Trong bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang trưng bày 2 chiếc máy bay được công nhận là bảo vật quốc gia bởi thành tích đầy tự hào mà nó mang lại trong kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ đất nước.
1. Én bạc 4324
Chiếc MiG 21 số hiệu 4234 là loại máy bay chiến đấu phản lực tiêm kích, 1 người lái, lắp động cơ phản lực P11-300, do Liên xô (cũ) sản xuất 1965, viện trợ cho Việt Nam vào tháng 1/1967, được biên chế vào đội hình tiêm kích của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 Không quân từ tháng 1/1967. Đơn vị 921 cũng là trung đoàn tiêm kích đầu tiên sử dụng máy may chiến đấu MiG 21 do Liên Xô (cũ) viện trợ.
Chiếc tiêm kích MiG-21 số hiệu 4324 được treo trên cao ngay giữa sảnh chính của Bảo tàng, kết hợp màn hình LED rộng trình chiếu các video clip về dòng chảy lịch sử của đất nước, như nó vẫn đang rộn ràng tung cánh bay bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Nổi bật trên thân trước chiếc máy bay màu xám bạc là 14 ngôi sao đỏ – chứng tích của 14 lần lập công oanh liệt của không quân Việt Nam. Đây cũng là máy bay sở hữu số lượng sao nhiều nhất. Chiếc MiG số hiệu 4324 đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015. Én bạc 4324 đã tham gia chiến đấu ngăn chặn các đợt tấn công không quân Mỹ tại miền Bắc, góp phần đập tan âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc và phải ngồi vào bàn đàm phán hội nghị bốn bên ở Paris để giải quyết vấn đề về Việt Nam.
Trước đó, vào đầu năm 1967, MiG 4324 cùng hàng chục chiếc MiG 21 khác được tháo rời và vận chuyển về Việt Nam vào bằng đường thủy với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô. Nhà xưởng ở sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài) bị trúng bom nặng nên container chứa máy bay được đưa đến vùng ven làng để lắp ráp vào ban đêm. Các chiến sĩ phải rọi đèn pin rọi để lấy ánh sáng, rồi kéo các bộ phận vào vị trí vì không có cần cẩu. Những hầm chữ A khổng lồ để chứa máy bay cũng được khẩn trương thực hiện từ các tấm ghi sắt, đường ray tàu hỏa, sau đó trộn rơm với đất sét dày tới 30cm đắp lên nóc hầm.
Đầu năm 1967, Bác Hồ động viên lực lượng không quân rằng sẽ tặng Huy hiệu Bác Hồ và trên chiếc máy bay sẽ in hình một ngôi sao đỏ nếu đồng chí đó bắn rơi được máy bay Mỹ. Ngôi sao đỏ đầu tiên được lập bởi phi công Lê Trọng Huyên vào ngày 30/4/1967, bắn rơi máy bay F-105 trên bầu trời Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên ngày nay). Chỉ trong năm 1967, MiG 4324 đã xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến, bắn 25 quả tên lửa và hạ 14 máy bay của Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc “Thần sấm” F105, 3 chiếc “Con ma” F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101). Có 9 phi công đã lập công với chiếc máy bay này, trong đó có 4 người bắn rơi 1 máy bay địch (Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Văn Lý, Đặng Ngọc Ngự và Vũ Ngọc Đỉnh) và 5 người bắn rơi 2 máy bay địch (Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc và Nguyễn Đăng Kính). Có 8/9 phi công đã được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Xác máy bay địch bị bắn rơi trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, được trưng bày ở khu vực ngoài trời của Bảo tàng.
Thông thường, máy bay MiG 21 có thể sử dụng tới 1.200 giờ bay, nhưng đến cuối năm 1967, chiếc 4324 mới chỉ dùng hết 800 giờ bay và đã xuất sắc ghi dấu 14 ngôi sao đỏ. Để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến công lẫy lừng xuất sắc của bộ đội không quân, nó được đưa đi bảo dưỡng. MiG 4324 và nhiều máy bay khác được đưa sang sân bay Tường Vân (Trung Quốc). Đầu năm 1969, đoàn công tác của ta được cử sang để đưa hơn 200 máy bay chiến đấu về nước. Để đảm bảo, chiếc MiG 4324 được phi công trực tiếp lái về và hạ cánh an toàn ở sân bay Yên Bái. Sau đó nó dùng để làm nhiệm vụ huấn luyện. Đến 4/12/1974 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
2. Máy bay MIG-21 số hiệu 5121
Máy bay MiG-21 F96 số hiệu 5121 cũng màu xám bạc và được biên chế cùng tổ đội với Én bạc 4324. Đây là loại máy bay chiến đấu 1 người lái, lắp động cơ phản lực P13-300, dài 15.5m, cao 4.12m, sải cánh 7.15m; số xuất xưởng máy bay 6005 do Liên xô (cũ) sản xuất. Chiếc MiG 5121 là biểu tượng đặc biệt của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” bởi đã tiên phong trong việc tìm ra cách đánh B-52 hiệu quả nhất trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Nó cũng đã 5 lần hạ đo ván máy bay Mỹ và trang trọng in dấu 5 ngôi sao đỏ trên thân. Máy bay được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012.
Có 3 phi công từng sử dụng chiếc MiG 5121. Người đầu tiên là phi công Đinh Tôn xuất kích vào đêm 4/10/1971, phát hiện 2 chiếc B-52 nhưng ở thế đối đầu không đánh được nên đành quay về và hạ cánh an toàn tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Người thứ 2 là phi công Vũ Đình Rạng, cất cánh vào đêm 20/11/1971 từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An). Khi bật radar phát hiện thấy có B-52 ở phía trước cách máy bay 15km, ta tăng tốc đến cự ly 8km thì phóng tên lửa. Lúc vòng trở lại thấy 1 chiếc B-52 khác, máy bay ta bắn tiếp quả tên lửa thứ 2 rồi nhanh chóng thoát ly và tìm cách hạ cánh. Lần này, chiếc B-52 của địch bị thương phải lết về hạ cánh ở sân bay Tasli (Thái Lan). Tuy không hạ được máy bay địch nhưng đó là cơ sở để khẳng định rằng MiG-21 của ta hoàn toàn có thể bắn rơi máy bay B-52 – được mệnh danh là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm của không quân Mỹ. Người thứ 3 là phi công Phạm Tuân, xuất kích vào tối ngày 27/12/1972 từ sân bay Yên Bái. Đến vùng trời Sơn La thì phát hiện 2 chiếc B-52 và một tốp F-4 hộ tống. Do địch chưa biết có máy bay ta bám đuôi, anh nhanh chóng vượt qua tốp yểm trợ; Khi còn cách mục tiêu khoảng 2-3km, anh bắn liền 2 quả tên lửa K13, máy bay địch trúng đạn. Khi nhìn thấy nó bốc cháy và rơi xuống, anh tắt tăng lực bật ngửa máy bay vòng trái xuống độ cao 2.000m rồi hạ cánh an toàn.
Trận đánh này là lần đầu tiên Không quân ta bắn rơi B-52, góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Đây cũng là chiếc tiêm kích duy nhất trên thế giới hạ B-52 bằng tên lửa không đối không. Trong suốt quá trình chiến đấu, chiếc 5121 này còn cùng 2 phi công còn lại bắn rơi được 4 máy bay nữa của Mỹ, góp phần làm nên chiến công vang dội của Không quân Việt Nam.
Xác máy bay B52 được trưng bày ngay bên dưới chiếc MiG-5121.
Sau này, tương tự MiG 4324, chiếc 5121 được dùng để làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, diễn tập ở Hà Nội và Nha Trang. Đến tháng 10/2007 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Mô hình Tiêm kích Mig-21. Ảnh: facebook Én bạc Hobby Store.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Chiêm ngưỡng 2 chiếc máy bay bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Vi… […]