Như đã nói ở bài trước, tui không có công thức cụ thể cho việc kết hợp các loại hạt để làm sữa vì tui hứng gì làm nấy, vả lại mỗi người có gu ẩm thực khác nhau nên một công thức cố định sẽ không phù hợp. Thay vào đó, cứ áng chừng tổng khối lượng hạt thường không quá 100g cho 1.2 lít nước. Nấu với các loại hạt hay bị trào và và nhiều bọt (đậu, hạt sen, yến mạch) thì cần giảm xuống dưới 100g. Tất nhiên tùy loại hạt, tùy độ loãng đặc theo sở thích mà điều chỉnh khối lượng cho phù hợp. Khi kết hợp 2 loại hạt béo và hạt tinh bột, tùy khẩu vị thích béo hơn hay thích bột hơn mà gia giảm hai loại hạt này theo tỷ lệ 1:1 hoặc 1:2, 1:3.
Tìm hiểu về nguyên nhân sữa bị trào tại: Trong thế giới sữa hạt: từ hạt đến sữa
Sữa hạnh nhân để nguyên lớp vỏ lụa màu nâu.
Trong bài này tui sẽ nói về màu sắc, chất tạo ngọt và tạo mùi thơm cho sữa hạt.
1. Màu của sữa hạt
Muốn tạo màu cho sữa hạt, bạn chỉ cần kết hợp các loại hạt có màu đặc trưng là sẽ ra được màu sữa ưng ý. Lưu ý rằng màu của sữa thường sẽ nhạt hơn rất nhiều so với màu của hạt và còn phụ thuộc vào lượng hạt nào nhiều hơn. Dưới đây là một số màu sữa thường gặp.
Màu trắng: Các loại hạt béo khi làm sữa hầu như đều có màu trắng; trừ lạc rang ra màu nâu đỏ, hạt bí xanh ra màu xanh lá. Màu sữa trắng cũng đến từ hạt sen, đậu nành, yến mạch, củ lang trắng, các loại đậu màu trắng, hạt mít, gạo rang (sữa gạo rang có màu trắng ngà).
Sữa hạt sen
Màu xanh biển: sữa màu trắng + vài bông hoa đậu biếc.
Sữa hạt điều + hoa đậu biếc
Màu xanh lá: kết hợp với cốm non, cốt lá dứa, hạt bí xanh hoặc xay với rau như cải kale, cải bó xôi.
Sữa đậu ngự + hạt sen + cải bó xôi
Màu vàng: kết hợp với bắp, củ lang vàng, đậu xanh bóc vỏ.
Sữa đậu xanh
Màu cam: kết hợp với cà rốt, gấc, bí đỏ.
Sữa macca + gấc
Màu tím: kết hợp với củ lang tím.
Sữa hạt điều + củ lang tím
Màu đỏ: kết hợp với củ dền, đậu đỏ, gạo lứt rang, các loại đậu màu đỏ.
Sữa đậu đỏ + hạt dẻ cười
Màu đen: kết hợp với đậu đen, mè đen, hạt chia.
Sữa mè đen
2. Chất tạo ngọt
Có thể dùng đường hoặc trái cây. Trái cây là các loại đã sấy khô như nho khô, chà là, táo đỏ, kỉ tử. Dùng đường thì đường phèn, đường thốt nốt thì sẽ ngon hơn đường cát. Có thể thêm chút xíu muối vào sữa hạt để vị ngọt trở nên đậm đà hơn.
Sữa đậu rằn
3. Chất tạo mùi thơm
Phổ biến và rẻ nhất là lá dứa; nhưng tui không thích lắm vì nó át mất mùi tự nhiên của các hạt trong sữa. Tuy nhiên, nếu bạn đã quen với sữa đậu nành, sữa đậu xanh thường mua bên ngoài thì nên thêm lá dứa vào, vì mùi của sữa hạt không phải ai cũng có thể uống từ lần đầu tiên.
Cách dùng: Có thể dùng một trong các cách sau: 1- Cho lá dứa vào hấp chung với các loại hạt giàu tinh bột. 2- Sữa nấu xong, cho lá dứa vào ngâm chừng 15 phút, lá dứa sẽ ra mùi thơm; đừng nấu chung từ đầu vì sẽ giảm mùi rất nhiều. 3- Nếu chọn chế độ sữa không nấu thì nấu nước sôi hãm lá dứa như hãm trà khoảng 15 phút rồi lấy nước đó để nấu sữa.
Sữa hạt óc chó – hình này chụp lúc 4h30 sáng, mắt nhắm mắt mở nên không thấy vết lóa đèn trên dĩa.
Đọc thêm: Kỳ 1: Trong thế giới sữa hạt – vì sao cần ngâm hạt?
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |