Bình minh ở hải đăng Mù Cu, Lý Sơn

Đến Lý Sơn thì nên ngắm bình mình hoặc hoàng hôn ở đâu? Câu trả lời tui nhận được nhiều nhất là trên đỉnh Thới Lới, cổng Tò Vò và hải đăng Mù Cu. Tui là người dễ dụ, nên nghe sao làm vậy, chốt hải đăng Mù Cu làm điểm đến ngắm bình minh liền.

Thông số kỹ thuật hải đăng Mù Cu

Trong tài liệu kỹ thuật, ngọn đèn biển này được gọi là “Đèn báo bãi cạn Lý Sơn”. Nó nằm trên bãi cạn Mù Cu nên còn gọi là “Hải đăng Mù Cu”. Về vị trí địa lý, nếu xét theo hệ tọa độ VN2000 thì hải đăng Mù Cu nằm ở 15°22’51.9″N, 109°08’40.4″E. Còn nếu xét theo hệ tọa độ quốc tế WGS84 thì nằm ở 15°22’48.2″N, 109°08’46.9″E.

Góc nhỏ:

  • Hệ tọa độ VN2000 được chính thức sử dụng từ tháng 8/2000; thay thế cho hệ quy chiếu HN – 72 trước đó. Đây là hệ tọa độ quốc gia, áp dụng cho việc đo đạc tọa độ ở các cấp hạng, các hệ thống bản đồ địa hình cơ bản, bản đồ nền, bản đồ địa chính, bản đồ hành chính quốc gia và một số bản đồ chuyên đề đặc thù. Tham số tọa độ VN2000 là gì? Tham số này được quy chiếu bởi Ellipsoid WGS-84 toàn cầu.
  • Hệ tọa độ WGS-84 là là hệ tọa độ trắc địa thế giới, được sử dụng trong tất cả các bản đồ, trắc địa, đạo hàng vệ tinh trên toàn thế giới. Đến nay, hệ tọa độ này là chính xác nhất nên được nhiều quốc gia sử dụng để đo đạc vị trí bản đồ, trong đó có Việt Nam.

Tháp đèn rộng 1.5m, cao 10.2m đến phần móng; còn nếu tính tổng chiều cao đến mực nước số “0” hải đồ thì kích thước đạt 11.5m. Tính ra ẻm khá thấp bé nhẹ cân so với nhiều ngọn hải đăng khác, thậm chí là nhỏ nhất trong các đèn biển trên đảo Lý Sơn. Đèn sử dụng ánh sáng trắng chớp nhóm 3+1, chu kỳ 15s với tâm sáng 11.1m. Ánh sáng này có tầm hiệu lực 11 hải lý vào ban ngày và 10.8 hải lý vào ban đêm (1 hải lý = 1852m). Hiện nay Hải đăng thuộc quyền quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc.

Góc nhỏ:

  • Ánh sáng chớp là ánh sáng trong đó tổng thời gian sáng trong một chu kỳ ngắn hơn tổng thời gian tối và thời gian các chớp sáng bằng nhau.
  • Ánh sáng chớp đều là ánh sáng chớp trong đó tất cả các khoảng thời gian sáng và thời gian tối bằng nhau. Ánh sáng chớp dài là ánh sáng chớp trong đó thời gian chớp không nhỏ hơn 2.0s.
  • Ánh sáng chớp nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 50 – dưới 80 lần/phút. Ánh sáng chớp rất nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 80 – dưới 160 lần/phút.
  • Ánh sáng chớp đơn là ánh sáng chớp trong đó một chớp được lặp lại đều đặn với tần suất < 50 lần/phút. Ánh sáng chớp nhóm là ánh sáng chớp được phát theo nhóm với chu kỳ xác định. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp là ánh sáng chớp nhóm kết hợp các nhóm chớp khác nhau với chu kỳ xác định.

Vẻ đẹp của đèn biển Mù Cu

Ánh nắng tinh khiết buổi ban mai lan tràn trên hòn Mù Cu.

Nơi đây vốn là một bãi cạn nằm trơ trọi giữa biển, xung quanh là thềm đá trải dài. Cả Lý Sơn chỉ ở nơi này có cây mù cu, lâu dần thành tên hòn Mù Cu. Bãi cạn cách bờ chỉ khoảng 500m, hôm nào nước cạn có thể men theo doi cát ở giữa mà lội ra. Sau này người ta xây kè nối hòn Mù Cu với đất liền thành một dải. Cây mù cu bị khai thác cũng không còn trên hòn nữa.

Những tảng đá núi lửa nằm rải rác quanh bãi cạn Mù Cu.

Hòn Mù Cu hiện giờ nối với đất liền bởi con đê chắn sóng cao gần 3m, được xây dựng để làm Vũng neo đậu tàu thuyền. Dự án được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2004, sau đó được sửa chữa mở rộng thêm vào năm 2012. Theo thiết kế, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn thuộc Dự án này là nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn cho khoảng 500 tàu cá và tàu vận tải khi có bão.

Vũng neo đậu tàu thuyền nhìn từ đỉnh Thới Lới.

Ở một góc ngoặt của khu neo đậu nổi lên một công trình nhỏ, hình trụ với màu sơn đỏ trắng xen kẽ bắt mắt. Màu sắc này giống với hải đăng Gành Đèn ở Phú Yên. Tựa lưng vào những khối bê tông Tetrapod sừng sững, ngọn đèn biển trông càng nhỏ bé hơn. Hải đăng Mù Cu không có sự cầu kỳ về kiến trúc, cũng không có tuổi đời lâu dài như nhiều ngọn đèn biển khác, nhưng đôi khi chính sự đơn giản lại làm nên ấn tượng. Ngày qua ngày, nó cứ bình lặng đứng trên bờ cát, báo cho tàu thuyền qua lại biết vị trí của bãi cạn mà tránh.

Trèo qua khối bê tông chắn sóng này là đến hải đăng Mù Cu. Không khó đi chút nào, chỉ cần một xíu cẩn thận thôi.

Trên bãi cát đầy vụn trắng của san hô, mấy dây rau muống biển bò quanh, len lỏi từ chân bờ kè ra mép biển. Xa xa hơn là những tảng đá đen nhánh – tàn tích của nham thạch núi lửa để lại. Ngoài khơi, từng con sóng êm đềm vỗ vào bờ. Cát trắng, cây xanh, tháp đèn đỏ cùng trời biển mênh mông một màu tạo nên một khung nền tuyệt đẹp cho bất kỳ bức ảnh nào. Hải đăng lại vươn mình trước biển, không bị bất kỳ vật gì che chắn nên càng lý tưởng để ngắm khoảnh khắc giao thoa giữa ngày và đêm. Vì vậy, nơi đây được nhiều người lựa chọn để chụp hình.

Từ hải đăng Mù Cu nhìn về phía hải đăng Lý Sơn.

Đường đến hải đăng Mù Cu

Hải đăng Mù Cu nằm ở rìa phía đông của đảo Lý Sơn, thuộc địa bàn thôn An Hải. Từ cảng Bến Đình rẽ phải đi qua quảng trường Lý Sơn rồi cứ đi miết theo con đường lớn mà chị Google maps chỉ dẫn. Khi nào gặp ngã ba trong hình trên thì chọn hướng rẽ về phía vùng neo đậu tàu, hải đăng Mù Cu nằm ở cuối khu vực này. Từ ngã ba có thể nhìn thấy hải đăng vì chỉ còn cách khoảng 850m.

-Việt An-

Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *