Giếng cổ Champa ở Gò Cỏ

Không chỉ nằm trong vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh mà Gò Cỏ còn nhiều dấu tích chứng tỏ người Chăm đã có một thời kỳ phát triển hưng thịnh ở đây. Một trong số đó là hệ thống giếng cổ, có thể tồn tại từ thế kỷ 7 – 15 khi người Chăm còn sinh sống trên mảnh đất này. Hiện nay có 12 giếng cổ nằm rải rác trong làng Gò Cỏ, trong đó có 9 giếng bộng bắt nguồn từ Champa. Một số giếng khác kế thừa kỹ thuật xây giếng của người Chăm.

Theo chân chú Hỡi, một người dân trong làng Gò Cỏ đi đến giếng Chăm.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng tìm mạch nước ngọt và đào giếng của người Chăm là một kỹ thuật điêu luyện, tiếc rằng đã thất truyền. Không biết bằng cách nào ở ngay dưới chân núi với toàn đá tảng rắn chắc, lại sát mép biển như Gò Cỏ mà người Chăm vẫn có thể tìm ra những mạch nước ngầm một cách chính xác.

Giếng không quá sâu, thường cách mặt đất chỉ khoảng 3m. Vậy mà mạch nước ngầm chưa bao giờ cạn, đặc biệt dù ở gần biển nhưng nước luôn rất trong, ngọt và không bị nhiễm mặn. Giếng ở Gò Cỏ có hình tròn, được xếp đá quanh lòng. Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi), các giếng này vốn hình vuông nhưng được người Việt cải tạo lại thành hình tròn. Những tảng đá cuội bazan được xếp theo lòng giếng, mặt phẳng quay ra phía ngoài, mặt còn lại lởm chởm thì quay vào phần đất. Viên to làm vách chính, các viên nhỏ hơn được lèn vào giữa các khoảng hở một cách khéo léo. Từ những viên đá tự nhiên, không xi măng kết dính, chỉ bằng kỹ thuật xếp đá mà tạo thành bờ kè vách vững chắc qua nhiều thế kỷ.

Góc nhỏ: nhiều nghiên cứu cho thấy có 3 loại giếng Chăm phổ biến:

1- Giếng mở: thực chất bao gồm cả hệ thống khai thác nước ngầm làm thủy lợi theo kiểu “dẫn thủy nhập điền”. Hệ thống này được bố trí thành nhiều tầng từ cao đến thấp, mỗi tầng phục vụ mục đích khác nhau. Hoạt động theo nguyên tắc: nước tự dâng, tự chảy; nghĩa là nước ngầm tự dâng ở một bể chứa nằm trên cao, sau đó chảy vào các rãnh nước, bể nước thấp hơn.

2- Giếng nửa mở: còn gọi là giếng bộng, thường lấy từ nguồn nước ngầm dưới chân đồi hoặc ngoài đồng ruộng. Người ta thường đào sâu xuống lòng đất rồi lấy một tấm đá lớn có đục lỗ hoặc thân cây cổ thụ khoét rỗng ruột đặt lên trên mạch nước ngầm. Nước sẽ dâng lên và thoát ra từ lỗ trên. Quanh nơi mạch nước phun ra thường đặt thêm các tảng đá lớn, chèn kỹ để tránh sạt lở và nước cuốn trôi đất đi.

3- Giếng đóng: khá giống giếng khơi ở miền Bắc. Thành giếng thường xếp bằng gạch Chăm cổ như loại gạch xây đền tháp. Các lớp gạch được xếp không đồng nhất, thường thì cứ 2-3 lớp gạch xếp theo chiều ngang sẽ có 2-3 lớp xếp theo chiều dọc. Một số giếng có thành giếng được xếp đá như đá ong, đá núi lửa, đá phiến thạch… Hoặc kết hợp cả đá và gạch. Đáy giếng luôn có một bộ khung gỗ hình vuông cao khoảng 1.5 – 2 gang tay. Giếng thường có hình vuông, hoặc tròn, hoặc dưới vuông và trên tròn.

Giếng cổ trong rẫy nhà chú Hỡi, chủ nhân homestay Giếng Cổ. Miệng giếng nằm sát mặt đất.

Hầu hết các giếng vẫn còn giữ nguyên vẹn lòng giếng, có một số giếng đã xây thêm bờ thành trên mặt đất, có giếng bị lấp lại để đảm bảo an toàn.

Một giếng cổ đã xây cao bờ thành.

Ngoài hệ thống giếng cổ ở Gò Cỏ, xung quanh đầm An Khê (Đức Phổ) còn có 3 giếng bộng ở Phú Khương về phía bắc đầm An Khê, 1 giếng bộng ở tổ dân phố Thạnh Đức 1 đều là di tích Champa. Những mạch nước ngọt lành ấy không chỉ phục vụ sinh hoạt của bà con, mà còn dùng trong nông nghiệp. Với lợi thế ven biển, trong quá khứ ở thế kỷ 16-18, nguồn nước này còn cung cấp cho thương thuyền các nơi ghé vào lấy nước ngọt.

Ngày nay, địa phương đã đưa nước sinh hoạt về tận nơi nên nhiều các giếng cổ tạm khép lại chức năng phục vụ sinh hoạt của mình. Giá nước khá cao, khoảng 6k/m3 nên bà con vẫn tận dụng giếng từ thời xưa để tưới tiêu trong nông nghiệp.

Góc nhỏ: Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh gồm: Tháp núi Một, Tháp Gò Đá (các tháp chỉ còn lại phế tích đế tháp), Cầu đá, Miếu Champa (Miếu thờ Thổ Chủ), Bia ký Champa, Hệ thống giếng Champa, Con đường xếp đá cổ (qua các thời kỳ Sa Huỳnh – Champa – Việt), Hệ thống mương thủy lợi cổ Champa. Đá trải khắp nơi trong ngôi làng nhỏ này.

Con đường chính dẫn từ làng xuống biển cũng được lát đá.

Địa chỉ

  • Làng Gò Cỏ, Tổ dân phố Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
  • Điện thoại: 0255 6288 111 – 0963 883 663
  • Website: https://langgoco.com/

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *