Trên bản đồ du lịch tỉnh Phú Yên, phải công nhận rằng Tuy An là một nơi rất hấp dẫn với nhiều điểm đến thuộc phiên bản giới hạn ở Việt Nam. Chỉ cần đi về phía biển là sẽ thấy một Gành Đá Đĩa với cấu tạo đặc biệt vốn không xuất hiện nhiều trên thế giới; ngôi chùa Thanh Lương làm từ san hô độc đáo; cây cầu gỗ Ông Cọp dài nhất nước ta. Và trong đó không thể không kể đến một địa chỉ gắn liền với lịch sử chữ quốc ngữ là nhà thờ Mằng Lăng.
Địa chỉ
Nhà thờ Mằng Lăng thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vào cửa tự do. Bên ngoài khuôn viên nhà thờ có bãi giữ xe (có tốn phí).
Giờ mở cửa và giờ thánh lễ ở nhà thờ Mằng Lăng
Giờ mở cửa: 6h – 21h, riêng chủ nhật mở cửa từ 4h30.
Giờ lễ: Thứ 2 – thứ 7: 18h. Chủ nhật: 5h, 8h45, 15h45 (mùa nắng) hoặc 14h45 (mùa mưa).
Lịch sử nhà thờ Mằng Lăng Phú Yên
Năm 1892, linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng nằm bên bờ sông Kỳ Lộ (còn gọi là sông Cái). Đến 15 năm sau, năm 1907, công trình được khánh thành. Ông là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Người ta còn nói rằng đây là nơi hội tụ đầy đủ “tiền thông hậu thuận” khi phía Bắc giáp giáo xứ Sông Cầu, phía Nam giáp giáo xứ Chợ Mới, phía Tây giáp giáo xứ Đồng Tre và giáo xứ Sơn Nguyên, còn phía Đông giáp biển. Vì vậy, nhà thờ Mằng Lăng giống như một trung tâm của tôn giáo công giáo huyện Tuy An.
Khoảng sân rộng rãi trong khuôn viên nhà thờ.
Theo một số tài liệu để lại, khu vực này xưa kia là dinh Trấn Biên. Trong bản đồ vương quốc An Nam của linh mục Alexandre de Rhodes (1593-1660) năm 1651 có đánh dấu một tỉnh là “Province de Ranran”. Phía Bắc tỉnh này giáp Quinhin (Quy Nhơn), Nam giáp Chiêm thành. Căn cứ vào vị trí thì đây chính là tỉnh Phú Yên ngày nay. Trên bản đồ cũng thể hiện Phú Yên có 3 con sông. Sông nhỏ ở phía Bắc là sông Cầu; sông lớn hơn ở giữa là sông Cái và sông lớn nhất ở phía Nam là sông Đà Rằng. Thủ phủ của tỉnh được ghi là “Dinh Phoan” nằm ở phía Bắc sông Cái, gần cửa biển, khớp với khu vực của dinh Trấn Biên.
Về mặt lịch sử, tên gọi dinh Trấn Biên xuất hiện từ trước khi bản đồ này ra đời. Năm Mậu Dần 1578, Chúa Nguyễn Hoàng cử ông Lương Văn Chánh vào cai quản vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, tức là khu vực Phú Yên. Nhờ có công lớn, ông được làm đến chức Trấn Biên Quan (vị quan vùng Trấn Biên).
- Góc nhỏ: Lương Văn Chánh là người Bắc Hà; làm quan thời kỳ Lê Trung Hưng, dưới triều vua Lê Thế Tông, giữ chức Đô Chỉ huy sứ trông coi Vệ Thiên vũ.
Năm Kỷ Tỵ 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập dinh Trấn Biên, giao cho con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm quan Trấn thủ. Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Liên – trưởng nữ của Chúa Sãi và là vợ quan Nguyễn Phúc Vinh – được rửa tội năm 1636 với tên thánh là Maria Mađalêna. Sau đó, bà lập nhà nguyện tại đây và bắt đầu truyền giáo. Đó cũng là nhà nguyện đầu tiên ở Phú Yên.
Dưới tác động của tự nhiên, toàn bộ dinh Trấn Biên xưa đã chìm sâu dưới dòng sông Cái và người ta chỉ có thể suy đoán vị trí của nó qua tài liệu cổ để lại. Ngày nay dinh Trấn Biên được dân địa phương gọi là Thành Cũ để phân biệt với Thành An Thổ được vua Minh Mạng (1820-1840) thành lập vào thế kỷ 19, cũng thuộc huyện Tuy An.
Nguồn gốc tên gọi nhà thờ Mằng Lăng Phú Yên
Nhiều người cho rằng xưa kia khu vực An Thạch này có một loài cây hoa tím rất đẹp, cùng họ với cây bằng lăng nên được gọi là mằng lăng. Vì vậy, tên loài cây được lấy để đặt tên cho nhà thờ, gọi là nhà thờ Mằng Lăng. Cây mằng lăng giờ hoàn toàn bị xóa sổ nhưng dấu ấn của nó thì vẫn còn. Đó là chiếc bàn gỗ tròn đường kính khoảng 1.5m trong nhà thờ Mằng Lăng. Người ta cũng nói rằng có 4 cái bàn được đóng từ gỗ xẻ của một cây mằng lăng lớn và đặt ở 4 nơi; ngoài nhà thờ Mằng Lăng thì còn có ở nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn (Bình Định), Tiểu Chủng viện Làng Sông (Bình Định) và nhà thờ Hộ Diêm (Ninh Thuận).
Giai thoại này được nhiều người nhắc đến, nhưng tui thì không chắc chắn về nó vì chưa tìm thấy tài liệu nói về cây mằng lăng.
Ngôi giáo đường mang nét kiến trúc Gothic
Trong khung cảnh làng quê yên bình là một ngôi giáo đường nhỏ, nằm giữa khuôn viên rộng hơn 5.000 m2. Bao quanh là vườn cây xanh mát, nhiều nhất là bằng lăng. Đến mùa, không gian thắm một màu hoa tím đầy lãng mạn. Hơn 100 năm trôi qua, mưa gió đã lưu dấu trên ngôi nhà thờ phủ màu xám xanh, khiến nó càng trở nên trầm mặc. Và dù thời gian đã phủ nét trầm mặc lên công trình, nhưng dấu ấn Gothic thì vẫn còn hiện hữu khá rõ qua tháp chuông, mái vòm nhọn, cửa sổ kính màu…
Phần tiền đường có nét kiến trúc phổ biến với 2 tháp chuông vươn cao bề thế 2 bên, ở giữa là cây thập tự giá.
Cánh cửa gỗ dẫn vào ngôi giáo đường được chạm khắc tỉ mỉ với những đường nét mềm mại.
Phần trần nhà không phải kiểu vòm cong như thường thấy ở nhiều ngôi giáo đường khác mà được ốp gỗ phẳng.
Khung cửa sổ điệu đà chia làm 3 tầng, phần vòm cong phía trên bằng gỗ với hoa văn rỗng đưa gió và sáng ùa vào, phần giữa là kính màu, phần dưới cùng có thể mở ra cho thông thoáng.
Gian cung thánh giản dị. Trên các bức tường hai bên là những bức tranh về các chặng đường thánh giá.
Xem thêm hình ảnh một số nhà thờ có mặt tiền tương tự nhà thờ Mằng Lăng:
- Nhà thờ Lớn Hà Nội mùa chuông ngân
- Qua miền giáo đường: Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai (Nam Định)
- Lạc vào miền cổ tích ở nhà thờ Hưng Nghĩa (Nam Định)
Phòng thờ – Nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử
Công bằng mà nói, kiến trúc nhà thờ Mằng Lăng không quá cầu kỳ hoặc đặc biệt gì khác so với các nhà thờ được xây dựng cùng thời ở nước ta. Thế nhưng đây vẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu và du khách bởi điểm nhấn liên quan đến chữ quốc ngữ. Bước qua cánh cổng sắt vào khuôn viên nhà thờ sẽ thấy một ngọn đồi nhỏ bên tay trái là khu vực đền thờ thánh Anrê Phú Yên. Bên trên đồi có bức tượng của ông. Còn bên dưới, trong lòng quả đồi là một hang động nhân tạo, gọi là động Mằng Lăng.
Cửa hang không quá lớn, lối đi bên trong cũng nhỏ và ngắn. Dọc lối đi là những chân trụ, giả kiểu thạch nhũ trong các hang động đá vôi thông thường. Men theo vách hang là những hình ảnh, thông tin về nhà thờ Mằng Lăng xưa kia, thánh Anrê Phú Yên và cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Cuốn giáo lý Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) được trang trọng đặt trong một tủ gỗ khung kính. Cùng với sách Từ điển Việt – Bồ – La, đây là 2 quyển sách đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Cả hai đều do cha Đắc Lộ biên soạn, in tại Roma (Ý) vào năm 1651. Cuốn giáo lý đã được sự đồng ý của Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Sách gồm 319 trang, mỗi trang chia 2 cột như kiểu định dạng trên báo giấy. Đây là một dấu ấn cực kỳ quan trọng trong việc thừa nhận và hệ thống hóa chữ quốc ngữ, một bước ngoặt lớn trong hệ thống chữ viết của nước ta. Tuy nhiên, quyển Phép giảng tám ngày cũng vấp phải nhiều sự phản đối về mặt nội dung bởi những vấn đề liên quan đến Phật giáo được trình bày trong sách. Điều này có thể do sự khác biệt về quan điểm tôn giáo, hoặc có thể do sự hạn chế trong việc tìm hiểu thông tin trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ 17.
Ngoài ra, trong động Mằng Lăng có giới thiệu cha Đắc Lộ là người khai sinh ra chữ quốc ngữ. Ông là người Pháp và là một nhà truyền giáo dòng Tên, đến Việt Nam năm 1624. Nhưng cho đến nay nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh ông tổ của chữ quốc ngữ của nước ta là cha Francesco De Pina (1585-1625) người Bồ Đào Nha, đến Việt Nam từ năm 1617.
Chính giữa động, ở khu vực rộng nhất là gian nhà nguyện và cung thánh thờ Chân phước Anrê Phú Yên (1625 – 1644). Năm 1641, Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha Đắc Lộ rửa tội trong dịp tĩnh tâm 4 ngày liên tục tại nhà nguyện của Công nữ Maria Mađalêna Ngọc Liên trong dinh Trấn Biên. Ông bị xử tử vào năm 1644 tại Quảng Nam, khi vừa tròn 19 tuổi. Thi hài được đưa về Ma Cao năm 1644 và sọ được lưu giữ tại Roma (Ý) năm 1652. Ở trong hang động có một bức phù điêu ghi lại cảnh thi hành án với ông (bên trái gian thờ) và một bức phù điêu ghi lại cảnh phong Á thánh (phía bên phải).
Góc nhỏ:
- Chân phước Anrê Phú Yên – một trong 117 người tử vì đạo tại Việt Năm và là vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Nhà thờ Mằng Lăng cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên. Ông được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước vào ngày 5/3/2000.
- Tử vì đạo hay còn gọi là tử đạo, là một người nào đó kiên trung minh chứng cho các chân lý đức tin, làm chứng cho Chúa Kitô bằng việc hy sinh mạng sống của chính mình. Ba điều kiện thiết yếu: thứ nhất, đời sống thể lý đang đi dần đến cái chết; thứ hai, kẻ làm cho người Kitô hữu phải chết, thực sự rất ghét đời sống Kitô Giáo và Chân Lý; cuối cùng, cái chết đã được người Kitô hữu chấp nhận một cách tình nguyện để minh chứng đức tin.
- 117 vị Thánh tử vì đạo ở Việt Nam là người Việt, Tây Ban Nha và Pháp. Tử dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767), chúa Trịnh Sâm (1767-1782), vua Cảnh Thịnh (1782-1802), vua Minh Mạng (1820-1841), vua Thiệu Trị (1841-1847), vua Tự Đức (1847-1883).
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |