Trắng tinh hạt muối Gò Cỏ

Dọc theo quốc lộ 1A qua Sa Huỳnh, người ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng muối trải dài. Muối Sa Huỳnh từ xưa đến nay đã rất nổi tiếng. Cách đó không xa có một đồng muối mới vừa được phát hiện, đó là Trảng muối Gò Cỏ, mà dân làng vẫn quen gọi là Sũng muối. Nơi đây người xưa đã tận dụng để làm muối một cách tự nhiên. Năm 2024, một đoàn chuyên gia đã đến đây để tìm hiểu về cách làm muối của người xưa để lại, sau đó trảng muối này được đưa vào khai thác như một dịch vụ du lịch của Gò Cỏ.

Hạt muối Gò Cỏ – kết tinh của biển và đá

Trảng muối là một bãi đá granit nằm giữa gành đá Gò Cỏ, cách bãi biển của làng chỉ khoảng 150 – 200m. Những khối đá to lớn với nhiều kích thước khác nhau trải dài từ mép biển đến gần chân núi, rộng hơn 30m. Từ thời khai thiên lập địa, người xưa đã lựa chọn khu vực tương đối bằng phẳng này để làm đồng muối tự nhiên. Không biết ai là người đầu tiên phát minh ra cách làm muối, nhưng có lẽ ông bà tổ tiên chúng ta từ việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên mà học hỏi cách tạo ra một loại gia vị cực kỳ quan trọng này và lưu truyền nó đến ngày nay.

Các hõm đá rộng xa xa kia chính là ô chứa nước biển tự nhiên.

Khi thủy triều dâng lên, nước biển chảy vào các hõm đá rộng như những ô chứa tự nhiên. Cách đó không xa, trên những phiến đá bằng phẳng và cạn hơn, bà con đã đắp đất sét để be bờ, tạo thành những sũng muối nho nhỏ. Sau đó, múc nước biển từ các ô chứa này đổ vào các sũng này.

Bờ kè đất sét trên sũng muối.

Các nền đá cứng chắc vốn dĩ có khả năng hấp thụ nhiệt rất cao, lại cả ngày phơi mình giữa trời nên cực kỳ nóng. Dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, nước biển dần bay hơi, để lại những hạt tinh thể muối lấp loáng.

Lớp màng muối mỏng trên cùng đã kết tinh, bên dưới vẫn còn nước biển.

Nếu nắng to, phơi khoảng 3 nắng (3 ngày) là nước bốc hơi hết, có thể thu hoạch muối. Mỗi sũng muối nhỏ này chỉ thu hoạch cỡ chừng 2-3kg muối hạt.

Ảnh: Lan Anh.

Dấu tích làm muối hàng nghìn năm

Người ta ước tính khu vực làm muối này rộng khoảng 10ha. Dựa trên những dấu vết khảo cổ, các chuyên gia nhận định rằng trảng muối Gò Cỏ đã có niên đại khoảng 2000 năm. Nơi đây nằm trong vùng lõi của nền văn hóa Sa Huỳnh, cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ khoảng 800m và các khu vực mộ táng của họ khoảng 500m.

Trảng muối nằm trên bãi đá vươn ra biển ở xa xa kia.

Nghĩa là từ thời xa xưa, người Việt cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đã bày cho nhau kỹ thuật làm muối. Khi văn hóa Sa Huỳnh khép lại vào thế kỷ thứ 2, người Champa trên vùng đất này đã tiếp nối. Không biết cư dân tiểu vương quốc Amaravati làm cách nào để truyền nghề trước những biến động lịch sử; nhưng thật may mắn là người Đại Việt đã kịp học hỏi cách làm muối độc đáo này trước khi vương triều Champa kết thúc, từ đó duy trì cho đến ngày nay. Nói một cách khác, phương pháp này đã được lưu giữ và kế thừa qua các nền văn hóa nối tiếp nhau: Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt.

Các chuyên gia còn chứng minh việc làm muối bằng cách phơi nước biển trên đá của người Sa Huỳnh cổ trên vùng đất Gò Cỏ này tương đồng với cư dân Trung Quốc ở đồng muối cổ Dương Phố (Hải Nam, Trung Quốc). Thế nhưng, phương pháp làm muối ở Trung Quốc xuất hiện sau Gò Cỏ rất nhiều, vào khoảng năm 800 sau công nguyên.

  • Góc nhỏ: Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí được hình thành đỉnh cao văn minh vào thời kỳ đồ sắt có niên đại từ 500 năm trước công nguyên, kết thúc ở thế kỷ 2 sau công nguyên. Nguồn gốc là từ các văn hóa tiền Sa Huỳnh trước đó thuộc sơ kỳ đồng thau, trung kỳ đồng thau (khoảng 1.500 – 500 trước công nguyên). Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở miền Trung; phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình; phía Nam giao thoa với Văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận; phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn; phía Đông là biển.
  • Theo các nghiên cứu, cư dân Sa Huỳnh làm muối theo 3 cách: (1) làm muối trên đá như ở Gò Cỏ; (2) làm muối trên các cánh đồng như ven biển Sa Huỳnh hiện nay; (3) nấu nước biển trong các nồi gốm.

Từ hạt muối đến sản phẩm du lịch

Tiếc là tui đến đây khi bà con vừa thu hoạch muối vài ngày trước. Trên gành chỉ còn lại vài sũng muối nhỏ đang dần kéo lớp màng nước biển trên cùng, sũng khác sót mớ muối chưa khô hẳn. Muối khá mịn, có vị mặn vừa phải, khá thanh, và thậm chí là ngọt hậu. Hạt muối thấm đẫm nắng trời, hương biển, và hoàn toàn là muối sạch tự nhiên.

Trảng muối nằm ngay trên gành đá Gò Cỏ nên bạn có thể kết hợp tham quan cả hai và hoàn toàn không tốn phí. Bạn cứ hỏi người dân địa phương thời điểm đổ nước, làm muối hoặc thu hoạch để đi theo xem cho rõ hơn. Đây cũng là một điểm đến mà Gò Cỏ vừa mới bổ sung vào danh sách sản phẩm du lịch của làng.

Thật ra, lần đầu đến đây, tui đã thấy hạt muối này quen quen, nó giống như hạt muối tự nhiên trong kẽ đá trên hòn Ông Căn – một khối đá cao vài chục mét nằm giữa biển, nơi đánh dấu cột mốc điểm cơ sở A9 ngoài khơi. Ở đây thì không do bàn tay con người mà đơn thuần chỉ là nước biển đọng lại trên đá mà thành muối.

Địa chỉ

  • Làng Gò Cỏ, Tổ dân phố Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
  • Điện thoại: 0255 6288 111 – 0963 883 663
  • Website: https://langgoco.com/

Mức phí

Đây là bãi đá tự nhiên nên bạn thoải mái tham quan mà không tốn bất kỳ khoản phí nào nhé.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *