Tháng 4 về, người dân một số nước Đông Nam Á lại háo hức đón một cái tết mới với lễ hội té nước độc đáo, diễn ra trong tết Bunpimay (Lào), tết Songkran (Thái Lan), tết Thingyan (Myanmar)…
🎉🎉 TẾT BUNPIMAY – LÀO
Bunpimay là tết cổ truyền của dân tộc Lào, tương tự như tết nguyên đán của Việt Nam. Tết Bunpimay kéo dài trong 3 ngày, vào tháng 5 theo Phật lịch, thường rơi vào trung tuần tháng 4 dương lịch.
Mỗi ngày tết có các tên gọi khác nhau. Ngày thứ nhất được gọi là ngày tiễn đưa năm cũ, ngày thứ hai là ngày giao thời giữa năm cũ và năm mới, ngày thứ ba là ngày đón năm mới.


Buộc chỉ cổ tay là một hình ảnh rất ý nghĩa về việc trao gửi tình cảm yêu thương và lời chúc tốt đẹp trong dịp tết. Những sợi chỉ nhỏ được se lại, có nhiều màu khác nhau trắng, đỏ, vàng… Người này vừa buộc chỉ vào cổ tay người kia vừa chúc phúc, chúc sức khỏe. Người kia vừa chắp 1 tay trước ngực vừa nói lời cảm ơn. Đây là một nét văn hóa phản ánh tính cách hiền hòa của người dân Lào khi họ không cầu cho mình mà lại hướng về người khác. Họ cho rằng khi làm điều gì tốt lành cho người khác, thì điều tốt lành ấy cũng sẽ đến với mình. Càng có nhiều chỉ buộc cổ tay thì càng gặp may mắn trong cả năm.

Hoa champa (hoa đại) và hoa khun (hoa muồng vàng, muồng hoàng yến, muồng bò cạp, bò cạp nước, osaka) là hai loài hoa không thể thiếu trong dịp tết của người Lào. Người dân thường kết hoa champa thành vòng đeo cổ, cài lên tóc, trang trí mâm cúng; hoa muồng vàng thì treo trong nhà hoặc trên xe trong dịp năm mới để cầu may mắn.

Món ăn truyền thống trong dịp Tết Bunpimay của người Lào là món lạp, một món ăn được làm từ thịt lợn, gà hoặc bò và đặc biệt là không thể thiếu thính gạo nếp. Trong tiếng Lào, “Lạp” có nghĩa là “Lộc”, người Lào dùng món lạp với hi vọng sẽ phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn cả năm.
========
🎉🎉TẾT SONGKRAN – THÁI LAN
Songkran trong tiếng Phạn có nghĩa là khoảnh khắc thời gian chuyển dịch, từ lĩnh vực Hoàng Đạo sang lĩnh vực Kim Ngưu trong vũ trụ.
Thái Lan là một quốc gia theo Phật giáo, nên năm mới của họ bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật 15/4 và khai mạc bằng lễ tắm Phật trên chùa. Lúc này, người dân đón mừng ngày đản sinh Đức Phật bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa hết những tội lỗi, muộn phiền, để đón mừng năm mới. Từ năm 1941 Hoàng Gia Thái đã quy định rằng tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4 dương lịch hàng năm.
Tết Songkran cũng có các hoạt động trong ngày tương tự như tết Bunpimay.
Ngày thứ nhất, ngày Wan Sungkharn Long, mọi người quét dọn nhà cửa để bỏ đi những cái cũ, chờ đón cái mới.
Ngày thứ hai, ngày Wan Nao, là dịp giao thừa. Người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội trong năm cũ. Người dân cũng nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn để dâng lên chùa vào ngày tiếp theo.
Ngày thứ ba, ngày Wan Payawan, là ngày đầu của năm mới.
Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee là ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ tổ tiên và rắc nước thiêng.

_LVA_
Vui lòng trích nguồn: "An Hằng's blog" khi đăng lại bài của blog này. Cảm ơn các bạn! |
[…] – Tháng 4 với lễ hội té nước […]