Cây sống nhông – gia vị đặc biệt của miền núi Quảng Ngãi

Cây sống nhông còn gọi là cây sẻn, sẻn gai, sẻn đen, đơn gai, sọ chó, tần tiêu, muồng truổng, muồng lá nhỏ, truông lá nhỏ, mạy khuống (tiếng Tày), lá đắng, sống nhông (Quảng Ngãi), thảo dong (Bình Định).

Lúc tui đi tìm tên khoa học thì ẻm thuộc họ Rutaceae (họ Cam chanh, Cam quýt, Cửu lý hương, Vân hương). Kết quả tìm kiếm cho thấy tên khoa học cụ thể là Zanthoxylum schinifolium (hoặc Zanthoxylum schinifolium S et Z do được Siebold & Zuccarini miêu tả khoa học đầu tiên năm 1846). Tuy nhiên, cây Zanthoxylum schinifolium lá thuôn dài chứ không tròn như cây sẻn nên tui không chắc chắn lắm về tên khoa học của cây sẻn, chỉ biết là em thuộc họ Cam chanh mà thôi.

Tui gặp em này lần đầu trong chuyến đi Gò Cỏ (Quảng Ngãi). Phải nói rằng tui thiệt là may mắn khi chuyến đi nào cũng gặp được những em cây hoa lá cành mới (mà tui chưa biết), những món ăn mới. Đây là loại cây bụi, mọc hoang nhiều ở miền núi các tỉnh miền Trung, Lào Cai, Lạng Sơn. Người dân thường lên rừng hái lá, có người bứng về nhà trồng nhưng cũng không dễ sống.

Đúng là dòng họ Cam chanh, lúc nào trên cành cũng sắm những chiếc gai nhọn để thủ thế.

Cây sẻn rất đẹp, dáng nhỏ xinh, bộ lá tươi mướt mát. Cây sẻn có lá kép lông chim với các lá chét hình bầu dục mọc đối nhau. Lá rất đẹp, màu xanh bóng mượt, mỗi lá chỉ to cỡ đốt tay. Lá non thì mềm, càng già lá càng cứng và chuyển xanh đậm hơn.

Từ đầu cành vươn ra những nhánh nhỏ, trên đó là đám hoa sẻn túm tụm chụm lại. Hoa sẻn có chút xíu, chỉ bé bằng đầu đũa, màu trắng hơi ngà.

Quả sẻn được tạo thành từ bên trong những cánh hoa đó; khi lớn dần lên lớp cánh bao bọc bên ngoài héo dần, mở ra khoảng không cho quả phát triển. Trên thân quả lốm đốm những chấm xanh cũng bé xíu.

Cả lá non và lá già đều ăn được nhưng thường thì lá càng già vị càng nồng đượm hơn. Tui tin là chỉ cần ngửi lá sẻn thì bạn sẽ nghĩ ngay đến một loạt các món ăn. Vò rất nhẹ phiến lá là đã có mùi thơm rồi. Nó là sự pha trộn giữa ngũ vị hương, thoang thoảng mùi vỏ quýt khô, nói chung là rất khó mô tả nhưng cực kỳ thơm. Khi nhai lá hơi the nhưng sau đó là ngọt hậu.

Khi nấu ăn, lá sẻn thường được giã giập rồi ướp với các loại thịt rừng hoặc hải sản. Hoặc cũng có thể nêm vào lúc thức ăn đã chín, bỏ vào đảo qua rồi bắc xuống bếp vì nếu nấu lâu thì lá sẽ ngả vàng và giảm độ thơm ngon.

Không chỉ trong thực phẩm mà với y học cổ truyền, cây sẻn cũng có khá nhiều công dụng. Nó có tính sát trùng nên được dùng để chữa mẩn ngứa, ghẻ lở, đau răng, viêm gan vàng da, viêm thận, phong thấp, đòn ngã tổn thương. Quả chữa đau dạ dày, đau bụng. Lá chữa đau thắt lưng, viêm tuyến vú, viêm mủ da, mụn nhọt và có công dụng đuổi muỗi.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

2 comments

  1. Giỏi quá mà. Chi cũng biết. Lại chịu khoa viết. Bao giờ tui mới họcd dc cái tính cần mẫn của người này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *