Lâu lâu dư luận lại có vài trend cực hot. Ở đây tui chỉ nói đến những tin tức tiêu cực dưới gầm giường nhà người ta. Dạo trước có “anh em nương tựa”, rồi “lòng xào dưa 30k”, “dứa ren”… Phải nói ngay rằng tui ghét chuyện ngoại tình, dù là ngoại tình trong tư tưởng hay với bất kỳ lý do gì, kể cả tìm bạn tình chỉ để giải quyết nhu cầu sinh lý. À quên, cái mà tui đề cập không phải là mối quan hệ gia đình, mà chỉ là chuyện đu trend. Đầu năm 2022, nhiều người ào vào share và bỉ bôi chê trách cha của một em học sinh nhảy lầu tự sát, rằng thì là mà gia đình đã gây áp lực học hành cho con cái. Trước đó nữa, tháng 8/2021, nhiều tài khoản bị facebook đánh gậy vì share clip abcxyz của 2 cháu vị thành niên. Với tính tò mò, tui cũng ưa hít drama như nhiều thần dân trên cõi mạng, nhưng thường chỉ hóng đến cái tiêu đề là xong.
Nhưng tại sao những câu chuyện đó vẫn lan tràn một cách rộng rãi, thậm chí với tốc độ kinh khủng? Theo ngôn ngữ kinh tế học hành vi, chắc cú đây là hội chứng sợ bị bỏ lỡ – FOMO (Fear of Missing Out). Thuật ngữ này mới chỉ được đưa ra từ năm 2004. Đó là cảm giác lo ngại, quê xệ sợ mình lạc ra ngoài dòng chảy xã hội trong khi cả thiên hạ đang rần rần nói tới, nên kiểu gì cũng phải ráng đú trend.
Tui chỉ có cái trend chụp chân xài từ nơi này qua nơi khác mà chưa thấy ngán.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ngày nay FOMO, thói quen sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh có liên hệ chặt chẽ với nhau. Càng lướt nhiều trên cõi mạng, người ta càng phát hiện càng nhiều điều mà mình chưa đạt tới. Con nhỏ này đi chơi nhiều ghê (trong khi mình cũng không kém), con nhỏ kia mua sắm liên tục, con nhỏ nọ luôn bắt kịp xu hướng… Ủa mà mình rớt sóng hồi nào vậy ta. Chà, phải thường xuyên lướt mạng, xem TikTok, tập tành Reels để không bị hụt trend. Phải theo dõi và tham gia bình luận để nẫu cũng trầm trồ “Trời, bả xịn ghê, không có cái gì mà bả không biết”.
Cứ như vậy, hai quy trình của FOMO đã diễn ra một cách tự nhiên theo tâm lý của con người: 1- Nhận thức về việc bỏ lỡ => 2- Cố gắng duy trì các kết nối xã hội bằng cách đăng đàn nhiều hơn. Cảm giác nhu cầu chưa được thỏa mãn khiến mức độ tương tác với mạng xã hội ngày càng nhiều, bắt sóng ngày càng mạnh mà nhiều khi không phân biệt đó là từ trường tốt hay xấu; từ đó vòng lặp FOMO ngày càng được củng cố.
Đọc thêm: Đám đông hỗn loạn
Ờ thì khó mà tránh khỏi hiệu ứng tâm lý quá mạnh này. Thiệt ra đu trend cũng không xấu nếu có chừng mực. Tui chỉ không thích cách hồ hởi chia sẻ thông tin và ném đá trên mạng; kể cả một số trang báo cũng không ngần ngại vồ vập tin tức này. Chẳng hạn gần đây là sự cấu xé với “gián con”; những lời bỉ bôi chê bai trước tình trạng ế vé live concert của một ca sĩ (trước khi chương trình diễn ra); hay xuất thân cô bé H. trong nhóm nhạc thần tượng ở Kpop (vì không có thông tin về quan điểm chính trị của cô bé này nên tui tạm coi bạn nhỏ chưa phát ngôn bất cứ điều gì liên quan). Trên đó, nhiều người vội vàng trở thành những anh hùng giang cư mận, những đạo đức gia online có quyền phán xét tất cả. Họ quên mất rằng, bên kia màn hình cũng là một con người. Phía dưới bàn phím đang sồn sột gõ là một tờ khai lý lịch, một bản định tội cho người khác. Cứ cho rằng chính chủ của trend đáng bị chê bai đi, còn gia đình, con cái, người thân của họ thì sao?
Ông bà xưa bảo “Lời nói gió bay”, nhưng về phía người nghe thì “Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bớt phán xét, bớt rêu rao, đưa chuyện người khác không khiến mình trở thành người lạc hậu. Trái lại, sống xa negative trend sẽ giúp mình tạo khoảng đệm với những điều tiêu cực, ít nhiều làm cho cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng hơn. Ông bà xưa đã dặn “Gần mực thì đen, gần đen thì sáng”. Bạn tui thường nói, nếu thường xuyên lắng nghe, tiếp xúc với những người hay tỏa ra năng lượng tích cực thì kiểu gì mình cũng được hưởng xái, khiến mình suy nghĩ lạc quan hơn.
Tất nhiên, tui cũng ham hố ú òa, ultr cho dừa lòng nhau để đỡ chằm Zn. Tui ráng bắt chước, ráng cưa sừng làm nghé để khỏi lạc hậu so với sắp nhỏ, đỡ bị nói là bà cô già. Trend nào zui zẻ tích cực thì tui bám càng, còn mấy cái mệt mệt kia thì bỏ qua. Còn bạn, bạn chọn trend nào?
(Trong bài cũng có bám trend xài từ nửa Anh nửa Việt, bạn thông cảm nha).
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Đu trend và FOMO […]