khu phố quanh Hồ Gươm – những ngày đầu hình thành
- Phố đi bộ Hồ Gươm – điểm hẹn thú vị cuối tuần
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |