Nằm ở cửa ngõ phía tây của cố đô Hoa Lư xưa, quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) là một điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy và đậm đà bản sắc truyền thống. Quần thể chùa Bái Đính được xây dựng trên tổng diện tích 539 ha, gồm có chùa Bái Đính cổ (xây dựng năm 1136 với diện tích 27 ha) và chùa Bái Đính mới (xây dựng năm 2003 với diện tích 80 ha).
Bái Đính cổ tự
Chùa Bái Đính cổ nằm trên núi Đính, ngọn núi cao nhất vùng (cao 187m), là điểm khởi đầu và cũng được coi là núi chủ của sơn hệ đá vôi Hoa Lư ở phía Tây Bắc. Các ngọn núi xung quanh đều thấp hơn và hướng về phía núi Đính, như quần thần đang phủ phục trước núi chúa.
Chùa Bái Đính cổ tọa lạc trong hang động khá yên tĩnh và kiên cố như kiến trúc chùa hang thường thấy ở nhiều ngôi chùa cổ ở nước ta. Chùa được xây dựng bởi Quốc sư/ Đức thánh Nguyễn Minh Không. Tương truyền ông đã phát hiện ra nơi này khi đi tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Đến đây, ông đã đặt ban thờ, biến các hang động thành chùa. Khi đi kinh lý qua đây, vua Lê Thánh Tông đã đề tặng bốn chữ “Minh Đỉnh danh lam” cho khu vực này.
Năm 1997, chùa Bái Đính cổ được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia.
Bái Đính tân tự
Gần 1000 năm sau, năm 2003 Bái Đính tân tự (chùa Bái Đính mới) được khởi công xây dựng. Nằm lưng chừng trên triền đồi Ba Rau, dưới chân núi Đính; trước mặt là hồ Đàm Thị và sông Hoàng Long; xung quanh có các ngọn núi ôm lấy; chùa Bái Đính sở hữu vị trí đắc địa theo hướng “tiền thủy hậu sơn”, trước mặt là không gian thoáng đãng, sau lưng có núi cao che chắn.
Mách nhỏ cho bạn: Sông Hoàng Long là một tuyến giao thông thủy cực kỳ quan trọng dưới thời Đinh và Tiền Lê. Đây cũng là nơi vua Lý Công Uẩn bắt đầu lên thuyền dời đô ra Thăng Long.
Buổi tối thời gian không nhiều nên cách tốt nhất là đi thẳng đến điểm khởi đầu – khu vực Tam quan của chùa bằng xe điện.
Quầy bán vé đây nè.
Mua vé xong thì xếp hàng qua cổng soát vé nhen. Lúc tụi tui đi khá vắng người nên các khâu thủ tục này cực nhanh.
Lên xe, tới luôn bác tài.
Toàn bộ các công trình được sắp xếp trải dài theo triền đồi, càng lên cao càng là công trình đồ sộ và linh thiêng. Bắt đầu từ Tam quan ngoại, qua Tam quan nội đi lên Gác chuông, tiếp đó là điện Quán âm, điện Giáo chủ và trên cùng là điện Tam thế.
Vẻ đẹp huyền ảo trong đêm
Con đường lát gạch đá dài này dẫn từ cổng tam quan đến khu tam quan nội.
Bầu trời buổi hoàng hôn trong sân Tam quan nội.
Từ Tam quan nội đi hết hành lang này sẽ đến điểm bắt đầu của hành lang La Hán.
Đúng như tên gọi, hành lang La Hán gây ấn tượng bởi 500 bức tượng La Hán đặt trên đường đi. Các bức tượng đều được làm thủ công bằng loại đá xanh đặc biệt lấy từ núi Thiện Dưỡng (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), mỗi bức tượng cao khoảng 2, cả bệ đến 2.5m, nặng 2-2,5 tấn. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ đá Ninh Vân, mỗi vị La Hán thể hiện thần thái, hình dáng, hỉ, nộ, ái, ố khác nhau, không tượng nào giống tượng nào. Trong số này còn có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hai dãy hành lang dọc hai bên chùa dài khoảng 1.7km, dẫn từ Tam quan lên điện Tam thế là hình ảnh tượng trưng cho con đường đến với Phật pháp của các vị La Hán.
Mách nhỏ cho bạn: Đá ở núi Thiện Dưỡng trước đây từng được dùng làm nghiên mực bởi chất liệu rất tốt. Trong Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam Nhất thống chí, tập 3 có ghi rằng ”…ở xã Thiện Dưỡng núi cao chót vót, hình thù tròn trặn, đĩnh đạc, lên cao trông xa thì thấy các núi khác đều nhỏ. Núi này sắc đá xanh biếc, dùng làm nghiên mực rất trơn mịn, đáng yêu”. Địa thế Hoa Lư với núi Thiện Dưỡng, sông Hoàng Long được coi là nơi khí thiêng hun đúc cho những anh tài kiệt xuất ra đời.
Gác chuông cao 3 tầng theo kiến trúc lầu bát giác như hình hoa sen đang nở. Bên trong, treo phía trên là đại hồng chung bằng đồng nặng đến 36 tấn. Dưới quả chuông là một cái trống đồng nặng 70 tấn. Người ta vẫn tin rằng tiếng chuông chùa ngân vang đến đâu là Đức Phật sẽ phổ độ chúng sinh đến đó.
Từ gác chuông tiếp tục đi lên là điện Quán Âm thờ Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Mái điện lợp ngói men ống Bát Tràng. Điện có tổng cộng 32 cột, gồm 2 hàng cột cái, mỗi hàng 6 cột cao 11.8m; 20 cột con cao 4.8m nằm bốn phía xung quanh. Các cột này đều được đặt trên các tảng đá hình vuông khắc hình hoa sen. Trong gian chính giữa của ngôi điện bề thế rộng 7 gian là pho tượng Quan Thế âm Bồ Tát lớn nhất Việt Nam, nặng đến 80 tấn, được đúc bằng đồng, dát vàng.
Mái uốn cong trên điện Quán âm. Nơi đây thiết kế hai tầng mái để nâng độ cao, lấy sáng và không khí trong điện.
Đá lát trên sân điện Quán âm cũng được khắc hình hoa sen. Trong ảnh đương nhiên là tui á.
Điện Giáo chủ nằm phía trên điện Quán âm. Điện Giáo chủ gồm 5 gian. Trong điện này có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 10m, nặng 100 tấn, dát vàng, là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Sân điện Giáo chủ cũng như sân các điện khác đều rộng như này. Tòa nhà phía xa chính là hành lang La Hán, nhìn kỹ bạn sẽ thấy một số pho tượng La Hán màu xám ở góc trái dãy nhà.
Từ điện Giáo chủ nhìn sang góc phải là tháp Báo Thiên cao 100m, chia thành 13 tầng. Tầng cao nhất hiện đang lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được rước từ Ấn Độ về năm 2008. Bạn có thể đi thang máy lên tầng cao của tòa tháp để chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh chùa Bái Đính.
Nằm ở vị trí cao nhất là điện Tam thế – ngôi điện đồ sộ nhất ở chùa Bái Đính. Điện cao đến 34m, dài hơn 59m. Trong điện là 3 pho tượng Phật cao 7.2m, nặng 50 tấn. Đây là hình ảnh của chư Phật trong 3 giai đoạn: Quá khứ – Đức Phật A Di Đà, Hiện tại – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tương lai – Đức Phật Di Lặc. Từ điện Tam Thế này, leo lên núi sang phía trái khoảng 800m là đến chùa Bái Đính cổ.
Lễ hội chùa Bái Đính đã khai hội từ mùng 6 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Nếu không sắp xếp được thời gian ban ngày thì bạn hoàn toàn có thể đi chùa vào buổi tối để vừa chiêm ngưỡng khung cảnh uy nghi, lung linh huyền ảo dưới ánh đèn rực rỡ, vừa trải nghiệm không gian thanh tịnh nơi cửa thiền. Giữa không gian tĩnh lặng của buổi đêm, nghe tiếng côn trùng rả rích, tận hưởng không khí thanh mát trên đồi cao, bạn sẽ thấy tâm hồn trở nên thư thái, nhẹ nhàng. À mà đó là người ta nói. Còn tui, nói thiệt chớ tui toàn phải co giò đi cho lẹ chớ vốn nhát ké nên không dám tuột lại phía sau giữa một không gian mênh mông vắng lặng.
Đường đi đến chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Vĩnh, tỉnh Ninh Bình.
- Nếu đi đường bộ: từ Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình bạn sẽ mất gần 2h cho quãng đường khoảng 95km. Nếu đi xe khách đến Ninh Bình thì từ bến xe Ninh Bình đến chùa Bái Đính khoảng 20km.
- Nếu đi máy bay: Ninh Bình không có sân bay nên bạn chỉ có thể bay đến Nội Bài, Hà Nội sau đó xuống Ninh Bình.
- Nếu đi tàu lửa: chuyến tàu Bắc – Nam SE có dừng tại ga Ninh Bình. Từ ga đi xe đến chùa mất khoảng hơn 21km.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |