Cầu tre lắt lẻo – cầu gỗ trên đầm Trà Ổ (Phù Mỹ, Bình Định)

Mùa Covid năm 2021, tranh thủ đợt nghỉ kéo dài, tui vác xe máy chở ông con chạy tuốt ra Hoài Nhơn theo đường biển. Tui lái xe, còn ổng ngồi sau mở Google maps chỉ đường. Đợt đó đi về là Bình Định phát sinh ổ dịch, phong tỏa luôn. Cũng trong chuyến đi ấy, tui đã lượn đến cầu gỗ nổi tiếng ở đầm Trà Ổ. Cây cầu không có tên chính thức nên nhiều người tạm gọi là cầu Trà Ổ (hồi trước có người còn gọi nó là cầu Bình Long).

Đường đến cầu Trà Ổ

Cầu Trà Ổ bắc ngang qua đầm Trà Ổ, nối liền thôn An Giang Đông, xã Mỹ Đức đến thôn 11, xã Mỹ Thắng của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Thời dịch, nhà nào nhà nấy đóng cửa mà lại đi đúng buổi trưa nên gần như không hỏi được ai. Hai má con lần mò mãi trên bản đồ Google mãi cộng với đi lụi thì mới tìm ra được đường đi. Giờ thì dễ rồi, bạn cứ search từ khóa “Cầu tre thôn 11” là ra, còn hồi đó tui cứ tìm “cầu gỗ Phù Mỹ”, “cầu gỗ đầm Trà Ổ” nên nó không ra.

Lối đi đến cầu phía xã Mỹ Thắng

Đầm Trà Ổ còn có tên gọi khác là đầm Châu Trúc, Bàu Bàng. Đây là một đầm nước lợ tự nhiên, nằm giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Thắng và Mỹ Lợi. Nước trong đầm không ngọt hẳn như sông mà phảng phất vị mặn của biển, nên đã tạo ra hương vị ngon ngọt đặc biệt của các loại thủy sản, đậm đà khó quên. Một trong số các món ngon đặc sản của Phù Mỹ từ đầm Trà Ổ là bún rạm, bún tôm.

Một góc đầm Trà Ổ đoạn ven bờ.

Chông chênh cây cầu gỗ trên đầm

Đoạn này đầm Trà Ổ đã bắt đầu thắt lại nên khoảng cách giữa hai bờ không còn quá xa. Nhưng tui vẫn không biết bằng cách nào mà trên đoạn sông rộng gần 350m, người ta có thể dựng lên một cây cầu chỉ bằng tre và gỗ. Trụ cầu làm bằng gỗ bạch đàn cắm xuống mặt đầm mênh mông, nước dập dềnh trôi.

Thân gỗ ngâm lâu ngày trong nước nên rong rêu bám đầy.

Mặt cầu làm từ đủ loại nguyên liệu: tre, thân cây lẫn ván gỗ theo kiểu có gì xài nấy. Chắc là mỗi lần có đoạn nào bị hư, người ta lại lấy vật liệu phù hợp thay thế nên nó lổn nhổn như vậy. Tất cả được đóng đinh vào thân đỡ bên dưới.

Tre, thân bạch đàn hay ván gỗ – tất cả đều được tận dụng để đóng mặt cầu.

Mặt cầu có những đoạn bị khuyết như này do lâu ngày gỗ mục, gãy hoặc cũng có khi do không chịu được sức nặng của xe đi qua.

Có đoạn thanh tre chỉ còn đính một đầu vào mặt cầu, đầu còn lại lủng lẳng như răng rụng thế này.

Hai bên rìa là những cây gỗ, tre dài được buộc với mặt cầu bằng dây thừng, dây nhựa và cả dây mây.

Các cây gỗ trên mặt cầu có độ dài ngắn, cong vênh khác nhau nên nhìn từ xa ngoằn ngoèo như một con rắn vắt mình qua đầm. Tui công nhận độ sáng tạo và sự can đảm của những người dựng cầu lẫn người đi qua cầu dễ sợ.

Tui để xe máy bên này cầu rồi đi bộ qua bờ bên kia. Vừa đi trên cây cầu gập ghềnh, vừa né các xe máy chạy ngang mà tui run. Âm thanh lọc cọc phát ra từ cây cầu như đang oằn mình dưới sức nặng của xe khiến tui cứ ráng bước nhanh nhanh cho hết đường. Ra đến giữa đầm, gió thổi càng to, vừa đi tui vừa sợ lọt xuống nước.

Đến bờ bên kia tui phát hiện ra một loài cây có hoa thiệt đẹp, chụp vội một bác đang lững thững qua cầu để hỏi mới biết đó là cây mướp sát – chủng loại có độc tính cao. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Cầu Trà Ổ hiện đại

Cầu gỗ Trà Ổ trước đây đã lùi vào quá khứ. Tháng 10/2023, một cây cầu bê tông khang trang hiện đại rộng đến 5m đã mọc lên thay thế nên những hình ảnh tui kể trên chỉ còn trong ký ức.

Cầu Trà Ổ mới. Ảnh: Nguyễn Dũng, Báo Bình Định.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *