Đến Hội An, ngoài việc đi dạo phố cổ vào sáng sớm để tận hưởng không khí trong lành và bình yên, thì tui xin mách bạn một nơi cũng thú vị không kém – đó là làng gốm Thanh Hà. Những nét đặc sắc của làng nghề này đã giúp nghề gốm Thanh Hà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2965/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
1. Đường đến làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà cách phố cổ Hội An khoảng 3km. Từ quảng trường sông Hoài hoặc bãi giữ xe phố cổ => theo đường Cao Hồng Lãnh ra đường Hùng Vương => chạy thẳng đến khi nào bạn thấy một bùng binh lớn chữ Y có cây cầu Cẩm Kim phía trên (nếu đi lên cầu Cẩm Kim thì sẽ tới lò gạch Duy Xuyên), bên dưới cầu phía tay trái là chợ Thanh Hà => đi theo hướng bên trái vào đường Duy Tân, đến đây thì chỉ còn hơn 500m là tới => đến ngã tư Duy Tân – Phạm Phán, rẽ vào tay trái chính là làng gốm Thanh Hà. Đường rộng và đẹp, bạn chạy xe thoải mái nhé.
Biển chỉ dẫn nằm bên tay trái nếu đi từ phía Hội An đến.
2. Lịch sử làng gốm Thanh Hà
Tính đến nay, làng gốm Thanh Hà đã gần 500 năm tuổi. Người ta nói rằng, từ thế kỷ 16, theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong, có một bộ phận cư dân Thanh Hóa đã dừng chân ven sông Thu Bồn của xứ Quảng để lập nghiệp. Nghề gốm mà họ mang theo được dùng để chế tạo các sản phẩm gia dụng và phụ giúp thu nhập gia đình. Đến cuối thế kỷ 16, cảng thị Hội An bắt đầu phát triển mạnh mẽ và ngày càng thịnh vượng. Gốm Thanh Hà cũng bắt đầu có cơ hội lên thuyền ra xứ Huế, Thừa Thiên, rồi thậm chí xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan… Nghề phụ trước kia giờ trở thành nghề chính của cư dân Thanh Hà. Các sản phẩm gốm được làm đa dạng hơn, mua bán sôi nổi hơn và góp phần làm cho hoạt động giao thương tại Hội An ngày càng tấp nập. Nói một cách khác, sự phát triển của làng gốm Thanh Hà và cảng thị Hội An giai đoạn thế kỷ 17-18 có sự gắn bó chặt chẽ và mật thiết với nhau.
Dòng Thu Bồn chảy bên làng gốm.
3. Nét độc đáo của gốm Thanh Hà
Gốm Thanh Hà gây ấn tượng từ nguyên liệu đến cách chế tác phải đủ 4 khâu cơ bản: làm đất, chuốt gốm, sửa nguội và nung. Nằm bên bờ sông Thu Bồn nên nguyên liệu chính để làm gốm là đất sét nâu dọc con sông có độ dẻo và kết dính cao. Đất sét lấy về được hòa với nước, băm, chém từng cục, xén mỏng và nhào nhuyễn 3 đến 4 lần cho sạch, dẻo. Sau đó còn đạp đi đạp lại để tăng độ kết dính cho đất. Công đoạn chuốt đất (chuốt gốm) thường phải có 2 người làm, một người đứng đạp bàn xoay cho nó quay, còn người ngồi thì dùng tay nhồi đất để tạo hình cho sản phẩm.
Xong bước này, phôi đất được phơi nắng cho cứng lại, nếu có chỉnh sửa thì phải làm thật sớm trước khi đất sét kịp khô – giai đoạn này gọi là sửa nguội.
Đem phôi gốm đi phơi.
Phôi đã thành hình và cứng hẳn thì được đưa vào lò nung.
Gốm đã phơi nắng và cứng lại, cho vào giỏ rồi gánh đi nung thôi.
Như nhiều nơi khác, ở đây cũng dùng lò củi truyền thống, nung ít nhất 7-8 tiếng đồng hồ, sau đó tùy loại đồ gốm mà kéo dài lửa lớn cho đến độ thì mới nghỉ. Củi thường là rủi rừng dền, dẻ, trường, trám, phi lao. Những người thợ lò ở đây xịn sò đến độ chỉ cần nghe tiếng lửa réo, nhìn độ trong suốt của khói thoát ra, cảm nhận hơi nóng của lò cùng với thời gian nung mà có thể đoán được độ nóng của lò và gốm đã chín đến mức nào.
Thành phẩm làm ra có gốm đất nung và gốm sành nâu. Gốm đất nung được nung với nhiệt độ tương đối thấp, khoảng 600 – 900oC thì thành phẩm sẽ có màu đỏ, vàng gạch. Gốm sành nâu nung với nhiệt độ cao hơn, khoảng 1000 oC. Gốm Thanh Hà cũng rất đa dạng, từ đồ gia dụng đến dụng cụ sản xuất (cho nghề dệt ở Duy Xuyên, Điện Bàn, nghề làm đường ở Đại Lộc…), gạch ngói, đồ mỹ nghệ trang trí… Ngoài ra nếu đi dạo Hội An bạn sẽ thấy người ta hay bày bán những con thổi mang hình thù các con thú. Đây cũng là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà từ những năm 90 của thế kỷ 20.
Khám phá gì ở làng gốm Thanh Hà
Dù có nhiều công nghệ hiện đại, làng gốm Thanh Hà vẫn miệt mài giữ gìn cách thức truyền thống với nghề: không có khuôn, tạo hình bằng tay và nung bằng lò củi truyền thống. Điểm đặc sắc này đã tạo nên thương hiệu riêng cho gốm Thanh Hà. Bạn có thể ghé vào một số nhà dân có làm dịch vụ du lịch để hòa mình cùng hoạt động này.
Nếu không, dạo bước trên con đường làng với những ngõ nhỏ, ngắm nhìn khung cảnh bình yên cũng làm cho lòng nhẹ nhàng.
Đến với làng gốm Thanh Hà, ngoài việc được tham quan quy trình làm gốm, tự tay làm gốm, bạn còn có thể ghé lại bảo tàng gốm Thanh Hà – một nơi lưu giữ nhiều ký ức gốm rất đặc sắc.
Phối cảnh Văn Miếu (Hà Nội) bằng gốm trong bảo tàng gốm Thanh Hà.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Làng gốm Thanh Hà – 500 năm tạo nên vẻ đẹp cho đất […]