Đi bộ có tác dụng gì? Tui tin là ai cũng có thể liệt kê ra một danh sách dài dằng dặc lợi ích về sức khỏe nhờ đi bộ. Nhưng với tui, đi bộ là cách dễ dàng nhất để tui ngó nghiêng trời mây non nước và nhờ đó cũng thấy được quá trời điều thú vị quanh mình. Chẳng hạn như cái lần lượn từ cầu Dã Viên (Huế) qua công viên Bùi Thị Xuân, tui phát hiện ra một em cây cao to với những chùm quả múp míp.
Dùng 7749 kênh thì tui mới biết được danh tính của ẻm. Tui không biết ai đã đặt cái tên đầu tiên mà nó chẳng liên quan gì đến công dụng như vậy. Đó là cây Gội, Gội nếp, Gội nước, Gội trắng, Gội báng súng, Gội tía. Tên khoa học là Aglaia spectabilis (Amoora gigantea Pierre); thuộc họ Xoan (Meliaceae).
Gội là loại cây gỗ lớn, có thể cao 30-45m. Tui đứng trên lan can cầu nên mới ngang tầm của ẻm như này, chứ nếu dưới gốc nhìn lên thì cũng đành chịu, không thể chụp hình được với cái máy ảnh cùi của tui. Mấy cây trong công viên đường kính chỉ khoảng hơn 1 gang tay, còn cây lâu năm thì có thể lên đến 5-7 gang tay.
Hàng cây gội trong công viên Bùi Thị Xuân.
Mấy cái lá non còn tươi mơn mởn như này, chứ trưởng thành hơn chút xíu là chuyển màu xanh sẫm. Lá cây gội to như kiểu lá cây bằng lăng, mọc đối, phình to ở phần gần cuống lá và thuôn lại ở phần đầu. Đây là loại lá kép lông chim; Mấy cặp lá ở ngọn còn nhỏ nên ốm o gầy mòn hơn, phiến lá hình mũi mác; Mấy cặp lá phía gần thân cây thì mập mạp hơn, gốc và đầu phiến lá cũng tròn đầy. Bề mặt lá nhẵn bóng, mép hơi gợn sóng nhẹ.
Hoa gội hình tròn, màu trắng ngà, chỉ be bé cỡ 3-4mm. Hoa mọc thành cụm ở đầu cành. Quả gội tròn lủm và mọc thành chùm như dâu da. Quả non có vỏ màu xanh và chuyển dần sang hồng nâu khi chín.
Bên trong quả chia thành 3 ô, mỗi ô 1 hạt. Hạt có lớp bọc ngoài màu đỏ tươi khá đẹp. Quả chín thường nứt ra dù vẫn còn dính trên cây hoặc rụng xuống đất như này.
Các quả này nếu gặp điều kiện thích hợp có thể mọc mầm thành cây. Theo đặc tính sinh học, mùa hoa cây gội vào tháng 2, 3; ra quả vào tháng 5-10. Thế nhưng khi tui đi vào tháng 4 đều bắt gặp những chùm quả lúc lỉu. Quả gội có mủ trắng, khá dính. Có lẽ do không ăn được nên người ta mới ngó lơ, quả còn đầy trên cành.
Gỗ gội nằm trong nhóm IV của bảng phân loại gỗ của Việt Nam với độ bền khá cao và dễ gia công làm giường, tủ, bàn ghế… Ngoài ra, lá cây gội thường nấu nước tắm để trị ghẻ.
Phía trong Đại nội, bên trái lầu Ngũ Phụng cũng có một cây gội khá cao.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |