Cây mướp sát

Có những loại quả chỉ ăn được một lần trong đời nên tui phải lưu lại để biết mà né ra.

Cây mướp sát còn gọi là xoài biển, mật sát, sơn dương tử, hải qua tử. Tên khoa học là Cerbera odollam Gaertn, thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Mà đã đụng đến họ hàng nhà Trúc đào thì biết là ĐẸP và ĐỘC rồi.

Tui gặp em nó rất tình cờ trong một lần lạc đường ở Mỹ Thắng (Phù Mỹ), nhìn thấy mà “wow” vì ẻm đẹp và lạ quá. Ở phố thì chẳng thể nào gặp được loại cây này vì nó thường mọc dại ở những vùng ẩm thấp và có khí hậu khắc nghiệt, nhiều nhất là ven biển miền Trung, miền núi phía Nam. Ẻm cũng chịu được lạnh nên khá phổ biến tại các vùng ôn đới ở Trung Quốc, Ấn Độ, châu Úc. Mướp sát thuộc loại loài cây nhỡ, cao khoảng 4-6m, toàn thân có mủ trắng; cành nhỏ lỏng khỏng, vươn ra nghều ngào. Lá cây thuôn dài khoảng 10-15cm, đầu nhọn, rộng chỉ khoảng 2-4cm nên nhìn khá thanh mảnh. Lá mọc so le và tập trung nhiều ở đầu cành. Chắc chỗ này đông vui nên hoa mướp sát cũng chen chúc ở đây. Hoa có màu trắng, tâm điểm là chấm đỏ làm nền cho 5 cái nhị vàng be bé tỏa ra theo hướng 5 cánh hoa. Lúc còn nhỏ thì nụ hoa mướp sát nằm gần đài hoa, nhưng càng lớn cuống hoa càng dài ra, đến khi nở thì hoa một đằng mà đài một nẻo. Nghe nói hoa mướp sát có mùi thơm nhẹ; bình thường với cái thói táy máy ưa ngửi thì tui đã dí mặt vào, nhưng nó mọc hơi cao nên chỉ có thể vin xuống chụp hình là hết cỡ (ờ may mà tui lùn !!!).

Tui cầm quả trong tay để dễ đối chiếu kích thước nhen

Nhìn từ xa, quả mướp sát rất giống xoài cát thơm nhưng nhỏ hơn, có lẽ cái tên “xoài biển” xuất phát từ đặc điểm này. Quả hình trái xoan, to tròn hơn trứng vịt một xíu, vỏ xanh căng bóng, đong đưa trên cái cuống dài. Khi chín chuyển sang màu hồng đậm rất đẹp mắt. Đây là dạng quả hạch, nghĩa là phần thịt quả bao lấy phần hạch (hạt cứng) bên trong. Quả độc, trong đó hạt là phần độc nhất, chứa chất xecberin, độc ngang ngửa lá ngón, tử vong trong vòng 6 tiếng sau khi ăn. Với một số quốc gia, quả mướp sát được dùng để chế biến thuốc chữa bệnh tim với liều dùng vừa phải – tuy nhiên điều này chỉ dành cho dân chuyên nghiệp.

Một người dân địa phương còn bảo với tui rằng khi đứt tay, lấy mủ cây bôi vào thì sẽ liền nhanh chóng. Hai má con tui cũng hí hửng nhặt một quả chín đem về để xem cấu tạo bên trong như thế nào, nhưng khi nghe chú nói về công dụng “xóa nợ tức thì” của quả mướp sát thì ông con zai đã vứt ngay tắp lự.

Thế nhé, biết độc để tránh. Đặc biệt là với kiểu vừa ham ăn vừa là “nông dân cày đường nhựa” lâu lâu mới được gặp cây cối như tui.

-LVA-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

4 comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *