Bên bờ biển Gò Cỏ là một gành đá trải dài khoảng 1.2km. Người ta nói rằng bãi đá này đã có từ cách đây 250-400 triệu năm, kết quả từ những đợt phun trào núi lửa cộng với hoạt động đứt gãy trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất. Đó cũng là phần chân núi nằm xoài ra biển, nơi chỉ có đá và đá nghìn năm nghe sóng vỗ.
Trải nghiệm gành đá Gò Cỏ
Bạn có thể trải nghiệm gành đá bằng cả 2 cách, ngồi thuyền nan đi dọc theo bờ gành, hoặc trực tiếp nhảy đá trên gành, hoặc chèo thuyền chiều đi rồi nhảy đá trở về. Những chiếc thuyền nan tre truyền thống sẽ đưa bạn dạo biển để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của gành.
Thời gian phù hợp là lúc sáng sớm hoặc chiều tối; thật ra các quãng thời gian khác trong ngày cũng được nhưng khá nắng mà thôi. Nếu đi thuyền thì nên đi vào buổi sáng, khoảng 5h, 5h30 hoặc theo giờ mà bạn mong muốn. Lúc này thủy triều lên, nước cao hơn, thuyền có thể đi gần gành hơn nên dễ quan sát hơn. Ngắm bình minh lên trên biển, tận hưởng bầu không khí trong lành của buổi sớm mai cũng mang lại nhiều cảm giác thi vị. Chụp hình bình minh hay chiều tà trên biển đều rất đẹp.
Thường thì các chú ngư dân sau chuyến lưới biển buổi sớm về sẽ tranh thủ chèo thuyền đưa khách đi dạo. Sáng nay tui đi thuyền của chú Tịnh, 1 trong 3 chú làm dịch vụ này ở Gò Cỏ. Sóng gió làm sạm làn da, nhưng cũng tôi luyện đôi bàn tay rắn chắc cho người ngư dân ngót nghét 70 tuổi. Tuổi trẻ chú Tịnh đã theo thuyền đánh cá đi khắp nơi, từ Quảng Ngãi, Bình Định vào tận trong Nam; nên bây giờ nhắc đến vùng biển nào chú cũng rành. Câu chuyện rôm rả về biển và gành, về Gò Cỏ trôi vèo trong 1 tiếng đồng hồ lắc lư trên thuyền. Bạn cũng có thể kết hợp theo thuyền đi câu sớm (khoảng 3h sáng), rồi về dạo ngắm gành.
Bãi đá hàng trăm triệu năm
Nhảy đá là một thử thách cực kỳ thú vị. Gọi là thử thách cho oai chứ rất dễ đi nha bạn. Cạnh hòn lớn là có hòn nhỏ; tảng nào quá cao thì kiếm tảng khác thấp hơn mà trèo qua; đường đi vướng thì đi đường khác. Cũng như cuộc đời, thua keo này ta bày keo khác, có gì mà không được đâu bạn ha. Chỉ có điều, gọi là nhảy đá nhưng bạn cứ đi một cách từ tốn thôi, đừng thử các kỹ thuật santo hay tung người từ trên cao làm gì, quẹo giò đó.
Trải qua thời gian phong hóa hàng trăm triệu năm, sóng và gió biển đã bào mòn những góc cạnh sắc nhọn của đá, để lại bề mặt trơn láng với màu sắc khác nhau. Xám, đen, ngả vàng đỏ, hoặc trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời như những hạt tinh thể. Đủ loại hình thù mà bạn có thể tưởng tượng với đá như bãi Lúc Cúc, khối Đầu Chọi, con voi, trứng khủng long, túi tiền thần tài… Có những khối đá chồng lên nhau, chừa lại khoảng không bên dưới tạo thành hang hốc tự nhiên như hang Gành Trên, hang Sáo, giếng Ông Địa…
Chèo tới hòn Sụp – hòn đá cuối cùng nằm trồi lên giữa biển như trong hình dưới, là biết đã đến ranh giới giáp bãi biển Vũng Bàng. Vượt qua gành đá Gò Cỏ là đến bãi biển Vũng Bàng, kéo dài ra là giáp với biển Hóc Mó (thuộc Thạnh Đức 1), tiếp đến là biển Châu Me. Bãi biển này ngăn cách với bãi biển kia bằng những gành đá trải dài, sừng sững với thời gian.
Nước trong vắt đến độ có thể nhìn thấy đáy, dù đoạn này đáy biển cũng cách mặt nước tầm 7, 8m. Dưới đáy còn vô số tảng đá lớn nằm im lìm.
Trên đá còn những vết ngang dọc chạy dài, chỗ thì nổi lên, chỗ thì nhẵn thín bằng với mặt đá. Chú Tịnh gọi đó là gân đá. Nó không khác gì vết dây thừng buộc vào đá của một ông thần khổng lồ nào đó, mà từ thời xa xưa đã ràng đá lại để làm bờ đập ngăn con sóng vỗ bờ vào làng Gò Cỏ.
Gân đá nổi
Các vết ngang dọc trên khối đá sau lưng tui cũng được gọi là gân đá.
Trên gành, cách làng Gò Cỏ chỉ khoảng 150 – 200m là một bãi đá bằng phẳng, rộng lớn gọi là Trảng muối hoặc Sũng muối. Nơi đây người xưa đã tận dụng để làm muối một cách tự nhiên.
Sũng muối trên gành đá Gò Cỏ – vết tích làm muối của người xưa để lại.
- Đọc thêm: Trắng tinh hạt muối Gò Cỏ
- Gò Cỏ – xóm nhỏ bình yên
- Gò Cỏ homestay – bình yên dưới mỗi nếp nhà
- Giếng cổ Champa ở Gò Cỏ
Nơi cư ngụ của các loài sinh vật
Dưới biển, các hốc đá quanh gành là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài thủy sản như ốc, mực, hàu, nhum (nhím biển…, đặc biệt là cá thuẫn – con cá tròn lẳng, thịt chắc lụi, nướng, chiên hay kho dẻo đều rất ngon. Các chú thường hay đi thúng để bủa lưới cá thuẫn.
Trên bờ, bãi đá sát mép nước là nơi hằng hà sa số con hà bám vào.
Trên cao hơn nữa là bãi dứa dại, phong ba mọc len lỏi. Loài cây gắn liền với biển, bám vào đá, vào cát mà lớn lên, hiên ngang trước sóng gió.
- Đọc thêm: Cây phong ba
- Cây bão táp
Địa chỉ
- Làng Gò Cỏ, Tổ dân phố Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
- Điện thoại: 0255 6288 111 – 0963 883 663
- Website: https://langgoco.com/danh-muc/dich-vu-trai-nghiem/
Bạn có thể liên hệ Văn phòng HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ theo địa chỉ trên để đặt dịch vụ đi thuyền tham quan gành đá. Ngoài ra còn có dịch vụ câu cá, bủa lưới.
Chi phí: Chi phí cho trải nghiệm chèo thuyền nan: 120k/người (bao gồm cả lượt đi và về).
- Đọc thêm: Gành Đèn – vẻ quyến rũ hoang sơ bên bờ biển xanh
- Một ngày rong chơi nơi kiệt tác thiên nhiên xứ Nẫu
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Gành đá Gò Cỏ – dấu ấn thiên nhiên bên bờ sóng […]