Lứa 7x 8x có tuổi thơ gắn liền với cái radio như tui chắc đã từng nghe bài hát “Cây phong ba trên đảo xa” của nhạc sĩ Bùi Tuyên Đông. “Cây phong ba trên đảo Trường Sa. Như chú hiên ngang đêm ngày giữ đảo. Mắt vẫn đăm đăm, chắc súng trong tay. Cho cánh hải âu yên lành bay trong nắng…”.
Cây phong ba có tên khoa học là Heliotropium foertherianum, Tree heliotrope (tên ban đầu là Tournefortia argentea), thuộc họ Boraginaceae (họ Mồ hôi, Vòi voi). Đây là loài cây đặc trưng của vùng ven biển. Dù cho đất cát, đất đá bạc màu, ít đất hay trong điều kiện không khí nhiễm mặn, thậm chí thi thoảng có bị sóng vuốt qua thân rễ thì nó vẫn sống ngon lành. Có lẽ vì thế mà phong ba mọc rất nhiều ở các vùng đảo như Trường Sa, Lý Sơn và đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường trong gió biển.
Cây phong ba được xếp vào nhóm cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, có thể cao 1-5m. Cây càng cao thì tán càng vươn rộng, có thể vươn tới 5m. Từ phía gần mặt đất, các nhánh đã chia ra tứ phương tám hướng nên trông rất sum suê.
Một nhánh thân đã nứt toác như này nhưng phong ba vẫn hiên ngang đứng.
Lá phong ba xanh nhạt pha chút ánh xám bạc, mặt dưới là lớp lông tơ trắng mượt. Lá mọc xen kẽ và xếp theo đường xoáy trôn ốc phía đầu cành nên nhìn từ trên xuống như một bông hoa đang nở rộ. Mép lá gợn sóng nhẹ, khum khum lại như đôi bàn tay nâng đỡ các lớp lá bên trên.
Hoa của cây phong ba mọc ở đầu cành, vươn ra từ chính giữa đám lá xanh. Một cụm hoa có nhiều nhánh, mỗi nhánh lại mang nhiều hoa.
Nó được xếp vào họ Vòi voi quả không sai vì càng lớn, các nhánh càng vươn dài như chiếc vòi con voi. Từ trên cái vòi đó, nở ra những bông hoa nhỏ màu trắng, không có cuống.
Hoa gần cành thì nở trước rồi đậu quả, ở xa thì nở sau nên có khi trên một nhánh có cả hoa lẫn quả.
Quả nhỏ màu xanh, nhẵn bóng, nhỏ xíu, chỉ chừng như đầu ngón tay út (5 mm).
Nghe nói ở một số vùng trên thế giới, lá phong ba có thể ăn được và cũng có dược tính chống viêm, kháng khuẩn.
-Việt An-
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] Đọc thêm: Cây phong ba […]