Gò Cỏ – xóm nhỏ bình yên

Hè này bạn đi đâu? Hè này tui đi Gò Cỏ, một ngôi làng mà tui không nghĩ nó hấp dẫn đến như vậy. Phải nói ngay rằng nếu bạn muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng sang trọng hay sự nhộn nhịp, náo nhiệt thì Gò Cỏ không phải là chốn phù hợp. Nhưng nó sẽ là điểm đến đích thực nếu bạn muốn trải nghiệm không khí bình yên, thư thái, sống chậm của miền quê Việt Nam. Gò Cỏ còn nằm trong mạch kết nối giữa 3 nền văn hóa lớn là Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt. Điều đặc biệt nhất là ở đây không chỉ có dấu ấn cổ đại mà văn hóa làng mới là di sản sống quý giá nhất vẫn hằng được gìn giữ.

Ngôi làng bên bờ sóng

Gò Cỏ thuộc rìa phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố gần 70km. Nằm ở khu vực chân núi, trước mặt là biển, làng ngăn cách với xung quanh bởi đồi núi và vẫn giữ nhiều nét hoang sơ tự nhiên. Ít nhất, về việc bảo vệ môi trường, tui ưng ý cách mà Gò Cỏ cố gắng giữ gìn không gian trong lành của làng văn hóa du lịch cộng đồng như hạn chế xe máy vào làng, phân loại rác thải… Vẫn là mái nhà giản dị, bờ đá, giếng nước, con thuyền nan chòng chành trên biển hay tiếng gà eo óc ban trưa, người dân Gò Cỏ lớn lên từ di sản và đang sống dựa vào di sản.

Nhiều thanh niên trai tráng đã vươn đi lập nghiệp nơi xa, tìm cách thoát nghèo; trong làng đa số còn lại người cao tuổi. Các cô chú mỗi ngày vẫn vui với ruộng vườn và biển cả như sinh kế bao đời nay. Giờ đây Gò Cỏ phát triển thêm du lịch, bà con cũng hăng hái tham gia, chủ động nguồn thu nhập để không phụ thuộc vào con cháu. Đi dạo trong làng, bạn sẽ nghe những tiếng hỏi thăm í ới như đứa cháu ở xa mới về. Nó tự nhiên, hồn hậu, chất phác, khiến đôi khi tui có cảm giác đang về quê của mình chứ không còn là khách du lịch nữa.

Đánh thức Gò Cỏ

Năm 2017, một đoàn gồm các chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành khảo sát để làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận không gian văn hóa Sa Huỳnh là di sản văn hóa thế giới. Họ tình cờ ghé đến một khu vực hoang sơ nằm dưới chân núi, ven bờ biển, nơi chỉ tập trung chưa đầy 100 hộ dân mà chủ yếu là người cao tuổi. Không ai có thể ngờ ngôi làng bé nhỏ ấy lại là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh cổ. Không dừng ở đó, một loạt các di tích như bia ký Chăm, hệ thống đường đi, bức tường, thủy lợi được xếp bằng đá một cách công phu, thậm chí là một cây cầu đá Champa đang dở dang dưới đáy đầm An Khê gần Gò Cỏ đã minh chứng một thời kỳ phát triển hưng thịnh, rực rỡ của văn hóa Champa tại đây. Hiếm có nơi nào trên dải đất Việt mà 2 nền văn hóa cổ còn lưu giữ nhiều dấu tích đến vậy.

Hiểu được bề dày của nơi mình sinh sống, dân làng Gò Cỏ bắt đầu hướng đến việc quảng bá những giá trị đó ra bên ngoài. Năm 2018, một số người dân ra Cù Lao Chàm (Quảng Nam) học cách làm du lịch cộng đồng. Tháng 4/ 2019, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập với 37 thành viên. Tháng 12/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhiều gia đình cùng tham gia làm du lịch cộng đồng nhưng không có hiện tượng cạnh tranh chụp giật, không xô bồ. Gò Cỏ vẫn đang tiến những bước từ tốn mà chắc chắn, giữ nguyên vẻ thanh bình cho một làng du lịch cộng đồng đúng nghĩa.

Tham quan gì ở Gò Cỏ

Bãi biển Gò Cỏ

Hai cánh núi vươn dài ra biển, ôm lấy Gò Cỏ như đôi tay che chắn mảnh đất nhỏ bé này khỏi các cơn sóng dữ. Nước biển xanh trong ngăn ngắt đầy quyến rũ. Trên bãi cát là các thuyền nan, thuyền thúng của dân làng, chiều chiều các cô chú lại ra đây đan lưới.

Bãi cát mịn màng này ngày nào cũng rộn rã tiếng cười trong trẻo của mấy đứa nhỏ. Ảnh: Lan Anh.

Gành đá triệu năm

Phần đổ ra biển của núi đã tạo thành gành đá với nhiều hình thù khác nhau. Qua hàng trăm triệu năm nằm nghe sóng vỗ, thiên nhiên để lại cho Gò Cỏ những tảng đá nhiều sắc màu khác nhau. Độc đáo nhất là có một trảng muối niên đại 2000 năm ngay trên gành đá cổ này. Bạn có thể đi thuyền dọc gành hoặc nhảy đá để khám phá gành đá.

Đọc thêm: Gành đá Gò Cỏ – dấu ấn thiên nhiên bên bờ sóng

Trảng muối Gò Cỏ

Mới đây, một đoàn chuyên gia đã khám phá ra nơi làm muối có từ thời những cư dân đầu tiên của nền văn hóa Sa Huỳnh. Bà con Gò Cỏ vẫn quen gọi là trảng muối, sũng muối. Thay vì những cánh đồng muối ven biển như thường thấy, ở đây người ta làm muối trên đá. Kỹ thuật này đã được lưu truyền qua các thời kỳ Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt và giữ đến tận bây giờ mà không bị đứt quãng.

Đọc thêm: Trắng tinh hạt muối Gò Cỏ

Giếng cổ Champa

Có 12 giếng cổ nằm rải rác trong làng Gò Cỏ, đa số là có từ thời Champa, số còn lại cũng được làm theo kỹ thuật đào giếng của người Chăm. Đó là giếng bà Thướng, bà Mia, ông Lịch, ông Hỡi…

Đọc thêm: Giếng cổ Champa ở Gò Cỏ

Con đường đá cổ Chăm

Đá là một trong các vật liệu được ưa chuộng trong thời kỳ Champa, từ cây cầu đá đang xây dựng dở dang dưới đầm An Khê, các giếng cổ xếp bằng đá, bức tường đá quanh nhà đến con đường đá cổ. Con đường nối giữa xóm trên của làng Gò Cỏ với bãi biển Vũng Bàng ở tổ dân phố Thạnh Đức 1. Cuối con đường này là tảng đá bia ký, trên có khắc dòng văn tự Champa cổ. Con đường này khá nắng, bạn nên chọn lúc sáng sớm hoặc chiều mát để đi thì tốt hơn.

Thật ra khá nhiều đường mòn quanh làng đều lát đá.

Ngoài ra còn vô số cảnh quan thôn dã tự nhiên nơi đây đang chờ bạn khám phá.

Học gì ở Gò Cỏ

Bạn thấy lạ không, khi điểm đến du lịch lại là một nơi để HỌC? Ấy thế mà có đó. Gò Cỏ đã dành một khoảng không gian khá rộng rãi trong làng để làm Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh. Trung tâm này thông với khu vực Không gian sinh hoạt cộng đồng. Hàng ngày, đây là điểm tụ tập vui chơi của đám trẻ trong làng. Cuối tuần, nó trở thành không gian của lớp học tiếng Anh, học vẽ do các tình nguyện viên tổ chức. Thỉnh thoảng, khi có đoàn du khách ghé tới, đây lại trở thành trường cộng đồng, nơi mà mọi người có thể trải nghiệm lớp học nấu ăn, đan lưới, làm nông dân, hòa mình trong các trò chơi dân gian hoặc cùng lắng nghe điệu hò bài chòi ngọt lịm. Điểm thú vị là nội dung lớp học do chính người dân bản địa tự thiết kế, tự thuyết minh và hướng dẫn du khách tham gia. Du khách học được những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng địa phương, còn người dân học cách tổ chức hoạt động du lịch một cách bài bản hơn.

Nên đi Gò Cỏ khi nào

Từ cuối tháng 3 đến tháng 10 là khoảng thời gian phù hợp nhất vì vào mùa khô, biển đẹp nên bạn có thể thoải mái tắm biển. Chỉ cần lưu ý là nắng miền Trung rất gắt nên bạn nhớ đem đầy đủ đồ chống nắng nhé. Tháng 11 đến tháng 2 là mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, bạn vẫn có thể đến đây nhưng việc đi lại tham quan sẽ không thuận tiện bằng.

Hạt mưa mùa hè khẽ khàng đọng trên mái tranh.

Nếu có thể, bạn nên ở Gò Cỏ ít nhất là 2 ngày để có thể cảm nhận trọn vẹn hơn không gian văn hóa làng quê trong miền di sản.

Ăn gì và ở đâu tại Gò Cỏ

Hiện nay làng có 22 ngôi nhà của người dân được cải tạo thành homestay, gồm cả gian phòng cấp 4 và phòng theo kiểu nhà tranh vách đất. Giá cả được niêm yết công khai và thống nhất chung trong toàn bộ các homestay nên bạn có thể thoải mái lựa chọn nhà theo sở thích.

Giá phòng: Nhà cấp 4 (mái lợp tôn): 80k/người. Nhà tranh: 250k-300k/phòng twin. Phụ thu: người lớn 100k, trẻ em 50k, trẻ dưới 6 tuổi sẽ miễn phí.

Ngoài hải sản lúc nào cũng có sẵn, đừng bỏ qua các loại củ luộc (như củ mì, bình tinh, củ lang), các món từ lưỡi long, rong mứt, nước rau câu, và đặc biệt là lá sống nhông – cực kỳ thơm nha.

Giá suất ăn: Ăn sáng 25k/người, bữa ăn chính (trưa và tối): 70k/người.

Đường đến Gò Cỏ

– Trên đường quốc lộ, dừng xe ở ngã ba cây xoài (cách resort Sa Huỳnh về phía Bắc khoảng 6km). Ngã ba này cách làng Gò Cỏ khoảng 3km.

– Nếu đi xe buýt: Từ thành phố Quảng Ngãi, bạn đi tuyến xe buýt số 2 Quảng Ngãi – Sa Huỳnh khoảng 1h30, giá vé 34k. Xuống trạm ở ngã ba cây xoài và đi xe ôm xuống làng.

– Nếu đi tàu: hai ga tàu gần nhất là ga Đức Phổ và ga Tam Quan, tuy nhiên cũng cách Gò Cỏ hơn 23km, do vậy bạn nên cân nhắc khi di chuyển bằng phương tiện này.

– Nếu đi bằng xe cá nhân: để giữ không gian yên tĩnh, xa khói bụi và còi xe, Gò Cỏ có bãi giữ xe ở đầu làng cho xe máy và ô tô với mức giá 4k – 25k/xe ban ngày và 10k – 50k/xe qua đêm.

Địa chỉ

  • Làng Gò Cỏ, Tổ dân phố Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
  • Điện thoại: 0255 6288 111 – 0963 883 663
  • Website: https://langgoco.com/

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

5 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *