Khi cơn gió mùa đông thở nhẹ một làn hơi man mát vào đất trời, những bông cúc họa mi dịu dàng bắt đầu len lỏi khắp phố phường Hà Nội. Cúc đong đưa trên gánh hàng hoa của chị, cúc tung tẩy theo bước chân của bà, cúc tinh khôi trong đôi mắt người thiếu nữ, cúc trải dài trong những vườn hoa ven bãi đá sông Hồng.
Cúc họa mi được xem là loài hoa báo đông, khi những cánh trắng đầu tiên bung nở là dấu hiệu một mùa lạnh sắp đến. Thật ra, nói cho chính xác, cúc họa mi đã khoe sắc từ lúc thu còn dùng dằng chưa qua mà đông thì lười biếng chưa đến. Đây là loài hoa mọc hoang dã, sống bền bỉ và mạnh mẽ dù cây khá mong manh yếu ớt. Bây giờ có khá nhiều giống cúc họa mi nhiều màu khác nhau, nhưng làm xao xuyến lòng người, có lẽ vẫn là cúc họa mi trắng. Điều đặc biệt hơn nữa, mỗi năm cúc họa mi chỉ ra hoa một lần. Và với vẻ đẹp tinh khiết ấy, nó đã trở thành một nét đẹp đặc trưng cho Hà Nội khi đông về.
Nhưng mùa đông Hà Nội không chỉ có cúc họa mi. Chắc là, để điểm xuyết thêm cho cái sắc trắng bàng bạc của cúc họa mi và cho không gian mùa đông bớt lạnh lẽo, ông trời đã vẩy vài giọt nắng vàng rực rỡ vào loài hoa cúc chi. Nếu cúc họa mi là nàng thơ mong manh e ấp, thì cúc chi là cô gái khỏe khoắn rạng rỡ, luôn tỏa sáng nụ cười. Cúc chi thương nở thành chùm, xum xuê. Mỗi bông chỉ có 1-2 lớp cánh bé xíu bung nở ở lớp ngoài cùng, các cánh ở giữa thì cuộn tròn thành nhị như những cái ống hút tí hon. So với cúc họa mi, cúc chi ít người biết đến hơn. Chắc bởi vì cái mùi hăng hắc của nó, là mùi của hoa cúc nhưng hơi nồng một chút.
Cúc chi còn được gọi là kim cúc, cúc tiến vua vì từ xưa, loài cây này đã được trồng để lấy hoa dâng lên vua, chắc là vì màu vàng óng giống như sắc màu quyền lực của hoàng cung. Cúc chi cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Hoa được hái lúc đang nở rộ, phải lựa từng bông một, tránh dập nát, không được để lại cuống hoa. Người hái cũng phải rất tỉ mỉ, lựa chọn chỗ đứng sao cho phù hợp để tránh làm gãy cành vì còn rất nhiều nụ hoa khác chưa nở. Người dân trồng cúc ước tính mỗi sào hoa cúc thu được khoảng 450 kg hoa tươi, 5-7 kg hoa tươi mới được 1 kg hoa khô, từ đó đem sấy khô làm trà hoặc kết hợp với các vị thuốc khác, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chữa mất ngủ.
Cũng như cúc họa mi, cúc chi chỉ có một mùa trong năm. Thật may mắn, tui đã có dịp ôm vào lòng cả một mùa cúc họa mi và cúc chi đang thắm sắc. Câu cuối cùng của bài, như các bài viết khác, vẫn là tranh thủ “Xách balo lên và đi” nhé bạn.
📌📌 Mách nhỏ cho bạn:
Mùa này bạn có thể bắt gặp cúc họa mi và cúc kim ở bất cứ gánh hàng hoa nào trên phố, hoặc vào các chợ. Nếu muốn chụp hình cả vườn, bạn có thể ghé đến vườn hoa bãi đá sông Hồng.
- Địa chỉ bãi đá sông Hồng: Ngõ 264 Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội.
Đường Âu Cơ có một con đường nhỏ chạy song song bên phía sông Hồng, nằm lọt thỏm dưới mặt đường lớn. Vì vậy nếu bạn muốn đến ngõ 264 Âu Cơ thì phải đi xuống con đường nhỏ này mới có lối rẽ vào ngõ. Nếu đi từ phía phố cổ lên, bên tay phải, dễ nhất là khi qua chợ hoa Quảng An, sẽ có đường rẽ xuống ngay sát chợ. Đây là ngõ 238. Bạn chỉ cần đến ngõ 264 Âu Cơ rồi cứ đi thẳng đến cuối đường, khoảng hơn 1km là tới. Hai bên đường là những cánh đồng, vườn đào và nhiều loại cây khác như bách nhật, cải vàng, hồng leo, đồng tiền, cúc,… mùa nào hoa nấy. Bạn nên đi bằng xe máy vì quãng đường di chuyển từ đầu ngõ vào khá xa. Nếu đi xe buýt thì dừng ở trạm Âu Cơ, số 286 Âu Cơ rồi đi ngược về số 264 như hướng dẫn ở trên. Lưu ý là bãi đá có bán vé vào vườn nhé.
Vườn hoa khá rộng, trồng nhiều loại hoa theo mùa và trang trí nhiều tiểu cảnh khác nhau. Vì vậy bạn có thể đem nhiều bộ trang phục khác nhau để thay đổi. Ngoài ra nhớ mang theo kem chống nắng vì có rất ít bóng mát nhé bạn. Phần còn lại là a lê hấp, tạo dáng thôi nào 🥰🥰🥰
– LVA –
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |