Trong thế giới sữa hạt: Hạt nào để làm sữa ?

Phải nói ngay từ đầu rằng tui không phải chuyên gia dinh dưỡng, chỉ là có một quãng thời gian tập tành với sữa hạt nên có hiểu chút chút về cách chế biến. Xin chia sẻ một ít về sữa hạt cùng với một vài công thức chế biến tiện dụng cho gia đình, phần nào chưa chính xác thì mong bạn góp ý thêm nha.

1. Hạt nào để làm sữa

  • Hạt béo, nghĩa là các hạt có chứa tinh dầu như: hạt điều, hạnh nhân, óc chó, macca, hạt dẻ cười, hạt bí, hướng dương, lạc, mè… Các hạt này khi làm sữa sẽ có vị béo, ngọt tự nhiên. Muốn ngon hơn thì có thể lột lớp vỏ lụa, vả lại một số người không thích mùi hăng của phần vỏ này. Bạn có thể ngâm nước ấm cho mềm để dễ lột. Với tui thì vẫn để lại vì vỏ vẫn giàu chất dinh dưỡng.

  • Đặc điểm một số hạt béo thường dùng.

Hạt béo

Đặc điểm (riêng giá thì tính theo phần nhân hạt)

Hạt điều Béo, rất thơm, ngon, ngọt. Với hạt điều tươi, điều sữa thì nên hấp trước khi nấu. Với hạt điều sấy, điều rang muối thì nấu luôn.
Hạt macca Giá đắt hơn hạt điều khoảng 2.5-3.5 lần. Béo, thơm, ngon, rất ngọt
Hạt dẻ cười Giá đắt hơn hạt điều khoảng 1.5 lần. Béo, thơm, ngon, ngọt
Hạnh nhân Giá đắt hơn hạt điều một xíu. Béo, thơm, ngon, ngọt
Hạt óc chó Giá đắt hơn hạt điều khoảng 1.5 lần. Béo, thơm nhẹ, ngon, ít ngọt
Hạt bí, hướng dương Giá ngang hạt điều. Béo, thơm, ngon, ít ngọt
Lạc (đậu phộng) Giá rất rẻ so với hạt điều. Rất béo, thơm, ngon, ngọt. Sữa làm từ lạc rang thơm và ngon hơn hẳn lạc sống, vì lạc sống mùi khá hăng.
Giá rất rẻ so với hạt điều. Rất béo, thơm, ngon, ngọt. Sữa mè rang rất thơm.

  • Hạt tinh bột: thường ít béo, giàu tinh bột, tạo ra độ sánh cho sữa như hạt sen, đậu nành, củ lang, gạo, cốm, yến mạch, diêm mạch (quinoa), các loại đậu… Các loại đậu thường khá cứng, dễ làm hư lưỡi dao, vì vậy nên ngâm mềm trước khi nấu. Kỹ lưỡng hơn thì bạn có thể hấp chín. Một số loại mềm sẵn như hạt sen, bí đỏ, củ lang, cốm, yến mạch thì khỏi ngâm, có thể chọn chế độ sữa nấu chín luôn.

  • Đặc điểm một số hạt tinh bột thường dùng.

Hạt tinh bột

Đặc điểm

Hạt sen Rất thơm, ngon, dễ bị trào.
Đậu nành Thơm, ngon, mùi vị quen thuộc nên rất dễ uống. Sau khi ngâm có thể lột vỏ hoặc để vỏ cũng được.
Đậu gà Thơm, ngon. Sau khi ngâm nên lột vỏ
Yến mạch Thơm, ngon, dẻo, rất dễ trào.
Cốm Thơm, ngon, dẻo, dễ trào.
Gạo, gạo lứt Nên dùng gạo rang thì sữa mới thơm. Nên nấu thành cơm trước khi cho vào máy nấu sữa. Ngon, hơi dẻo, dễ trào.
Bắp, bí đỏ, củ lang Thơm, ngon, ngọt.
Hạt mít, sầu riêng Chỉ có mùi thơm từ tinh bột của hạt chứ không có mùi mít hay sầu riêng gì cả. Riêng sầu riêng thì dẻo.
Diêm mạch (quinoa) Là loại hạt thường xuyên có trong khẩu phần giảm cân. Kích thước nhỏ như hạt chia. Nếu không quen thì mùi hơi hắc, vì thế nên nấu chung với các hạt béo có mùi thơm để sữa dễ uống hơn.
Đậu xanh Thơm, ngon, hơi dễ trào. Đậu xanh bóc vỏ thì sữa có màu vàng nhẹ, đậu xanh có vỏ thì sữa sẽ có màu đục chứ không ra màu xanh.
Đậu đen Thơm, ngon. Một số người không thích mùi hơi tanh khi xay nát của đậu đen thì có thể rang qua trước khi làm sữa.
Hạt kê. Đậu trắng, đậu đỏ, đậu cúc và các loại đậu khác: Thơm, ngon.

  • Ngoài ra có thể thêm một số loại rau củ khác như cà rốt, củ dền, cải kale, bó xôi… để nấu sữa hạt.

2. Nấu bao nhiêu hạt là vừa?

Bạn có thể nấu riêng lẻ từng nhóm hạt hoặc kết hợp lại. Tui không có công thức bao nhiêu gram cụ thể cho từng loại vì như vậy mỗi lần nấu là mỗi lần phải mở vở ra xem, khá mất công và bị phụ thuộc cứng nhắc. Thay vào đó, cứ áng chừng tổng khối lượng hạt thường không quá 100g cho 1.2 lít nước. Nấu với các loại hạt hay bị trào và và nhiều bọt (đậu, hạt sen, yến mạch) thì cần giảm xuống dưới 100g.

Tìm hiểu về nguyên nhân sữa hạt bị trào trong bài: Kỳ 3: Trong thế giới sữa hạt: từ hạt đến sữa

Tất nhiên tùy loại hạt, tùy độ loãng đặc theo sở thích mà điều chỉnh khối lượng cho phù hợp. Khi kết hợp 2 loại hạt béo và hạt tinh bột, tùy khẩu vị thích béo hơn hay thích bột hơn mà gia giảm hai loại hạt này theo tỷ lệ 1:1 hoặc 1:2, 1:3.

3. Ngâm hạt

Nếu nấu hạt tươi thì không cần ngâm. Nếu nấu hạt khô, đặc biệt là các loại đậu thì nên ngâm. Mỗi loại hạt có thời gian ngâm khác nhau. Thường thì các loại đậu cứng phải ngâm 6-12h hoặc qua đêm mới đủ độ mềm. Hạt nẩy mầm thì chất dinh dưỡng càng đậm đà nên bạn cũng có thể lấy làm sữa bình thường. Khi ngâm nên thay nước 2 tiếng một lần để đảm bảo hạt không bị nhiễm khuẩn, chua, lên men, không thì phải bỏ vào ngăn mát tủ lạnh.

Đọc thêm: Kỳ 1: Trong thế giới sữa hạt – vì sao cần ngâm hạt?

Đọc thêm: Kỳ 4: Trong thế giới sữa hạt – màu của sữa hạt?

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

One comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *